Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết kết quả sơ bộ sau đợt ra quân lập lại trật tự đô thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm?
Ông Trịnh Hoàng Tùng: Thực hiện Chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố, từ ngày 01/03/2023, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các lực lượng kiểm tra xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông (TTĐT, TTATGT). Kết quả đã xử lý được 1.227 trường hợp, trong đó vi phạm về trật tự đô thị là 607 trường hợp, phạt trên 1,45 tỷ đồng.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Quận ủy, Hội đồng nhân dân, UBND quận và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường; các lực lượng chức năng và UBND 18 phường đã đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý vi phạm về TTĐT, TTATGT, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận.
Do vậy, tình hình TTĐT trên địa bàn quận bước đầu đã có những sự chuyển biến, tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã có chuyển biến tích cực; 05 khu vực quảng trường và 12 tuyến phố chính, 20 tuyến phố văn nh đô thị cơ bản được duy trì đảm bảo; tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định trên hè phố, dưới lòng đường giảm…
PV: Xin ông cho biết, địa phương gặp những khó khăn gì trong việc giải quyết bài toán trật tự vỉa hè?
Ông Trịnh Hoàng Tùng: Quận Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa, dịch vụ thương mại và du lịch của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn có nhiều trụ sở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế… thường xuyên diễn ra các dự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước.
Đây vừa là lợi thế nhưng cũng là thách thức rất lớn của quận trong công tác quản lý đô thị đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện luôn phải đổi mới và bám sát tình hình thực tế để có giải pháp phù hợp.
Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán; phương tiện dừng đỗ trên hè, dưới lòng đường sai quy định; bãi xe trái phép, thu quá giá quy định cơ bản giảm. Tuy nhiên vẫn còn có các vi phạm xảy ra khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, nhất là ngoài giờ hành chính.
Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân và một số tổ chức chưa tốt; lực lượng kiểm tra xử lý mỏng; nhiều trường hợp cố tình vi phạm, nhất là ngoài giờ hành chính. Hạ tầng kỹ thuật đô thị của quận hình thành từ lâu nên có nhiều bất cập, không đáp ứng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành: hè phố, lòng đường nhỏ hẹp, chiều rộng hè dưới 3,5 mét chiếm gần 40%.
Trong khi đó, số lượng người tập trung về quận rất lớn, quá tải so với hạ tầng kỹ thuật của quận, do đó không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế của người dân và các tổ chức, nhất là trong lĩnh vực giao thông tĩnh.
PV: Theo ông, việc giải quyết chỗ đỗ xe nên thực hiện như thế nào?
Ông Trịnh Hoàng Tùng: Hiện nay, các điểm giao thông tĩnh chưa đáp ứng được nơi gửi phương tiện của người dân và du khách. Quận Hoàn Kiếm có nhiều bệnh viện, công sở, nhiều địa điểm kinh doanh và tổ chức không gian đi bộ nên nhu cầu gửi xe của người dân và du khách rất lớn.
Nếu dừng ngay việc không cho phép sử dụng hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện thì sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn, người dân sẽ cố tình đỗ, để xe tự phát, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để giải quyết không cho để và trông giữ xe tạm thời trên hè phố, lòng đường, theo tôi cần triển khai đồng bộ các giải pháp như hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đẩy nhanh công tác các điểm đỗ xe tập trung trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh phát triển các dự án phát triển giao thông công cộng trên địa bàn (đường sắt đô thị, xe bus…)
PV: Vậy còn đối với việc kinh doanh trên vỉa hè?
Ông Trịnh Hoàng Tùng: Việc giải quyết trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường là một vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người dân cho nên phải có lộ trình thực hiện giải quyết phù hợp, đạt yêu cầu về quản lý trật tự đô thị. Đồng thời phải tính đến đời sống mưu sinh, an sinh xã hội của người dân hàng ngày, phải tính đến việc giải quyết công ăn việc làm đối với những hộ gia đình đang kinh doanh ngoài vỉa hè để mưu sinh.
Việc quản lý vỉa hè, lòng đường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng tuyến phố.
Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và nước ngoài để nghiên cứu, xây dựng giải pháp tổ chức quản lý hiệu quả vỉa hè nhằm đảm bảo TTĐT, TTATGT, VSMT trên địa bàn, xây dựng đô thị xanh sạch đẹp đáp ứng yêu cầu quản lý và chỉ đạo của UBND Thành phố, cũng như giải quyết hài hòa nhu cầu mưu sinh của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của quận và của Thành phố nói chung.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!