Đồng Tháp: Bạo lực học đường, trách nhiệm thuộc về ai?

Mới đây tại trường THPT Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ngay giờ tan học, 2 học sinh lớp 10 đã bị một nhóm thanh thiếu niên xông vào uy hiếp chở đi và hành hung dẫn đến bị thương.

Sự việc này một lần nữa dấy lên những tranh cãi xoay quanh bạo lực học đường – vốn là một vấn đề được báo động trong những năm qua.  

Camera ghi lại cảnh nhóm người lạ mặt vào trường rượt đưa nam sinh lên xe chở ra bên ngoài hành hung

Sự việc ồn ào trên được camera của trường THPT Đốc Binh Kiều ghi lại toàn cảnh và công bố. Theo đó, 6 thanh thiếu niên hung hãn dùng nón bảo hiểm, vật nhọn xông vào khuôn viên nhà trường uy hiếp, chở 2 học sinh đi trong sự bất ngờ của nhiều người vào lúc 17h ngày 22/2.

Nhân viên bảo vệ trường khi đó không thể giải cứu các em, chỉ có thể gọi điện thoại báo tin đến lực lượng công an địa phương. 

Kết quả điều tra ban đầu, Đại tá Nguyễn Văn Thương, Trưởng Công an huyện Tháp Mười cho biết nguyên nhân vụ việc từ mâu thuẫn nhất thời giữa các học sinh cá biệt trong trường với các đối tượng học sinh đã bỏ học dẫn đến đánh nhau, không có yếu tố băng nhóm phức tạp.

Lý do mà nhóm thanh thiếu niên côn đồ hành động nông nỗi, liều lĩnh là vì 2 học sinh của trường THPT Đốc Binh Kiều dám chơi chung với L.H.T – một học sinh mà nhóm đang thù hằn. Vì thế, nhóm bắt 2 học sinh này ra nhằm uy hiếp buộc H.L.T phải ra mặt để giải quyết mâu thuẫn nhưng T không ra.

Do vậy, cả nhóm tiếp tục dùng nón bảo hiểm và vật nhọn tấn công 2 học sinh dẫn đến bị thương. Anh Đinh Minh Phương – Cha của em Đinh Minh Thuấn cho rằng con trai mình không có mẫu thuẫn với ai lại vô cớ trở thành nạn nhân nên tức giận cho biết:

 

Thằng bé bị đánh rách ở vùng mặt bị tét mí chân mày, tét trán, bầm mắt, nó bị đa chấn thương phần mềm. Nói chung là bây giờ cứ em nó học được 1 – 2 bữa là tôi tới ở đó 2 – 3 tiếng đồng hồ. Tôi bỏ công ăn chuyện làm vì sợ tiếp tục xảy ra vụ việc nữa.

Ngày 24/2, Công an huyện Tháp Mười đã mời đến làm việc 2 học sinh bị hành hung và 6 thanh thiếu niên có liên quan, trong đó có hai người hơn 18 tuổi, đồng thời tạm giữ ba xe máy, tạm giữ hình sự hai người để điều tra hành vi giữ người trái pháp luật. Ngoài ra, lực lượng chức năng đang tiếp tục mời các đối tượng còn lại để xử lý theo pháp luật.

Về phía Trường THPT Đốc Binh Kiều, đã có tổ chức thăm hỏi các học sinh bị hành hung, động viên các em an tâm điều trị để sớm trở lại trường học. Mặt khác ổn định tư tưởng của học sinh và giáo viên, tiếp tục tổ chức các hoạt động dạy học bình thường. Nhưng sau vụ việc này người nhà học sinh bị hành hung có đôi phần bức xúc về hành động côn đồ, nông nỗi của nhóm thanh thiếu niên. Thực tế, đây chỉ là một trong số khá nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường nghiêm trọng trong những năm qua.

Các thanh niên có liên quan đến vụ việc.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. 

Hiện tượng này đã và đang tạo nên hiệu ứng tiêu cực, ảnh hưởng chất lượng dạy và học trong nhà trường; gây ra nỗi bất an trong cộng đồng, xã hội. Nhận định về nguồn gốc, nguyên nhân cũng như hệ lụy từ thực trạng trên, PGS. TS Trần Văn Minh – Hiệu trưởng trường THPT thực hành Sư phạm, Đại học Cần Thơ cho rằng:

 

Không có một ngôi trường nào tạo ra và dung túng bao lực học đường, vị hiệu trưởng nào cũng muốn ngôi trường của mình được yên ổn, học trò mình ngoan ngoãn. Vậy biểu hiện nóng vội, hành xử nông nỗi của học sinh mà xuất phát chỉ từ trách nhiệm của nhà trường thì chưa đầy đủ. Bạo lực học đường xuất phát từ hệ quả của một quá trình băng hoại đạo đức xã hội, công với ảnh hưởng của thế giới ảo tiêu cực không kiểm soát được. Bản thân phụ huynh học sinh cũng là một nhân tố tác động đến môi trường giáo dục hiện nay, chưa có được một môi trường gia đình thật tốt, không gieo được những mầm thiện, mầm tốt trong tâm hồn của học sinh. Cứ tưởng đóng tiền học rồi giao hết cho thầy cô thì đó là nhận thức không đầy đủ.

Có thể thấy, hệ lụy lâu dài của bạo lực học đường đã nhận ghi nhận, cảnh báo. Không chỉ tổn hại về thân thể, học sinh còn cảm thấy bị san chấn tâm lý trầm trọng, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… mang nỗi ám ảnh kéo dài, thậm chí ảnh hưởng đến nhân cách sau này. Chưa kể, chính phụ huynh cũng mất niềm tin, nhà trường thì tổn hại uy tín. Do đó, nhất thiết ngay từ cấp cơ sở phải có hưởng giải quyết, giải pháp khả thi để thiết lập lại môi trường giáo dục an toàn của địa phương mình. Luận bàn về giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường, PGS.TS Trần Văn Minh nhận định thêm:

 

Chúng ta có cả một hệ thống chính trị ở các cấp cơ sở, từ Sở đến trường, từ Phòng đến trường chúng ta phải vào cuộc để chủ động đưa giáo dục về văn hóa đạo đức thẩm mỹ lên ngang hàng với trí dục. Cả hệ thống chính trị từ tổ chức Đảng, công đoàn, thanh niên, đội, thiếu niên, hội cha mẹ học sinh… tất cả hệ thống này đồng tâm hiệp lực thì sẽ có được giải pháp giải quyết bạo lực. Đừng xem mấy chuyện đi trễ, xả rác, nói chuyện trong lớp là vi phạm quy định nhà trường mà mà hãy xem đó là những hành vi văn hóa. Ví dụ nói tục, xả rác là hành vi kém văn hóa và giáo viên phải là tấm gương cho học sinh.

Trường THPT Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Trở lại vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại trường THPT Đốc Binh Kiều, rõ ràng trách nhiệm không thuộc về một cá nhân hay một tổ chức mà là trách nhiệm của tập thể liên quan, gồm gia đình, phụ huynh, nhà trường, giáo viên và học sinh.

Ở góc độ địa phương, Ông Đoàn Tấn Bửu – PCT UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh chủ động xây dựng quy trình để phối hợp công an tăng cường công tác bảo vệ an toàn trong trường học. Còn ngành công an thì hỗ trợ địa phương hoàn thành điều tra vụ việc chặt chẽ, rõ ràng, tiến tới xử lý theo hướng tích cực giáo dục, tạo điều kiện cho các em hồi phục hòa nhập, cơ hội sửa chữa lỗi lầm mà nguyên nhân do các em bộc phát, thiếu hiểu biết. Đó là giải pháp cấp bách.

 “Tiên học lễ, hậu học văn”, việc học không chỉ có học sinh mà người lớn cũng cần phải học về văn hóa ứng xử đẹp, tôn trọng nhau để làm tấm gương cho con em. Và hơn hết, nhà trường – gia đình – đoàn thể  phải cùng chung tay giáo dục nhân cách học sinh ngang tầm với trí tuệ. Gieo vào tâm tưởng các em hạt giống nhân ái, thiện lành để hình thành nhân cách sống đẹp của em từ bây giờ thì mới mong cải thiện được tình trạng bạo lực học đường dần tiến tới xóa bỏ hành vi này trong tương lai.