Du lịch ĐBSCL: Cần hơi thở mới trong trạng thái bình thường mới

Trước tác động của dịch COVID-19, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vậy, với ĐBSCL, vùng đất được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đã và đang chuẩn bị gì để tự tin hồi phục?

Anh Lê Văn Thanh – Giám đốc công ty Du lịch Sen Hồng ở tỉnh An Giang trải lòng: ‘Như công ty thì anh chỉ bảo lưu các bạn nhân viên bán online thêm. Rồi có những bạn hướng dẫn viên cũng nằm trong ngành nghề du lịch thì đi chạy Grab, làm hồ, làm bảo hiểm, làm bất động sản… Nhiều khi thu nhập tụi anh cả tháng không có luôn. Mấy bạn bây giờ làm rất nhiều nghề như bán hàng online, bán mỹ phẩm, thậm chí ngành nào không trái pháp luật, trái đạo đức, lương tâm là làm để kiếm đồng vốn xoay sở qua ngày’.

Tại Đồng Tháp, ngành du lịch cũng đã sẵn sàng “vượt sóng” với 3 giai đoạn phục hồi. Trước mắt, trong giai đoạn 1 (sau thời gian giãn cách xã hội đến hết tháng 10/2021), ngành du lịch sẽ tập trung vào công tác rà soát, chỉnh trang lại các khu điểm du lịch; thực hiện thí điểm tổ chức đón khách tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, quy trình thực hiện đón tiếp khách du lịch sẽ được thực hiện theo “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tỉnh”, đảm bảo tiêu chí 3 xanh (điểm đến xanh, nguồn nhân lực xanh, khách du lịch xanh).

Nói về du lịch xanh, ông Phùng Quang Thắng- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: ‘Khách du lịch phải xanh có nghĩa là phải an toàn. Thứ 2 là người tham gia cung cấp hoạt động du lịch phải xanh có nghĩa là phải an toàn. Khi đó, chúng ta có đội ngũ người tham gia hoạt động du lịch đảm bảo an toàn.

Chúng ta cần làm thế nào để kết nỗi giữa các điểm du lịch xanh, giữa các vùng xanh. Làm thế nào đó để chúng ta xác định được vùng xanh, chia càng nhỏ vùng xanh sẽ càng tốt. Khi đó, chúng ta tiến tới việc thích ứng và hiệu quả trong xác định vấn đề du lịch’.

Ảnh nh họa: VnEconomy

Ở Cộng đồng Du lịch Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, bà con đã tranh thủ thời gian giãn cách để bổ sung kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ; thông qua các ứng dụng trực tuyến để kết nối và chia sẻ những kiến thức về du lịch xanh, du lịch thân thiện môi trường.

Đến nay, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng để giới thiệu những điểm mới trong gói du lịch mới mang tên “Cồn Sơn hồi đó”. Chị Lê Thị Bé Bảy phấn khởi chia sẻ: 'Trong thời gian nghỉ dịch, người dân cồn Sơn mời những chuyên gia họp zoom online, được truyền tải kiến thức và người dân đủ tự tin để có thể thuyết nh cho khách nghe cuộc sống của tôi, đến đây tôi bảo vệ dòng sông, bảo vệ động thực vật như thế này để khách hiểu được cồn Sơn giá trị như thế nào.

Nghe xong họ được “ngắm” – ngắm thực tế đưa những con cá về sông và thấy được đàn cá khỏe mạnh bơi lội trên dòng sông; và cuối cùng họ được nếm hương vị mộc mạc nhưng chất từ bánh, trái cây, con cá, mớ rau mà chúng tôi làm thực sự tử tế. Như vậy là du lịch cồn Sơn mang phương châm 3N – Nghe – Ngắm – Nếm. Tôi tin rằng đây sẽ là điểm nhấn thu hút khách quốc tế và các đô thị lớn, mang ý nghĩa sâu sắc, mang tính giáo dục cao.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, việc cần làm ngay lúc này để từng bước khôi phục ngành du lịch là Sở sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực ngành du lịch. Sở cũng tham mưu Ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn các khu điểm vườn và cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố để đảm bảo điểm đến an toàn cho du khách.

Ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: 'Sở cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch thành phố tổng hợp nhu cầu tiêm vaccine. Đây là nguyện vọng cũng như nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp, của người lao động du lịch. Sau khi tổng hợp Sở sẽ đề xuất thành phố, Sở Y tế cũng như các quận, huyện ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng người lao động làm trong lĩnh vực du lịch để khi bình thưởng mới bắt đầu thì các doanh nghiệp du lịch sẽ hoạt động ngay".

Ảnh nh họa: Lao động

Không chỉ riêng Hậu Giang, Đồng Tháp hay Cần Thơ mà hiện nay, các tỉnh, thành đang từng bước xây dựng các kịch bản kích cầu du lịch dựa vào điều kiện và tình hình thực tế ở mỗi nơi. Về phía Bộ VH-TT&DL, Bộ cũng đang hoàn chỉnh hướng dẫn việc mở lại các hoạt động du lịch nội địa tại các địa phương theo 4 cấp độ.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, trước mắt sẽ ưu tiên hoạt động du lịch nội tỉnh, sau đó là thu hút khách du lịch nội địa từ các địa phương khác và cuối cùng là đón khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ sẽ ban hành các tiêu chí để đảm bảo an toàn phòng chống dịch covid-19 thích ứng với bối cảnh mới đối với các hoạt động du lịch.

Ảnh nh họa: Lao động

Không khó để biết rằng nhu cầu du lịch của người dân hiện nay là rất lớn bởi sau mấy tháng liền tuân thủ quy định giãn cách “ai ở đâu ở yên đấy” thì tâm lý chung là muốn du lịch để khuây khỏa, đặc biệt là hình thức du lịch cùng gia đình. Thế nhưng tâm lý e dè cũng là điều khó tránh khỏi bởi hiện nay, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới, trong đó còn có những ổ dịch cộng đồng.

Trong quá trình di chuyển có nguy cơ mắc bệnh không? Địa điểm du lịch có thực sự an toàn? Đội ngũ làm việc, cung cấp dịch vụ cho các khu, điểm du lịch có khả năng làm lây lan dịch bệnh cho du khách không? Có lẽ đây là những vấn đề du khách cần được xác nhận để yên tâm với mỗi chuyến đi.

Như vậy có thể thấy việc khôi phục, phát triển du lịch theo từng cấp độ để đảm bảo an toàn, chặt chẽ là hướng đi phù hợp thời điểm này. Nhưng để đạt được hiệu quả thì cần sự quyết tâm không chỉ của chính quyền mỗi địa phương mà hơn hết là sự ý thức từ mỗi doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch.

Không thể vì lợi ích trước mắt mà nóng vội, thay vào đó phải thận trọng phục hồi từng bước một; và an toàn phải là yếu tố đặt lên hàng đầu. Khi đề cập đến các giải pháp đảm bảo an toàn thì đến thời điểm này, vaccine vẫn là “lá chắn” hiệu quả nhất trước đại dịch COVID- 19, vậy nên để có được “nguồn nhân lực xanh” thì lượng vaccine được phân bổ về cho các địa phương cần có chế độ ưu tiên đối với đội ngũ làm du lịch.

Chấp nhận mở cửa du lịch trong bối cảnh chưa tuyệt đối an toàn, chấp nhận sống chung để thích nghi cũng đồng nghĩa với việc các địa phương phải chủ động ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Nói cách khác, dù số ca mắc đã giảm hơn so với giai đoạn cao điểm nhưng hệ thống y tế, đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này phải luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng dập dịch nếu phát hiện có ca mắc tại một điểm du lịch bất kỳ.

Ảnh nh họa: VnEconomy

Bên cạnh đó, để thu hút du khách thì đòi hỏi mỗi tỉnh phải có những sản phẩm du lịch mới mẻ, khác biệt thông qua nhiều hình thức khác nhau; để sau mỗi chuyến đi du khách không chỉ được hít thở bầu không khí trong lành của ệt vườn, sông nước, không chỉ được thưởng thức đặc sản mà trong họ còn đọng lại những giá trị để rồi cảm thấy lưu luyến và mong trở lại trải nghiệm thêm nhiều lần nữa.

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp làm du lịch cũng đừng bỏ quên việc thiết kế các gói dịch vụ có sự đa dạng về mức giá, vì sau khoảng thời gian dài kinh tế khủng hoảng vì dịch bệnh, không phải ai cũng đủ điều kiện để lựa chọn những dịch vụ đắt đỏ. Hãy cho du khách nhiều sự lựa chọn phù hợp với túi tiền của họ như một sự thấu hiểu và sẻ chia của những người cung cấp dịch vụ, những người biết lắng nghe nhu cầu của khách hàng.

Cùng với nhiều tỉnh, thành đã quyết định thời gian thí điểm đón khách như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc… thiết nghĩ ĐBSCL nên tự tin tạo điều kiện cho du lịch chuyển mình. Du lịch vốn là ngành kinh tế đa ngành, du lịch khởi động sẽ kéo theo sự chuyển động của nhiều ngành như dịch vụ, thương mại, giao thông…

Do đó, có thể kỳ vọng, việc “đi trước” của “ngành công nghiệp không khói” sẽ thúc đẩy kinh tế toàn vùng nhanh chóng phục hồi. 
 

---

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.