Dừa khô rớt giá, nhà vườn kêu cứu

Nếu như thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá trái dừa khô tại các tỉnh, thành miền Tây ở mức cao khoảng 60-70 ngàn/ chục (12 trái), thì thời điểm này, giá dừa khô đã giảm hơn một nửa, mỗi trái chưa tới 2.000 đồng, thậm chí nhiều nơi thương lái cũng ngừng mua.

 

Với trên 175.000ha dừa được trồng, cây dừa được xếp hàng thứ 4 trong các cây công nghiệp lâu năm ở nước ta, sau cao su, hồ tiêu và cây điều.

Trong đó, ĐBSCL chiếm gần 80% diện tích dừa cả nước với khoảng 130.000ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn tại khu vực như Bến Tre trên 77.000 ha, Trà Vinh gần 25.000 ha, Tiền Giang hơn 14.000 ha...

Dừa được xác định là cây trồng quan trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp. Hiện nay, trái dừa khô bế tắc đầu ra, giá rớt sâu. Các địa phương cũng đang kiến nghị các Bộ, ngành trung ương quan tâm, giải cứu. 

Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh tiếp tục giảm thêm 10.000 đồng/chục (so với đầu năm) tùy chất lượng trái và chi phí vận chuyển. Cụ thể, giá dừa khô đang được những người thu gom, tự hái tại vườn mua với giá chỉ từ 25.000 – 35.000 đồng/chục.

Dừa khô liên tục giảm, trong khi giá phân bón tăng cao, khiến người trồng dừa ở Trà Vinh lao đao và không còn mặn mà chăm sóc, năng suất dừa cũng giảm đáng kể, thậm chí nhiều hộ đốn bỏ cây dừa để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Lê Văn Năm ở xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, một hộ có hơn 2ha dừa đang cho trái, nhưng đang có kế hoạch đốn 0,5ha dừa để trồng bưởi da xanh, cho biết: 'Đối với dừa từ trước đến nay nói chung giá cả không ổn định mấy. Nếu giá được 80.000 ngàn/chục thì nông dân mới sống được. Còn hiện nay nông dân thua lỗ vì còn khoản phân, thuốc, vun gốc nữa... bởi vậy giá này rất thiệt cho nông dân'.

Cũng trong tình cảnh tương tự, nhiều hộ trồng dừa tại thủ phủ dừa Bến Tre đang gặp khó vì giá dừa khô giảm thấp. Ghi nhận những ngày đầu tháng 07 này, dừa khô ở tỉnh Bến Tre giá chỉ còn trên dưới 2.000 đồng/trái, thậm chí ở các vùng nông thôn nhà vườn không bán được.

Ông Võ Kiến Đức ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ, nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch, trong khi thời điểm này là mùa mưa, nên chi phí đầu tư, chăm sóc, bón phân, bồi bùn… cũng cần nhiều hơn, tiền thuê nhân công cũng tăng hơn trước.

Ông Đức bộc bạch: 'Sản lượng dừa thì có, nhưng so với giá thành mà thương lái thu mua thì quá thấp. Với những hộ trồng 3 - 5 công là không đủ chi phí để xoay xở trong gia đình.

Còn với những hộ trồng nhiều thì đỡ hơn chút. Rất mong sự hỗ trợ của chính quyền làm sao để giá cả tăng lên, vì nếu cư như thế này, thì bà con nghèo khó tiếp nữa'.

Trái dừa khô mất giá (ảnh nh hoạ: internet)

Tại Bến Tre, hiện có gần 200.000 hộ dân trồng dừa. Sản xuất dừa hiện vẫn chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung, mặc dù được Cộng đồng Dừa quốc tế (ICC) đánh giá có năng suất và chất lượng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, dừa vẫn cho thu nhập chưa cao, thậm chí còn bấp bênh và đều trông vào sự may rủi của thiên nhiên và thị trường.

Ông Trần Văn Đạt – Giám đốc HTX dừa xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam nhận định: 'Nếu với giá này thì nông dân gặp nhiều khó khăn. Nếu người dân trồng ngoài hữu cơ tầm 20-35 ngàn một chục, còn với HTX có đầu ra được bao tiêu thì có thể thu mua tăng lên 40-45 ngàn một chục'.

Hiện nay, cùng với nhiều mặt hàng nông sản khác, người dân đồng bằng cũng bắt đầu trồng dừa theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Thế nhưng, trên chính Xứ dừa Bến Tre, số lượng dừa hữu cơ được tiêu thụ cũng còn hạn chế. Nhất là khi Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid” - hạn chế nhập khẩu khiến trái dừa khô “cung vượt cầu”.

Mặt khác, Thái Lan chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc và không thể xuất khẩu qua nước này, nên buộc Thái Lan phải hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ... tất cả là trở ngại lớn, dẫn đến giá cả dừa khô lao dốc.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, Châu Phi, EU...; Đề nghị các Tham tán Thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định thương mại tự do.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Bến Tre đưa sản phẩm dừa tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để mở rộng thị trường xuất khẩu. UBND tỉnh Bến Tre cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện việc đàm phán với cơ quan thương mại Trung Quốc để đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, trong đó có mặt hàng dừa trái vào danh mục được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre cho biết: 'Mong rằng các địa phương, trong đó có Sở Nông nghiệp phối hợp, ổn định lại vùng tiêu thụ dừa, sản xuất dừa, dừa hữu cơ, dừa khô.

Chúng ta cũng chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp lúc này. Ngân hàng nhà nước, làm sao tiếp tục có hỗ trợ vốn, tạo thuận lợi cho các hộ sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu để tiếp cận nguồn vốn vay lúc khó khăn".

Thực tế không thể chối cãi là tiềm năng và lợi thế từ dừa mang lại cho người nông dân là rất lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản khiến cho các mặt hàng, trong đó có dừa khô vẫn còn bấp bênh trên thị trường. Trước tình hình giá dừa giảm giá sâu như hiện nay, ngành nông nghiệp các tỉnh thành ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh khuyến cáo người dân không nên vội vàng đốn bỏ cây dừa.

Bởi, đây là cây trồng hợp thổ nhưỡng và được chọn nâng cấp chuỗi giá trị để tạo thu nhập bền vững cho nông dân.

Chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo liên kết phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.

Có như thế, mới mong “cứu” được các mặt hàng dừa ở mọi thời điểm, giúp người trồng dừa an tâm lao động, sản xuất.