Đừng để chuyện lì xì Tết bị “thương mại hoá”

Đi kèm theo những lời chúc người thân, bạn bè năm mới may mắn là phong tục lì xì mừng tuổi. Thế nhưng, hiện nay nét đẹp này ít nhiều đã bị biến tướng, làm mất đi ý nghĩa vốn có.

Không rõ từ bao giờ, nhưng nhiều thế hệ trong gia đình người Việt Nam vẫn truyền nhau tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm mới. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người lại cùng quây quần bên nhau, người lớn lì xì cho trẻ nhỏ mong cho hay ăn, chóng lớn, học giỏi, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ thể hiện lòng thành kính biết ơn, cầu chúc năm mới nhiều phước an. 

Cũng vì ý nghĩa tốt đẹp đó mà tiền lì xì trong mỗi phong bao đỏ chỉ là tượng trưng. Do đó, ngày xưa mừng tuổi tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới.

Bà Võ Thị Thu Hương, Nguyên giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: Hồi xưa, con cháu phải lạy ông, bà. Lạy 2 lạy thì được lì xì. Còn bây giờ chúc Tết, không phải lạy như ngày xưa nữa. Giá trị tinh thần là vui nhất luôn, cao nhất luôn, chứ còn vật chất thì không quan trọng, Quan trọng sau là mình vẫn giữ được phong tục lì xì. Đối với gia đình cô vẫn giữ phong tục là mùng 2 Tết tất cả con cháu tụ về nội để mừng tuổi, lì xì.

ảnh nh họa (viettravel.com)

Mừng tuổi đầu năm vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt, nhưng theo thời gian, đang dần có những biến đổi. Chính vì vậy, chuyện trước khi đi chúc Tết hay lì xì cho con, cháu phải tính toán kỹ và tùy thuộc nhiều vào khả năng tài chính. Bởi nếu lì xì ít thì thấy ái ngại, nhưng lì xì nhiều, nhà nhiều con cháu thì khó xử cho người lì xì. 

Thực tế, một số ít trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi người lớn, chẳng hề để ý đến ý nghĩa hay những câu chúc khi được lì xì, mà chỉ chăm chú mở xem “ruột” bao lì xì được bao nhiêu tiền. Chị Trần Thị Thu Trang ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Hồi xưa lì xì Tết thì mình mừng tuổi, rồi mình lì xì, có được bao lì xì là vui, chạy đi cất rồi qua Tết mình đếm được bao nhiêu bao lì xì rồi mình đếm được bao nhiêu tiền vui lắm. Còn bây giờ lì xì ít, mở ra là mấy đứa con nít không thèm.

Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, trong dịp Tết, một số các em nhỏ kỳ vọng khá nhiều vội mở bao bì xì ngay sau khi nhận, trước mặt người lì xì luôn, thể hiện rõ thái độ nếu nhận số tiền không như mong đợi.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, cho biết: Trong bao lì xì đó ít tiền quá là buồn liền lặp tức. Họ không hiểu rõ về ý nghĩa của phong tục lì xì, một bao đỏ mang lại sự may mắn, cái tiền đó là tiền lộc cũng để chúc cho người được lì xì đó nhiều sự may mắn, tài lộc trong một năm sắp tới.

Và cũng có nhiều sự biến tướng trong bao lì xì nho nhỏ, đo đỏ đó nó không chỉ là yếu tố tình cảm mà còn là yếu tố vụ lợi trong đó. Khi giá trị vật chất nó được đề cao quá nhiều và nhiều mục đích khác nhau hơn là mục đích chúc cho người được lì xì đó gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Chúng ta thấy, hiện có nhiều sự biến tướng, lì xì để mưu cầu công việc, mưu cầu cái gì đó cho chính bản thân của mình hoặc là chúng ta thấy lì xì cho con của sếp, lì xì để cho mình được công việc gì đó, thì đó là một trong những cái biến tướng.

Dù giá trị của lì xì như thế nào đi nữa, của cho vẫn không bằng cách cho,và người nhận cũng cần thể hiện sự tôn trọng khi được nhận. Quan trọng nhất vẫn là tình cảm, sự chân thành. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc lì xì, không tự ý mở lì xì trước mặt người tặng, biết trân trọng món quà ngày Tết mà người khác tặng cho mình.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, nêu quan điểm: Những người lớn thì cần phải có những chia sẻ với con cái của mình, chia sẻ với giới trẻ về ý nghĩa của dịp Tết. Chúng ta quay quần bên nhau nó mang lại những tình cảm, mang lại những giá trị mà không bao giờ giá trị vật chất có thể mua được những điều như vậy.

Chúng ta thấy là chính những người đi trước phải có trách nhiệm và đương nhiên những người đi sau bạn cũng cần chủ động để tìm hiểu. Bên cạnh đó chúng ta thấy là chính việc biến tướng trong lì xì ngay lập tức có thể giúp cho bạn thăng tiến, giúp cho bạn có thể đạt được điều gì đó.

Tuy nhiên, nếu những điều đó không được xây dựng trên giá trị nền tảng nội lực chính bản thân của mình thì đến lúc nào đó cái yếu tố biến tướng như vậy có thể sẽ bị phát hiện, xử lý. Hãy đầu tư cho nội lực của mình, đầu tư cho bản lĩnh của mình để chúng ta đi trên chính đôi chân của mình, đó mới là điều thật sự tuyệt vời, khi đạt điều đó bạn mới thật sự hạnh phúc.

Theo các chuyên gia tâm lý, tục lì xì đầu năm chỉ đúng với nét đẹp văn hóa vốn có của nó khi cả người nhận và người lì xì đều không cần lo nghĩ quá nhiều về mệnh giá đồng tiền bên trong, đặc biệt, người nhận lì xì không bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, thực dụng của người lớn./.

ảnh nh họa (internet)

Xuất phát là một nét đẹp văn hóa, mang ý nghĩa tốt đẹp nhưng theo thời gian, tục lì xì đang dần mất đi những giá trị vốn có và ít nhiều bị biến tướng. 

Ý nghĩa của tục mừng tuổi không nằm ở “tiền” mà ở “tình” và “tâm”. Với trẻ con, lì xì Tết đánh dấu một năm mới bắt đầu, chúc các con khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Tục lì xì không còn giới hạn trong việc người lớn lì xì cho trẻ nhỏ. Con cái cũng có thể mừng tuổi những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà. Đó gọi là chúc thọ mong cho ông bà sống thọ, sống lâu cùng con cháu. Bao lì xì tuy nhỏ nhưng chứa đựng trong đó một giá trị to lớn. 

Do đó, việc lì xì lấy may trong năm mới là một điều nên làm, nhưng ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, “phú quý sinh lệ nghĩa”, tục lì xì bị thương mại hóa thành hình thức hối lộ ngụy trang. Thay vì sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi người ta dùng những tờ tiền mệnh giá cao.

Tiền mừng tuổi cũng không còn đơn thuần gửi gắm những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới, mà mừng tuổi còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân rất sâu xa. Con trẻ cũng bị ảnh hưởng và  xem Tết là dịp “gặt hái” và có thái độ so sánh người này mừng tuổi ít, người kia mừng nhiều.

Ngày Tết trở thành dịp để quà cáp, biếu xén, cũng có nơi, có lúc phong tục này bị biến thành một cách thức hối lộ của cấp dưới với các “sếp”, cấp dưới đến chơi nhà sếp và lì xì cho con cháu sếp những phong bao dày cộm, vượt quá ý nghĩa cầu chúc may mắn. 

Bên cạnh đó, còn kiểu mừng tuổi để trả nợ, nghĩa là một số phụ huynh quan niệm phải mừng tuổi con người khác bằng hoặc nhiều hơn số tiền con mình được lì xì nếu không sẽ cảm thấy xấu hổ và mang ơn. Tệ hại hơn, việc mừng tuổi nhiều khi đã trở thành lệ bắt buộc, nhiều người phải đi vay để mừng tuổi cho đẹp mặt. Từ 1 phong tụ đẹp, giờ, lì xì ngày Tết bỗng trở thành gánh nặng của nhiều người, làm mất hết niềm vui xuân.

Lì xì không phải là để cân đo, đong đếm mà là niềm vui, phấn khởi, háo hức khi nhận được sự quan tâm, tình cảm của người trao tặng. Do đó, hơn ai hết chính trong gia đình, những người cha, người mẹ phải tự điều chỉnh, giáo dục cho con cái từ bé.