Đường tin 91: Cầu Thăng Long liên tục ùn tắc từ khi thông xe trở lại

Theo Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) trung bình mỗi ngày có gần 20 trường hợp vi phạm tại nút giao thông cầu Thăng Long, chủ yếu là lỗi quay đầu tại đường cấm khiến tình trạng ùn tắc xảy ra liên tục.

 
Cảnh ùn tắc tại cầu Thăng Long ngay ngày đầu tiên thông xe trở lại

# Tại cầu Thăng Long (Hà Nội), việc coi thường biển cấm quay đầu xe của không ít tài xế đang khiến tình trạng ùn tắc xảy ra liên tục kể từ khi cây cầu này được thông xe trở lại sau một thời gian tiến hành sửa chữa. Đội CSGT số 15, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày có gần 20 trường hợp vi phạm tại nút giao thông cầu Thăng Long - đường Vành đai 3, chủ yếu là lỗi quay đầu tại đường cấm. Thậm chí có cả xe “biển xanh” cố tình vi phạm lỗi này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT. 

# Để hạn chế ùn tắc trong dịp Tết nguyên đán và lễ hội đầu xuân năm 2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản chấp thuận với đề xuất của Ban An Toàn giao thông các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, về việc tạm thời cấm xe ô tô tải từ 3 trục trở lên lưu thông qua cầu Rạch Miễu theo giờ, trong các ngày từ 27/1 đến hết ngày 22/2.

# Tết Nguyên đán đang đến gần, và câu chuyện năm nào cũng được nhắc đến là tai nạn pháo nổ. Những vụ buôn bán, vận chuyển pháo liên tiếp bị bắt giữ đã làm dấy lên nỗi lo ngại về các loại pháo hoa, pháo nổ khi tuồn vào thị trường nội địa có thể gây nguy hiểm đến an ninh, trật tự xã hội và tính mạng người dân. 

# Một loại tội phạm khác cũng gây bức xúc dư luận mỗi dịp Tết là “kiểng tặc”. Năm nào cũng vậy, bà con trồng cây ăn trái như bưởi, xoài, dưa hấu… phục vụ Tết tại ĐBSCL lại phải ngày đêm thăm nom vườn cây. Để phòng trộm, nhiều nhà đã làm hàng rào bảo vệ bằng lưới, dây kẽm gai, nuôi chó, hằng đêm thắp đèn rồi thay nhau canh vườn. Dốc sức lực, tiền bạc để hồi phục vườn cây sau hạn mặn, bà con đã thấm mệt, nay lại phập phồng lo sợ.

# Người dân tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM cũng đang “mất ăn, mất ngủ”, nhưng không phải vì trộm mà là vì đàn khỉ khoảng hơn chục con thường xuyên leo trèo trên mái nhà, quậy phá,… Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Kiểm lâm TP.HCM cho biết, đơn vị đã cử cán bộ ghi nhận thực tế. Phương án dự kiến là sẽ sử dụng súng chuyên dụng bắn thuốc mê đàn khỉ, rồi chuyển về trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi để nuôi dưỡng. Khi sức khỏe khỉ ổn định, lực lượng kiểm lâm sẽ thả về rừng. Hiện Chi cục Kiểm lâm yêu cầu chính quyền địa phương cử người tuyên truyền, bảo vệ người dân tại khu vực đàn khỉ xuất hiện.

# UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án xây dựng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, điều đáng nói là nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp dù được nhắc đến nhưng tỷ lệ rất khiêm tốn. Thực tế, việc phát triển nhà ở xã hội rất thấp, chiếm khoảng 3% tổng tỷ trọng sàn xây dựng và có sự lệch pha trong đầu tư. Các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân là không có quỹ đất, giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng rất cao, nên khi phát triển nhà ở xã hội thì nhà đầu tư khó đảm bảo thu hồi vốn, hoặc giá thành không phù hợp để người thu nhập thấp vươn tới. Cùng với đó, những vướng mắc về pháp lý, quỹ đất khiến việc phát triển nhà ở xã hội còn chậm. 

# Cần những giải pháp gì để người thu nhập thấp không bị bỏ quên? Để tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp nói riêng theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, thì rất cần sự chỉ đạo quyết liệt từ trung ương, sự vào cuộc sát sao của các địa phương.

Một điều cũng rất quan trọng là cần mạnh dạn loại bỏ tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực trong quy trình phê duyệt, đầu tư và triển khai các dự án nhà ở xã hội. Chỉ có vậy thì người thu nhập thấp tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung mới có thể sớm hiện thực hóa được giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.