Đừng để tốc độ đánh cắp tương lai (Kỳ cuối): Tốc độ dưới 30km/h

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, tốc độ phương tiện có tỷ lệ thuận với nguy cơ tử vong. Tốc độ trung bình tăng 10km/h, tỷ lệ tai nạn giao thông tăng 30%.

Giảm tốc độ xe cơ giới sẽ giúp tăng cơ hội an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có trẻ em.

Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam (theo cách tính của WHO) vẫn còn rất lớn: 17,7/ 100.000 dân. Mặt khác số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia. Theo nhiều chuyên gia, hạn chế tốc độ trong đô thị, đặc biệt đoạn qua khu vực cổng trường học sẽ giảm tỷ lệ va chạm giao thông tới trẻ em.

Kết quả thực tiễn cho thấy, nhờ cải tạo hạ tầng và hạn chế tốc độ dưới 30km/h ở các khu vực cổng trường tiểu học trên địa bàn Tp Pleiku, tỉnh Gia Lai, số vụ va chạm giao thông đã giảm gần 7 lần (từ 19,8% xuống 2,9%), tốc độ trung bình của phương tiện giảm từ 30km/h xuống 28km/h; tốc độ tối đa của phương tiện đi qua khu vực cổng trường học giảm từ 9-13km/h.

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập đi bộ an toàn qua làn đường kẻ sơn phản quang trước cổng trường - Ảnh Hcmcpv.org.vn

Bà Diễm Hồng, Quản lý chương trình cấp cao của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) dẫn chứng về bài học của thành phố Pleiku: "Đối với phương pháp đánh giá hạng sao của iRap tất cả 4 trường mà chúng tôi triển khai ở thành phố Pleiku đều tăng thêm 3 sao. Phương pháp phân tích xung đột giao thông cũng cho thấy xung đột giao thông giảm đi tương ứng các hạng sao trường học của các trường.Tỷ lệ xung đột giao thông giữ người đi bộ và phương tiện ở thành phố Pleiku 34.9/h/ 1.000 phương tiện đã giảm xuống 11.89 sau khi tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng xung quanh trường học" 

Theo báo cáo của Sáng kiến thiết kế Thành phố toàn cầu (GDCI), dự án thí điểm cổng trường an toàn tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụm trường Sài Sơn nằm ngay trục đường giao thông bận rộn với khoảng gần 8.000 phương tiện lưu thông vào ngày cuối tuần.

Sau một thời gian thực hiện dự án, tốc độ phương tiện qua khu vực cổng trường đã giảm 41%, giảm 43% số người đi bộ dưới lòng đường.

Còn tại khu vực cổng trường tiểu học Nguyễn Du, giảm 19% tốc độ phương tiện lưu thông, tăng 21% người sử dụng xe đạp hàng ngày, 49% số người được hỏi cảm thấy rất an toàn, 71% người được hỏi cảm thấy yên tâm khi cho con đi xe đạp, đi bộ tới trường. Kết quả tại cụm trường Xuân Đỉnh, tốc độ phương tiện đã giảm 16% và tăng 51% số người đi bộ qua đường đúng nơi quy định.

Thống kê của lực lượng cảnh sát giao thông trong năm 2024 cho thấy, vi phạm về tốc độ là một trong 5 nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam và là lỗi vi phạm được lực lượng chức năng tập trung xử lý.

PGS.TS Quingfeng Li, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương tích Quốc tế, Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloombergs khuyến nghị: "Thành phố Hà Nội cần thực hiện giới hạn tốc độ tối đa là 30km/h tại các khu vực  giao thông hỗn hợp với người đi bộ và đi xe đạp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp giảm tốc độ như gờ giảm tốc độ, lắp biển báo hạn chế tốc độ để bảo vệ những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương, như trẻ em"

Theo ông Đinh Đăng Hải, Cán bộ cấp cao Tổ chức Healthbridge tại Việt Nam, việc giảm tốc độ ở khu vực cổng trường học dưới 30km/h không làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian đi lại và các hoạt động vận tải, kinh tế: "Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, chậm lại ở một đoạn khu vực khoảng 200m -500m ở khu vực quanh trường học thì thời gian phương tiện đi chậm lại vài chục giây (nếu đi với tốc độ 5km/h). Đánh đổi lại chúng ta tạo được môi trường đi lại rất an toàn cho mọi người, cụ thể là những người yếu thế".

Thành viên Ban An toàn Giao thông tỉnh, đại diện Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP. Pleiku) qua đường an toàn: Ảnh: baogialai

Các nghiên cứu đã chỉ ra, tốc độ phương tiện, nguy cơ tai nạn giao thông và tỷ lệ thương tích của nạn nhân TNGT có mối quan hệ tỷ lệ thuận với nhau. Với vận tốc phương tiện từ 20-30km/h, người đi bộ có 90% cơ hội sống sót nhưng nếu tăng vận tốc phương tiện lên 50-60km/h, cơ hội sống sót chỉ còn 25%.

Nói về triển vọng nhân rộng mô hình cổng trường an toàn ra các khu vực khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: "Sau khi thực hiện mô hình thí điểm tại 3 cụm trường tại thành phố, Ban ATGT Hà Nội sẽ báo cáo kết quả với UBND thành phố. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của thành phố Gia Lai và cũng như thiết kế khuyến cáo của Dự án Bloombergs về an toàn đường bộ toàn cầu, xem xét báo cáo với UBND thành phố những vị trí, khu vực được khảo sát, đủ điều kiện sẽ tiếp tục áp dụng".

Tổ chức Sáng kiến Thiết kế Đường phố Toàn cầu (GDCI - Global Designing Cities Initiative) là đơn vị hỗ trợ kĩ thuật cho dự án. Năm 2023, GDCI đã chính thức phát hành cuốn sách Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu (GSDG) bằng tiếng Việt. Trong năm 2025, GDCI sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Sở GTVT nghiên cứu các giải pháp cải thiện an toàn giao thông cho khu vực trường học và một số nút giao phức tạp, nhằm cải thiện ATGT và giảm ùn tắc giao thông.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã có chương trình quản lý tốc độ 30km/h tại các khu vực đông dân cư. Điển hình, Singapore đã áp dụng mức giới hạn tốc độ 40km/h tại một số khu vực đặc biệt có nhiều người cao tuổi và trẻ em. Ngoài ra, quốc gia này còn sử dụng hệ thống camera kiểm soát tốc độ, lập dải phân cách, xây dựng làn đường cho người đi bộ…

Bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong châu Á chia sẻ kinh nghiệm hạn chế tốc độ ở Mỹ: "Ở New York và nhiều thành phố khác, khi đi vào các khu dân cư, khu vực không có biển báo tốc độ, tốc độ hạn chế 15le/ hour, tương đương 25km/h. Vì trong khu dân cư, đối tượng đi bộ và đi xe đạp nhiều nên họ có quy định bắt buộc hạn chế tốc độ phương tiện ô tô, xe may nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và người già"

TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, mô hình cổng trường an toàn, hạn chế tốc độ qua khu vực cổng trường học không chỉ giúp bảo vệ trẻ em tốt hơn, mà còn nâng cao trách nhiệm của phụ huynh và người dân về bảo vệ thế hệ tương lai:

"Những nỗ lực này chúng ta dành riêng cho đối tượng rất đặc biệt, trẻ em – tương lai của đất nước. Qua những khu vực cổng trường đã áp dụng các biện pháp cải thiện an toàn giao thông, những người lái xe ô tô, xe máy có cảm nhận mình có trách nhiệm, thận trọng hơn" 

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - Ảnh Báo Giao thông

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khuyến nghị, chính quyền các địa phương tùy thuộc vào điều kiện hạ tầng, lưu lượng giao thông có thể quyết định về phương án tổ chức giao thông, hạn chế tốc độ khu vực trường học. Đối với những trường nằm sát đường quốc lộ, đường giao thông huyết mạch, ông Minh đề xuất: "Giải pháp lâu dài, chúng ta phải sớm ban hành những quy định mang tính bắt buộc về đấu nối để những khu vực cũ xử lý dần dần nhưng đối khu vực mới, phải có  với những tuyến đường nội bộ, kiểm soát được không gian đỗ xe và chúng ta kiểm soát được những không gian va chạm tại khu vực cổng trường".

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương trong hoạt động giao thông. Giảm tốc độ phương tiện xuống dưới 30km/h có thể làm giảm nguy cơ va chạm, làm tăng khả năng sống sót của các em lên tới 90%. Nhẹ chân ga, có thể cứu sống được nhiều trẻ em mỗi khi đi qua khu vực cổng trường.

Để có thể tổ chức lại giao thông ở các khu vực cổng trường, hay nhân rộng mô hình hạn chế tốc độ dưới 30km/h tại các trường học  trên địa bàn, rất cần sự quyết tâm của người đứng đầu thành phố, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan, sự vào cuộc của gia đình và nhà trường, sự tự nguyện của người tham gia giao thông bằng trách nhiệm và tình cảm với trẻ em, để cùng xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, bảo vệ chính con em mình, và cũng chính là bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.