Đường tin 91: Sau vụ nữ lao công bị sát hại, quản lý người có tiền sử tâm thần ra sao?

Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, vừa bắt giữ khẩn cấp Lê Như Toàn (30 tuổi, ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) sau khi xác định người này dùng gạch đánh chết chị V.T.H. (43 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường) đêm 4/4.

Hiện trường vụ cây đổ khiến một người tử vong hôm 2/4

 

# Sau nhiều tháng nắng nóng khô hạn, trong chiều tối mùng 2 và sáng mùng 3/4, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xuất hiện những trận mưa trái mùa. Mưa lớn kèm theo gió mạnh đã gây ngập úng cục bộ và khiến một cây phượng trên đường Phạm Hùng, thành phố Sóc Trăng bị bật gốc. Hậu quả là một người tham gia giao thông tử vong. Sau sự cố, ông Đậu Đức Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Sóc Trăng cho biết:

Chúng tôi đang chờ UBND thành phố Sóc Trăng tiến hành cuộc họp với các ngành chức năng để thực hiện rà soát, kiểm tra tất cả các cây xanh trên toàn thành phố chứ không riêng gì đường Phạm Hùng.

Nhiều sự cố đau lòng liên quan đến cây đổ đã từng xảy ra, nhiều khuyến cáo từ các chuyên gia về việc trồng, chăm sóc cây phượng cũng đã được đề cập, song tai nạn vẫn tiếp diễn và điều thường thấy sau đó là việc “thực hiện rà soát, kiểm tra” của các cơ quan chức năng. Rõ ràng, vấn đề cây xanh đô thị và sự an toàn cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn để không lặp lại những sự việc đáng tiếc tương tự.

# Tháng 4 đã về, đồng nghĩa mùa hè, mùa mưa đang đến gần. Người dân không chỉ lo ngại về nguy cơ đường ngập úng, cây gãy đổ, mà “bà hỏa” cũng là e ngại thường trực trong thời gian cao điểm sử dụng điện. 

Trong 3 tháng đầu năm, tại thành phố Hồ Chí Minh, những vụ cháy tại khu vực dân cư đã liên tục xảy ra. Đau lòng nhất là vụ việc ngày 30/3 ở phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, khiến 6 người trong một gia đình tử vong, 1 người bị thương. Liên quan đến những vụ cháy trên địa bàn, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.HCM khuyến cáo:

Đề nghị mọi người phải nâng cao ý thức và trách nhiệm về PCCC. Cụ thể, trước khi đi ngủ và ra khỏi nơi ở, hoặc nơi làm việc thì phải kiểm tra, kiểm soát thật là chặt các nguồn nhiệt, nguồn lửa gây ra cháy, hệ thống điện. Đặc biệt là bố trí, sắp xếp hàng hóa phải đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, có các phương án xử lý các tình huống cháy nổ xảy ra tại nhà của mình, trang bị các phương tiện chữa cháy, thoát nạn khi cần thiết.

Khu vực hiện trường vụ việc nữ lao công bị sát hại

# Thông tin mới liên quan tới vụ nữ lao công vô cớ bị sát hại vào đêm 4/4, đó là việc nghi phạm có dấu hiệu bệnh tâm thần. Bên cạnh việc xử lý theo pháp luật, điều mà xã hội quan tâm là trách nhiệm quản lý người bệnh tâm thần ra sao? Đối thoại với phóng viên VOV Giao thông, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật Nguyễn Anh cho biết:

Sau khi đối tượng bị đưa đi chữa bệnh, sức khỏe ổn định, được về gia đình thì họ sẽ tạo ra sự bất an trong cộng đồng, vì không có gì đảm bảo được là họ không tiếp tục phạm tội và bệnh tình tái phát. Như vậy, trách nhiệm ở đây phụ thuộc vào sự tự nguyện của gia đình. Các cơ sở y tế địa phương cần hỗ trợ quan tâm các đối tượng mắc bệnh để rà soát, có phương án điều chỉnh kịp thời. Cha mẹ, vợ chồng, con cái, người giám hộ nếu không chứng nh mình không có lỗi trong việc giám hộ thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh tâm thần gây ra.

# Ngày 31/3, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu quan điểm: Đề nghị Công an thành phố chỉ đạo công an địa phương triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, kiểm soát người nhập cảnh trái phép, phát hiện sớm các trường hợp này để kịp thời ngăn chặn. Trong đó, cần vận động quần chúng nhân dân phát giác, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép.

# UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; xem đây là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. 

# Những năm qua, TP.HCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của Việt Nam. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP.HCM cũng ở hàng cao nhất nước ta. Năng suất lao động của TP.HCM gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trao đổi với phóng viên VOV Giao thông, chuyên gia tài chính Trần Thanh Hải cho rằng, để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính có thể cạnh tranh với khu vực và quốc tế thì cần kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó, cần tạo cơ chế riêng và lớn hơn để xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính đúng nghĩa, thu hút được nhiều nguồn cung -cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển thương mại, đầu tư vào kinh doanh, tổ chức kinh tế hàng đầu.