Động lực phát triển từ vành đai phía Tây

Vừa qua, TP Cần Thơ đã tổ chức khởi công dự án đường vành đai phía Tây với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng. Khi con đường dài 19km này hình thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ, trước mắt là “chia lửa” phương tiện giao thông đi vào trung tâm thành phố.

 

Phong Điền là huyện ngoại thành, giáp ranh với trung tâm thành phố, đây là vùng được quy hoạch trở thành khu sinh thái tiện nghi và trong lành để khai thác du lịch kết hợp nghỉ dưỡng trong vườn cây ăn trái. Trung bình nơi này đón 1 triệu lượt khách du lịch/ năm với hơn 56 khu, điểm mở cửa.

Khi đường vành đai phía Tây chạy vắt ngang, sẽ mở ra một cung đường mới rộng thênh thang, tạo điều kiện cho du khách đến Phong Điền du lịch dễ dàng, nhanh chóng. Nhiều nhà vườn tại đây đã bắt đầu một tâm thế mới, đầu tư cải tạo vườn tượt để thích nghi với thời kì “bùng nổ” du lịch nhờ vào con đường vành đai này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án đường Vành đai phía Tây Cần Thơ

Bà Trần Thị Khuya – chủ khu vườn sinh thái 9 Hồng cho biết: Con đường này là con đường chung của xã hội, mình được nằm trong địa bàn của huyện thì mình càng có nhiều cơ hội phát triển. Có lợi cho mình hơn.

Dự án đường Vành đai Tây Thành phố Cần Thơ nối Quốc lộ 91 - Quốc lộ 61C – Quốc lộ 1A là dự án có mức đầu tư lớn nhất của TP Cần Thơ từ trước đến nay, thuộc nhóm A, bao gồm các loại hình: đường đô thị, đường phố gom, các công trình giao thông cấp II. Dự án đi qua địa phận 5 quận huyện với tổng chiều dài 19,4 km.

Dự án bao gồm 24 vị trí cầu tầm cỡ trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn. Mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5m (trong đó phần mặt đường 11m), vận tốc thiết kế từ 50- 60 km/giờ. Điểm đầu của tuyến đường là nút giao Quốc lộ 91 với đường tỉnh 922, điểm cuối giao với Quốc lộ 61C. Dự án có tổng mức đầu tư là khoảng 3.837 tỷ đồng, dự kiến hoàn hành vào năm 2026.

Đường vành đai phía Tây được Cần Thơ xác định là dự án mở rộng phát triển không gian đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Kết nối với các tuyến đường trọng điểm của quốc gia tạo nên một hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, từ đó giúp cho việc giao thương kinh tế, vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Cần Thơ với các tỉnh thành lân cận trở nên dễ dàng, nhanh chóng.

Trong đó, hưởng lợi nhiều nhất là huyện Phong Điền – địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất nhì TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Đường vành đai phía Tây nối với quốc lộ 61C, Nam Sông Hậu và sẽ đấu nối vào các tuyến cao tốc sau này sẽ giúp cho Phong Điền dễ dàng vận chuyển hàng hóa và đảm bảo việc lưu thông hàng hóa kịp thời.

Dự án có hơn 1.200 hộ dân tại các quận, huyện bị ảnh hưởng và Cần Thơ đang trong tiến độ thuận lợi để giải tỏa, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Đảm bảo trao mặt bằng đúng hẹn cho đơn vị thi công và hoàn tất phương án tái định cư, ổn định sinh kế cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Phục – trú tại quận Bình Thủy cho biết: Thành phố mình chưa có con đường nào lớn hết, bây giờ có con đường đi ngang qua thì bà con rất là vui mừng, khi có chủ trương của nhà nước thu hồi đất thì dân đồng ý liền, bàn giao liền để thi công cho nhanh.

Theo số liệu thống kê, từ ngày 16/12/2018 đến 1/5/2019, số phương tiện đăng ký mới của TP Cần Thơ là hơn 19.200 xe, trong đó xe ôtô hơn 1.700 xe, xe môtô hơn 17.340 xe. Nâng tổng số phương tiện TP quản lý lên hơn 830.900 xe, chưa tính lượng phương tiện từ bên ngoài TP. Với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay thì tình trạng ùn tắc giao thông trong vào những giờ cao điểm, các dịp lễ hội sự kiện và triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập là thách thức rất lớn đối với ngành quản lí.

Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết sứ mệnh của cung đường vành đai này: Hoàn thành tuyến đường này và đưa vào khai thác sử dụng sẽ tạo ra một vành đai ngoài. Sẽ chia tách toàn bộ lưu lượng phương tiện vận tải lớn, xe tải nặng, xe container đi trên tuyến đường này, không đi vào trung tâm nội ô của quận Ninh Kiều gây ùn tắc giao thông và kẹt xe trong giờ cao điểm và cũng tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Trung ương và thành phố Cần Thơ đã và đang huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt, để tăng cường kết nối trung tâm vùng ĐBSCL qua địa bàn Thành phố Cần Thơ. Không gian phát triển mởi của đường vành đai phía tây sẽ là hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị và phát triển du lịch.

Cần Thơ sắp có đường vành dai phía Tây (ảnh: thanhnien,vn)

Sức sống mới trên vành đai phía Tây Cần Thơ”

Trước khi trở thành một đô thị sầm uất như ngày nay, ngược lại lịch sử gần 400 năm trước, vùng đất sinh ra đô thị Cần Thơ chỉ là một khu vực chằng chịt kênh rạch. Trải qua nhiều biến đổi của dòng chảy đã cho phép chuyển hóa vùng đầm lầy thành một khu vực đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ.

Với sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân từ đã xây dựng, phát huy bộ mặt mới cho đô thị Cần Thơ với chất lượng môi trường sống luôn được cải thiện.

Theo quy hoạch đến năm 2030, TP Cần sẽ trở thành “trái tim” của ĐBSCL thể hiện ở tầm vóc là trung tâm về công nghiệp; thương mại; dịch vụ; du lịch; cung ứng khoa học; phát triển cung ứng nhân lực, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, Cần Thơ đang theo đuổi mục tiêu trở thành Thành phố đáng sống của Việt Nam khi phát triển cân bằng và hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường. Để chuẩn bị cho các mũi chiến lược hành động ấy, việc đầu tiên mà Cần Thơ phải làm, đó là hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối liên hoàn với khu vực ĐBSCL để có xung lực mới.

Dự án đường vành đai phía Tây được hình thành trong sự đòi hỏi cần thiết và mang “sứ mệnh” quan trọng ở tương lai.

Đường vành đai phía Tây đi qua tuyến Lộ Vòng Cung – vùng đất lửa đã chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nay đất lửa đã nở hoa, phủ xanh cây ăn trái, có thêm đường vành đai sẽ là động lực lớn để hình thành các khu đô thị sinh thái mới để dịch chuyển dân cư. Chưa kể du lịch nơi đây sẽ càng “nở rộ” và phát triển bền vững vì hạ tầng giao thông tiện lợi.

Trước những kỳ vọng lớn lao đó đã đặt ra những điều kiện quan trọng của dự án. Dự án phải đúng tiến độ, không kéo dài, đảm bảo chất lượng, nói không với tiêu cực, không tham nhũng, không thông thầu.

Bám sát hơn, Chính quyền các cấp của TP. Cần Thơ phải tạo thuận lợi các Nhà thầu thi công, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cũng như các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong thi công.

Nhà thầu thi công phải tích cực triển khai các dự án thành phần; bảo đảm đạt tiêu chí mẫu mực về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.

Với sự quyết tâm đoàn kết, tin rằng, dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ sẽ được xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác đúng tiến độ, chất lượng, góp phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của thành phố Cần Thơ.