Dự báo thị trường mua bán và sáp nhập DN (M&A) tại Việt Nam vẫn sôi động

Bộ KH&ĐT dự báo, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam vẫn sôi động. Thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư thực hiện M&A các dự án hấp dẫn, định giá tài sản hợp lý hơn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

# Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ban hành kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế, bắt đầu từ 1/12 tới. 

Còn Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018 của Chính phủ, để hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh XK gạo.

# Những tháng cuối năm, XK các ngành hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu đang được hưởng lợi nhờ giá cước tàu giảm, còn nhiều ngành hàng khác vẫn khá khó khăn. 

Và hiện XK sắt, thép cả nước đang tiếp tục gặp khó, khi Việt Nam tiếp tục nhập siêu 364.000 tấn sắt thép các loại trong nửa đầu tháng 11. 

# Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT dự báo, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam vẫn sôi động. Thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư thực hiện M&A các dự án hấp dẫn, định giá tài sản hợp lý hơn.

Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn đầu tư qua hình thức M&A, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện khung pháp lý, kinh tế số, nâng cấp hệ thống kế toán theo chuẩn quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng logistics, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn…

Chuyên gia kinh tế Phạm Duy Khương, GĐ điều hành Công ty Luật ASL cho rằng: "Để thu hút hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta nên có những quy định chặt chẽ hoặc thoáng hơn, chặt nhưng mở hơn về vấn đề có thể chuyển vốn, lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến hệ thống ngân hàng giúp các nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện hơn quản lý tài khoản thanh toán. Nếu xử lý được vấn đề hệ thống thanh toán, hệ thống về ngân hàng sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư và cạnh tranh trong khu vực ASEAN".

Đáng chú ý, với 93 thương vụ M&A đã hoàn thành trong 10 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành người dẫn dắt thị trường, với giá trị 1,3 tỷ USD, tăng thêm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Ảnh: Tiêu dùng

# Theo NHNN, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, dư địa tín dụng vẫn còn so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. 

Ở lĩnh vực BĐS, theo DKRA, bước sang năm 2023, khả năng thị trường khởi sắc đột biến sẽ không cao, khi đa phần NĐT vẫn còn khó khăn về vốn.

# Dự kiến, lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm được TPHCM phục vụ cho tháng Tết là gần 40.000 tấn, đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường. 

Còn tại Hà Nội, lực lượng chức năng vừa khuyến cáo, càng về cuối năm, lại càng xuất hiện nhiều vi phạm gian lận thương mại, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm nhập lậu tuồn về Thủ đô. 

# Với thị trường giao dịch hàng hóa, thị trường diễn biến giằng co trong ngày giao dịch hôm qua (24/11), ngày mà Sở Chicago và New Yorrk tạm ngừng giao dịch các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp để nghỉ Lễ Tạ Ơn. Lực bán có phần chiếm ưu thế trên nhóm năng lượng đã kéo chỉ số MXV- Index đóng cửa giảm 0,39% xuống 2.466 điểm.

Ngày hôm qua chứng kiến diễn biến hết sức giằng co của giá dầu ngay từ mở cửa phiên. Chốt phiên, cả dầu WTI và Brent đều không có sự thay đổi đáng kể nào về giá. Cụ thể, WTI đóng cửa ở 77,96 USD/thùng và dầu Brent chốt ở mức hơn 85 USD/thùng. Giá dầu đứng yên trong bối cảnh liên nh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao về chính sách áp giá trần đối với dầu thô của Nga.

Trên thị trường kim loại, các mặt hàng kim loại quý và kim loại cơ bản cũng đều biến động với biên độ nhẹ so với các phiên giao dịch trong giai đoạn gần đây. Thiếc và chì trên Sở LME là 2 mặt hàng ghi nhận mức tăng mạnh nhất, đều trên 1%.

Ảnh: Reuters

# Cụ thể, Châu Âu sẽ rơi vào một thời kỳ suy thoái ngắn trong nửa đầu năm 2023 và một cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự vào mùa Đông tới nếu xung đột tại Ukraina không sớm chấm dứt - đây là dự báo của Uỷ viên phụ trách Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và giá năng lượng tiếp tục tăng:

"Cuộc khủng hoảng năng lượng không phải vào năm này mà là năm tới có thể tồi tệ hơn rất nhiều. Năm 2023 là một bức tranh hỗn hợp khi tình hình có thể tốt hơn vào cuối năm nhưng điều này còn phụ thuộc vào các diễn biến địa chính trị liên quan đến Ukraina mà chúng ta đang phải đối mặt".

Uỷ viên phụ trách Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni kêu gọi các chính phủ tránh các chính sách mới có thể làm tăng thêm lạm phát nhưng khẳng định cần tiếp tục đầu tư công để đảm bảo duy trì tính cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.

# Xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc đã tăng lên hơn 49 tỷ USD từ đầu năm và trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên lớn thứ tư của Trung Quốc. 

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đang có nguy cơ trở thành khủng hoảng lương thực, do các chuỗi cung ứng lượng thực bị đứt gãy. 

Thị trường chứng khoán

# Đêm qua thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nhân ngày lễ Tạ Ơn. Sang ngày thứ 6, TTCK nước này sẽ có phiên giao dịch đóng cửa sớm.

# Còn ở trong nước, nhìn chung, chỉ số VNIndex vẫn đang xây nền tích lũy quanh mốc tâm lý 950 điểm. MA 20 ngày cũng đang hướng xuống và dần tiệm cận vùng kháng cự 970 điểm.

# Theo SSI Reseach, trong các phiên tới, nếu chỉ số VNIndex hình thành cây nến ngày mang tính chất Long White Body cùng KLGD lớn và vượt cản MA 20 ngày sẽ xác nhận xu hướng Tăng ngắn hạn quay trở lại và cũng đồng thời hoàn tất mẫu hình 2 đáy trên đồ thị ngày.

Ở chiều ngược lại, chỉ số VNIndex sẽ tiếp tục thoái lui và tìm điểm cân bằng quanh ngưỡng tâm lý 900 điểm nếu chỉ số không giữ vững được vùng nền giá 950 điểm hoặc tiếp tục kiểm định lại không thành công vùng cản MA 20 ngày (hình thành mẫu hình 2 đỉnh).