Đường tin 91: Nhiều xe chạy trên 'luồng xanh' không đúng mục đích, sai hành trình

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm soát công tác sử dụng giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên "luồng xanh".

CSGT kiểm tra giấy tờ của một phương tiện chở hàng hóa ngay tại chốt kiểm soát dịch COVID-19. Ảnh: Phi Long - VOV
 

# Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản khẩn về việc cấp phép cho một số loại xe taxi được hoạt động trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Theo đó chỉ cấp phép cho một số xe taxi thuộc hãng Mai Linh và Vinasun được hoạt động trong các trường hợp hỗ trợ y tế như đưa đón người dân đến, đi từ các trung tâm cách ly thông qua sự điều động của ngành y tế; Vận chuyển người dân từ nhà đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc ngược lại; Vận chuyển người dân từ nhà đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoặc ngược lại.

Về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho biết:“Chúng tôi cho rằng quan điểm của Sở GTVT và chấp thuận của UBND TP rất nhân văn để mà phục vụ kịp thời cái yêu cầu cấp thiết của nhân dân liên quan đến y tế. Tất cả các xe chúng tôi đều chọn xe mới, xe 7 chỗ để bảo đảm sự thông thoáng và bảo đảm giữa lái xe và khách hàng. Tất cả xe đều có gắn màng nhựa ngăn cách giữa lái xe và khách hàng. Ngoài ra mỗi khi chở khách và hàng hóa thiết yếu xong thì lái xe đều khử khuẩn xe sạch sẽ.”

# Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc kiểm soát công tác sử dụng giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên "luồng xanh". Văn bản nêu rõ: Trong thời gian qua, có nhiều thông tin về việc sử dụng giấy nhận diện không đúng đối tượng, mục đích, đi sai tuyến đường đăng ký.

Do đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị vận tải đã được cấp giấy nhận diện lưu giấy đề nghị, các tài liệu liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, phiếu xét nghiệm của lái xe để phục vụ công tác hậu kiểm. Sở GTVT các địa phương chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông triển khai hậu kiểm đối với các đơn vị có phương tiện được cấp giấy nhận diện (trong đó lưu ý tập trung đối với các đơn vị có phương tiện kinh doanh vận tải gắn thiết bị giám sát hành trình).

# Để phòng chống dịch bệnh, TPHCM yêu cầu mỗi shipper chỉ hoạt động trên một địa bàn và có dấu hiệu nhận diện, còn Hà Nội tạm dừng shipper công nghệ, trừ nhân viên giao hàng siêu thị và bưu tá. Những ngày qua, đội ngũ giao hàng tại các siêu thị đang quá tải, còn người dân phải đợi rất lâu. Đã bắt đầu có hiện tượng ship “chui”. 

# Với mục đích giảm đến mức tối thiểu lượng người ra chợ, tránh tập trung đông người, góp phần phòng, chống dịch COVID-19, Tp. Hà Nội dự kiến sẽ triển khai mô hình phát thẻ đi chợ cho người dân trên toàn Tp. Ông Đặng Hữu Tiến, Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ chia sẻ, sau khi triển khai mô hình này tại chợ sinh Nhật Tân, phường Nhật Tân, số lượng người ra vào chợ giảm 50%.

# TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, với nhiều giải pháp được đưa ra như đơn giản hóa quy trình, tăng đội hình tiêm vắc xin cũng như tăng cường tiêm vắc xin cho người dân sau 18h chiều. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết:

“Việc tiêm vaccine này chủ yếu diễn ra ở từng phường, mỗi phường có ít nhất 2 điểm. Và chỉ có những người trên 65 tuổi và những người bệnh nền thì phải tiêm ở bệnh viện. Cho nên cũng xác định trên địa bàn phường, hoặc rộng hơn là quận thôi, với số lượng và con người cụ thể. Và có những quy định, những bộ nhận diện cụ thể để người thực hiện tiêm vaccine, người đi tiêm vaccine là được ra đường sau 18 giờ.”

Nhóm người tụ tập ăn nhậu, hát karaoke bất chấp các quy tắc phòng dịch. Ảnh: Lê Hoài

# Những ngày qua, tại nhiều địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc triển khai giãn cách xã hội được thực hiện rất nghiêm ngặt. Mặc dù vậy, vẫn có một số trường hợp cố tình vi phạm việc hạn chế tập trung đông người. Mới đây, một nhóm người tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã bị người dân địa phương phát hiện khi đang tổ chức tụ tập ăn nhậu, hát karaoke bất chấp các quy tắc phòng chống dịch. Hiện công an xã Thạnh Phú đã lập biên bản vi phạm với 4 người và chuyển hồ sơ lên công an huyện để tiếp tục xử lý. 

# Dịch bệnh bùng phát khiến lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương giảm đáng kể. Thay vào đó, bệnh nhân lựa chọn phương án tự điều trị tại nhà hoặc thăm khám tại các cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.

Thông tin trong chuyên mục Sự việc và góc nhìn, TS. Bạch Quốc Khánh, Giám đốc Bệnh viện Huyết học & Truyền máu Trung ương cho biết: 'Đối với những bệnh lành tính, hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc thường quy mà BV tuyến tỉnh nào cũng có chúng tôi tư vấn bệnh nhân điều trị tại BV tuyến tỉnh đó. Đối với những thuốc điều trị chuyên khoa sâu, điều trị nhắm đích, chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân hoặc vượt quá khả năng của BV tuyến tỉnh chúng tôi sẽ tư vấn chuyển lên BV'.

Thực tế, việc nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đổ dồn đến các bệnh viện tuyến trên, ở thành phố lớn trước đây chủ yếu do vấn đề thanh toán bảo hiểm và niềm tin về năng lực khám chữa bệnh. 

Để thay đổi tình hình này, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cần có cơ chế thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân vào khám chữa bệnh BHYT để san sẻ gánh nặng với mạng lưới y tế công. Đồng thời tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và trang thiết bị để tăng năng lực cho mạng lưới y tế cơ sở. 

Mặt khác, quy định phân tuyến cũng cần được các bệnh viện tuyến trên thực hiện nghiêm ngặt hơn. Đó không chỉ là yêu cầu đặt ra trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân, mà còn là là “chiến thuật” không thể bỏ qua, để giảm tỉ lệ mắc và tử vong trong cuộc chiến đẩy lùi các bệnh dịch nguy hiểm, như Covid -19.