Nguyên nhân có lẽ ai cũng biết, do lưu lượng tăng cao, hạ tầng không đủ đáp ứng; cộng thêm nhiều xe chở hàng hóa cồng kềnh trên đường, đồ phục vụ Tết bán ở vỉa hè, xe đỗ dưới lòng đường... khiến tình hình ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, khác với cảnh ùn tắc của mọi năm mà sự ùn tắc những ngày qua có phần trật tự và ngay ngắn hơn, khi không còn cảnh lộn xộn phương tiện leo lề, lấn đèn đỏ, nối đuôi nhau lấn làn, đi ngược chiều theo kiểu “điền vào chỗ trống”.
Đành rằng các phương tiện có chờ đèn lâu hơn, dòng xe xếp hàng dài hơn, thế nhưng người đi bộ không còn nôm nớm lo sợ khi dòng xe ầm ập tràn lên vỉa hè hay bóp kèn ỉnh ỏi thúc giục xe phía trước khi dừng chờ đèn đỏ. Ngay cả công tác giải quyết ùn tắc, điều tiết giao thông của lực lượng chức năng cũng nhanh chóng và nhịp nhàng hơn.
Nghị định 168/2024 của Chính phủ ban hành ngày 26/12/2024, Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tác động không nhỏ đến hoạt động giao thông.
Bên cạnh những bất cập phát sinh thì những hiệu quả tích cực bước đầu từ việc thay đổi nhận thức trong giao thông, kéo theo hành vi thay đổi theo hướng văn nh và an toàn hơn. Vấn đề cấp bách còn lại là giải quyết ùn tắc, từ công tác tuyên truyền các quy định pháp luật đến tổ chức phân luồng giao thông hợp lý và tối ưu hạ tầng đô thị để phù hợp với quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông.
Đơn cử như việc điều chỉnh lại đèn tín hiệu cho phép phương tiện rẽ phải hoặc đi thẳng khi đèn đỏ tại các giao lộ vừa qua tại TPHCM, cho thấy hiệu quả phần nào trong việc điều chỉnh giao thông kéo giảm ùn tắc.
Từ đây, thành phố cần khảo sát thêm và nghiên cứu số nhịp đèn phù hợp với dòng lưu lượng tại các giao lộ lớn, nhất là khắc phục nhanh các sự cố đèn tín hiệu. Hệ thống biển báo hiệu cũng cần được rà soát làm sao cho dễ hiểu, rõ ràng, không bị che khuất, giúp người dân dễ nhận biết.
Về công tác phân luồng, cử người túc trực theo dõi và điều phối lực lượng điều tiết ngay khi có dấu hiệu ùn tắc, đặc biệt là các điểm nóng giao thông. Bởi sự có mặt điều tiết trực tiếp của lực lượng cảnh sát giao thông vẫn hiệu quả hơn là phụ thuộc vào hệ thống đèn tín hiệu. Công tác phân làn giao thông cũng có thể linh hoạt bằng cách áp dụng dải phân cách di động để ưu tiên cho luồng phương tiện có mật độ cao vào từng thời điểm.
Đây là biện pháp hiệu quả đã được thành phố áp dụng từ lâu tại một số điểm nút giao thông quan trọng, cần được mở rộng trong thời gian tới. Về lâu dài, thành phố đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch; tăng cường giao thông công cộng và khuyến khích người dân sử dụng.
Ngoài ra, cảnh sát giao thông chỉ nên tập trung xử lý chuyên đề các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây mất trật tự, tai nạn giao thông, các lỗi đậu đỗ sai quy định gây ùn tắc giao thông; tăng cường tuyên truyền pháp luật thay vì xử phạt đại trà các lỗi vi phạm.
Bởi Nghị định 168 ra đời siết chặt nhiều quy định, tăng nặng mức phạt khiến lái xe, đặc biệt là lái xe kinh doanh vận tải hàng hóa “dè chừng” trong tay lái, từ đó dễ dẫn đến ùn ứ dòng phương tiện, khiến thời gian giao hàng chậm trễ. Nhất là quy định về giờ lái xe, khiến doanh nghiệp phải giảm số chuyến hàng do thiếu lái xe, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp và cả lái xe nói riêng và kinh tế nói chung.
Trong khi số tiền thu được từ xử phạt giao thông không bằng con số thiệt hại về kinh tế trung bình mỗi năm khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM và 1 đến 1,2 tỷ USD mỗi năm tại Hà Nội, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM năm 2022.
Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm từ cơ quan chức năng, để giải bài toán ùn tắc còn cần sự đồng hành của người dân trong việc tuân thủ luật lệ và ý thức tham gia giao thông, kỳ vọng giao thông sẽ có diện mạo mới, thông thoáng hơn.