Đốt rơm rạ: Vừa ô nhiễm môi trường, vừa có hại cho đất trồng

Rơm rạ hiện không còn là chất đốt chủ yếu ở nông thôn, vì vậy, sau mùa gặt người dân hay đốt ngay tại cánh đồng. Nhiều người cho rằng việc đốt đồng có thể tạo ra dinh dưỡng cho đất, tuy nhiên, việc làm này chẳng những không tạo ra dinh dưỡng mà ngược lại

Bên cạnh đó, khói bụi từ việc làm này của nông dân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. 

Nghe nội dung dung chi tiết tại đây:

 
Người dân xã Ngọc Mỹ, huyện Thanh Oai đang đốt rơm trên thửa ruộng của gia đình. Ảnh: Phương Nga

Sau mỗi vụ mùa thu hoạch lúa tại các địa phương trên cả nước thường xảy ra tình trạng nông dân đốt rơm rạ trên các cánh đồng. Nhiều nông dân cho rằng cách đốt đồng sẽ giúp cải tạo đất, tiêu diệt côn trùng trú ẩn trong rơm rạ:

'Anh em con cháu mấy người làm ruộng người ta nói đốt cho chết vi khuẩn rồi nó sạch rác rơm đồ đó cho nó dễ cày nữa, nên phải đốt trước khi cày'.

'Bây giờ là người ta đang đốt đồng để ủ chờ mưa trái mùa, nếu mưa trái mùa được 1 đám lớn thì người ta cày được dễ'.

'Đốt để cho nó sạch sẽ để xới đất mới được. Nếu có gió mạnh thì 1 ô đất đốt chừng 15 đến 20 phút là xong'.

Việc cải tạo đất bằng cách đốt rơm rạ đã có từ rất lâu trong kinh nghiệm canh tác của nông dân. Theo ngành nông nghiệp thì cách làm này giúp tiêu diệt một số loài côn trùng trú ẩn trên góc rạ, làm sạch mầm bệnh cho vụ sau, đồng thời cũng cung cấp một ít Kali cho đất. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc đốt đồng đã gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Đáng nói hơn là việc làm này từ nông dân còn gây ra những bất lợi cho đất trồng. PGS.TS Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cho biết:

'Người dân bị đánh lừa rất nhiều bởi cảm giác đấy. Nó cũng có tốt lên bởi nó có thể huy động được đạm. Thế nhưng nó làm cho kiệt đất, làm cho bộ vi sinh vật trong chân rạ bị cháy mà chết hết. Anh chỉ lợi được một chút nhưng thiệt hại thì rất nhiều'.

Theo GS TS Nguyễn Bảo Vệ - Nguyên trưởng khoa Nông nghiệp – Trường đại học Cần Thơ cho rằng, việc đốt rơm rạ của bà con sau khi thu hoạch cũng đồng nghĩa với việc đốt “tiền” vì đa số dinh dưỡng từ rơm rạ chúng ta lại mang đi đốt bỏ: 'Bà con nông dân của mình đốt như vậy là đốt “tiền”, bởi vì một phần dinh dưỡng còn nằm lại trong rơm rạ thì chúng ta mang đi đốt bỏ. Đốt như vậy thì toàn bộ chất hữu cơ chúng ta mang trả lại cho ông trời, đạm lân cali cũng biến mất. Nói chung là tui nói bà con mình đang đốt “tiền'.

Có thể thấy việc đốt rơm rạ không những gây hại cho môi trường mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất nông nghiệp. Vậy thay vì đốt bỏ, rơm rạ có thể được tận dụng để biến thành nguồn thu nhập cho bà con nông dân như làm thức ăn cho gia súc, trồng nấm rơm hay thậm chí là tạo ra những chiếc khẩu trang.

Nhóm 3 nữ sinh tham gia cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020" với sáng kiến tạo ra khẩu trang làm từ rơm rạ. Ảnh: V.Đ

Xuất phát từ mong muốn giải bài toán ô nhiễm và giúp phòng chống dịch COVID-19, nhóm sinh viên B-Plastic tới từ Khoa Hóa và Môi trường, Đại học Thủy lợi đã dùng công nghệ tách chiết rơm rạ tạo ra màng nano sinh học. Tấm màng này được dùng trong sản xuất khẩu trang và một số sản phẩm ứng dụng khác trong đời sống.

Với những ưu điểm tận dụng được rơm rạ, lại giảm ô nhiễm môi trường, giúp phòng chống COVID-19, đề tài “Chế tạo tấm màng nano sinh học từ rơm rạ, ứng dụng vào sản xuất khẩu trang thông nh B-Mask” là 1 trong 6 đề tài lọt vào vòng chung kết và đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo Bách khoa 2020 nhóm các trường đại học tháng 3/2021 vừa qua. 

Bạn Hoàng Bảo Linh, sinh viên Khoa Hóa và Môi trường Đại học Thủy lợi - Trưởng nhóm B-Plastic đã có những chia sẻ với VOV Giao thông về dự án này:

PV: Bạn có thể chia sẻ, bắt nguồn từ đâu mình lại có ý tưởng sáng tạo ra những chiếc khẩu trang có màn lọc từ rơm rạ?

Bạn Hoàng Bảo Linh: Do em sinh ra ở quê nên thấy sau mỗi vụ mùa thì rơm rạ bị vứt la liệt ngoài đường và chưa có cách xử lý. Cách xử lý đơn giản nhất như ở quê em là đốt, mà đốt sẽ gây ra ô nhiễm không khí. Chính vì thế nên bọn em đã quyết định sử dụng phụ phẩm nông nghiệp giá thành rẻ này trở thành màn lọc có giá trị kinh tế cao.

PV: Bạn có thể cho biết những đặc tính quan trọng nhất của chiếc khẩu trang làm từ rơm rạ này được không?

Bạn Hoàng Bảo Linh: Thứ nhất, rơm rạ rất thân thiện với môi trường nên mình đã giải quyết được vấn đề rác thải rơm rạ. Thứ hai, màng lọc của tụi em là kích thước có thể lọc được cả bụi PM 2.5 giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí đồng thời cũng giúp cho người dân phòng chống được dịch COVID-19 tốt hơn trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra màng lọc của tụi em thì có thể thay thế được lớp màn nên có thể tái sử dụng giúp giảm thiểu rác thải y tế như hiện nay ạ.

PV: Bạn có thể chia sẻ những dự định về tương lai đối với sản phẩm này được không?

Bạn Hoàng Bảo Linh: Về tương lai thì em nghĩ sẽ cải tiến về công nghệ sản xuất vì hiện tại bọn em chỉ sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm nên tất cả là thủ công, thô sơ.

PV: Xin cảm ơn bạn.