Động lực từ những cây cầu

Có được những cây cầu bê-tông vững chắc là niềm mơ ước từ bao đời nay của người dân vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An.

Không chỉ tháo gỡ những nút thắt quan trọng về giao thông, những cây cầu mới xây còn rút ngắn khoảng cách giữa các vùng khó khăn, giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng và nhân lên niềm vui cho đồng bào ền núi. 

8 năm kể từ khi cầu Khe Tọ (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) đi vào hoạt động, cũng là chừng ấy thời gian chị Dương Thị Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa thoát khỏi việc phải nơm nớp mỗi lần mưa lũ.

Từ chỗ chỉ xe đạp, xe máy và người đi bộ có thể qua cầu, chỉ mưa 1 ngày là thị xã Thái Hòa hoàn toàn bị chia cắt, sau khi cầu Khe Tọ đi vào hoạt động, ô tô có thể thoải mái tránh nhau trên cầu.

Cũng nhờ kết nối giao thông thuận tiện, nên những sản phẩm nông nghiệp như mía, ổi, đặc biệt là sản phẩm từ nghề mộc tăng sức tiêu thụ, giúp thu nhập của người dân từ chỗ chỉ đạt khoảng 14 triệu đồng tăng lên gần 30 triệu đồng/người/năm. 

“Hồi đầu huyện giao chỉ tiêu lên phường, chúng tôi còn không dám nhận, bởi lũ lụt liên ên, kinh tế thì lạc hậu. Một năm bị lụt bắt đầu từ tháng 8, và có những lần đã có người chết ở đây rồi. Đi sang đây cực kỳ khó khăn luôn. Làm công tác đoàn thì phải đi buổi đêm, mà đi buổi đêm đường này chúng tôi rất là sợ, nhưng vẫn phải đi, rừng rậm, mọi cái cho nên rất là khó”, chị Phúc chia sẻ.

Tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, ông Bùi Xuân Quý (xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) cũng rất vui mừng khi cầu Dinh – kết nối 2 huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được hoàn thành.

Nhà có người làm ăn xa quê, nhưng mỗi lần muốn về đều phải điện hỏi thăm trước, bởi đập tràn qua sông Dinh về quê luôn bị lũ đe dọa.

Có khi về cách nhà chưa đầy 1km, đã nhìn thấy người thân nhưng cũng không thể qua sông bởi quá nguy hiểm.

Dẫn chúng tôi đi qua cầu mới vừa khánh thành ít lâu, ông Quý khoe: “Có khi ở bên này sông, bên kia sông nhưng không thể về được gia đình, giờ có cây cầu, không chỉ người dân địa phương vui mừng, mà con cháu đi xa cũng rất phấn khởi, không phải lo nghĩ về an toàn của người thân mỗi lần lũ đến”.

Ngồi kế bên ông Quý, ông Phan Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn nói chen vào: “Cứ mỗi năm, nếu vào mùa mưa người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn bị lũ chia cắt từ 40-45 ngày. Thiệt hại nhất là về kinh tế, thu hoạch mùa màng, đặc biệt là mía thu hoạch xong không vận chuyển được về nhà máy, rồi hoa màu cũng không bán được. Sau khi có cây cầu này, dù mới khánh thành, nhưng đã giải quyết cơ bản nỗi lo con em đi học, rồi giao thương, đến vấn đề vận chuyển nông sản mà người dân đã canh tác, thu hoạch được. Rồi vấn đề phát triển văn hóa, bà con đi lại…”

Ông Bình cũng cho biết, sau khi cầu Dinh được xây dựng, không chỉ đầu ra của cây mía – sản phẩm nông nghiệp chủ lực của bà con huyện Nghĩa Đàn được đảm bảo, mà địa phương cũng đang quy hoạch thêm diện tích trồng dược liệu để nâng cao đời sống.

Cũng nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tại Thanh Hóa, 25 cầu yếu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT trên các tuyến Quốc lộ đã được thay thế bằng những cây cầu bê tông dự ứng lực vững chãi.

Ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho hay, với địa bàn trải rộng, có gần 23 nghìn km quốc lộ, trong đó có nhiều cây cầu được xây dựng lâu đời, đã xuống cấp. Tuy vậy, những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao nhất đã được giải quyết. 

Dù đã bỏ lại 1 chân sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, song khi dẫn chúng tôi ra thăm cầu Vàng thuộc xã Yên Định, huyện Yên Thịnh, nằm trên Quốc lộ 47B vừa được khánh thành vào tháng 6/2020, bà Nguyễn Thị Khánh Vân, 74 tuổi, vẫn bước đi thoăn thoắt, dù có lúc chiếc chân giả khiến bà đau nhức.

Còn gì vui hơn khi chiếc cầu mới khang trang, bề thế đã thay thế hẳn chiếc cầu nhỏ hình chữ Z mà mỗi mùa lũ lại có người và phương tiện bị cuốn trôi:

“Từ khi có cây cầu này, nói chung nhân dân mừng lắm, vui lắm. Con cháu làm ruộng, chở mía chở ngô khoai như trước đây đi cầu cây cầu cũ này vất vả lắm. Bây giờ thì vui lắm”, 2020, bà Vân chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tuyến – một tài xế sinh sống tại xã Yên Định, huyện Yên Thịnh có lẽ là người thấm thía nhất khi cầu Vàng mới đi vào hoạt động. Vốn lái xe tải, trước đây, mỗi lần qua cầu đều phải chờ đợi nếu có phương tiện ngược chiều, mỗi buổi chỉ đi được 1 - 2 chuyến, giờ nếu có việc làm, anh có thể chạy 6-7 chuyến mà không phải lo ngại mất an toàn.

Những ký ức về cây cầu cũ vắt vẻo trên con nước mỗi lần lũ đến đã dần phai nhạt. 

Dự án nâng cấp cầu yếu trên các tuyến quốc lộ do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện tại Việt Nam gồm hai giai đoạn, thực hiện trong vòng 17 năm, kết thúc vào năm nay với 242 cây cầu được xây dựng.

Các công trình cầu hoàn thành được người dân và chính quyền địa phương qua đánh giá rất hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, xóa bỏ các điểm “nghẽn” là các cầu yếu, cầu phao, phà, các ngầm tràn trên các quốc lộ, đảm bảo đồng bộ tải trọng cầu đường cho các loại phương tiện, góp phần tạo điều kiện đi lại thuận lợi, không bị gián đoạn trong mùa mưa bão, thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế xã hội của vùng lân cận và cả khu vực.