Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2

Sáng 01/1/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn nút khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025.

Đây là dự án thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân về việc thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra là đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Điểm cầu dự án thành phần Cần Thơ – Cà Mau lắng nghe chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Lễ khởi công được tổ chức ở 12 điểm, trong đó có ba điểm cầu chính là Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hậu Giang - đại diện cho ba khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Các điểm cầu còn lại ở Hà Tĩnh (hai điểm), Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên (hai điểm), Khánh Hòa, Cà Mau. Trong đó, Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) được chọn là điểm cầu trung tâm, nơi có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết nối trực tuyến với các nơi khác.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 ( giai đoạn 2) được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh thành phố. Dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h trên tất cả 12 đoạn tuyến. Tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2026.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đại diện các Bộ - Ngành ấn nút khởi công dự án thành phần Cần Thơ – Cà Mau

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Ban Chỉ đạo, Hội đồng GPMB của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất. Nhân dân đồng lòng, ủng hộ, tích cực bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thi công. Đến nay các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công. 

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần diễn ra đúng vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng chung sức của Nhân dân để từng bước hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc. 

Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, ền núi phía bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi ền cả nước.

Đại diện các liên doanh nhà thầu sẵn sàng phương tiện, thiết bị… để thi công ngay sau khi Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án.

Để hoàn thành mục tiêu lớn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng với tinh thần vượt nắng, thắng mưa. Từ nay đến quý II/2023 phải đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng.

Quá trình triển khai dự án cần quan tâm đến đời sống, sinh kế của người dân ở các khu tái định cư để người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát huy động tối đa nhân lực, vật lực, xây dựng phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, an toàn, tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu kỹ thuật. Chủ đầu tư, đặc biệt là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình dự án.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và thực hiện đúng quy định của Nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm nh nếu có sai phạm.

Trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Nam giai đoạn 2, ĐBSCL có 2 gói thầu, đó là: Gói thầu đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài 37,65km và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang – Cà Mau dài 22,4km. Cả hai được gọi chung là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.

Tổng chiều dài cả cao tốc Cần Thơ – Cà Mau là 109km, quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỉ đồng. Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có điểm đầu tại nút giao IC2 (nút giao nối vào Quốc lộ 91 – Quốc lộ Nam Sông Hậu, TP Cần Thơ), điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Đại diện liên doanh nhà thầu xây lắp dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc công ty xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc Phòng cho biết: dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần đến 6 triệu mét khối cát san lắp, hiện nay đơn vị đã chủ động được 1 triệu mét khối phục vụ công trình sau Lễ khởi công.

Tiếp tục nỗ lực phối hợp với các địa phương có mỏ cát tại ĐBSCL để đảm bảo nguồn cát cho thi công. Đồng thời cam kết sẽ tập trung nguồn lực con người, tài chính, thiết bị, thi công chặt chẽ, khoa học, đúng quy trình kỹ thuật, an toàn lao động… hoàn thành đúng tiến độ tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau để phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội của vùng.