Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong chuỗi vận tải, logistic toàn cầu?

Hiện nay, trong chuỗi vận tải (logistic), các doanh nghiệp Việt chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, một số lĩnh vực vận tải như vận tải biển chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ thị phần.

Điều này ảnh hưởng đến cơ hội phát triển và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam. Vậy cần làm gì để có thể thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải Việt Nam phát triển?

Hiện ngành logistic Việt Nam có tốc độ phát triển bình quân 14-15% với quy mô khoảng 40-42 tỷ đô la Mỹ/năm. Doanh nghiệp logistic tăng nhanh về số lượng, đến nay, Việt Nam đang có hơn 30 nghìn doanh nghiệp. Trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước hoạt động ở nhiều phân khúc thị trường vận tải khác nhau: hàng không, đường thủy, đường bộ và đường sắt.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistic Hà Nội, trong lĩnh vực vận tải đường bộ, các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ tới 90% thị phần, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tình trạng tương tự đối với phân khúc thị trường vận tải đường thủy nội địa và đường hàng không:

"Khi nói đến thị trường vận tải hàng không quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Ví dụ như Vietnam Airlines, Jetsta, Bamboo Airways, một số hãng trong nước hiện tại bây giờ cũng đang chiếm thị phần khá lớn. Đặc biệt là vận chuyển hàng không Bắc Nam, tức là vận chuyển hàng không nội địa hiện tại, tức là các doanh nghiệp Việt đang chiếm 100%".

Ảnh nh họa: ChatGPT

Ông Nghĩa cho rằng, hiện nay chưa có một nghiên cứu chính thức và mang tính tổng quát để đánh giá cơ cấu thị phần logistic của các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, nếu tính cả chuỗi logistic, vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam không hề bị lép vế.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Việt Nam. Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng nói, các doanh nghiệp logistic nước ngoài đang chiếm thị phần áp đảo, xấp xỉ 100% tại phân khúc thị trường này, thị phần của doanh nghiệp logistic Việt rất khiêm tốn và thường chỉ có những hợp đồng có tuyến vận tải gần, ở khu vực Đông Á và các nước ASEAN.

GS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích: "Lĩnh vực cảng biển là hoạt động logistic đã có từ lâu đời. Thông thường các công ty logistic quốc tế thường có những hợp đồng dài hạn với các hãng tàu và các công ty bảo hiểm quốc tế. Vì thế, trong lĩnh vực cảng biển, các doanh nghiệp logistic của Việt Nam yếu và mờ. Các doanh nghiệp logistic quốc tế lớn có “chân rết” ở toàn cầu, thuận lợi hơn cả về chi phí, hợp đồng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển càng gặp nhiều những khó khăn".

Giáo sư. Tiến sĩ Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển, Trưởng phụ trách bộ môn logistic Đại học Thủy Lợi cho rằng, các số liệu thống kê về lĩnh vực logistic hiện nay mới chỉ tính đến nội dung vận tải và kho bãi, còn nhiều dịch vụ logistic khác chưa đưa vào như logistic trong lĩnh vực thương mại điện tử, logistic trong lĩnh vực du lịch, biển đảo...

Mặc dù chưa có số liệu đầy đủ, nhưng vẫn có thể nhận thấy, thị phần các doanh nghiệp logistic Việt rất khiêm tốn, mới đang phụ trách ở một số khâu, chưa có những tập đoàn logistic lớn.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Giáo sư. Tiến sĩ Đặng Đình Đào phân tích về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: "Thứ nhất, các doanh nghiệp logistic của Việt Nam là hầu hết đều các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô vốn và lao động rất nhỏ, cho nên khả năng cạnh tranh trên thị trường rất thấp. Thứ hai, khả năng và phát triển thị trường chủ yếu là thị trường trong nước. Hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào có văn phòng đại diện nào ở nước ngoài đâu, chủ yếu ở trong nước. Một điểm quan trọng nhất làm doanh nghiệp bản địa của chúng ta yếu, thị phần yếu nữa là môi trường logistic chưa thuận lợi, hoạt động của doanh nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ".

Hiện nay, giá trị thị trường logistics Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 14-15% hàng năm đến năm 2025 và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng, kết quả này là chưa đủ, khi các doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài một số phân khúc thị trường.

Do vậy, thời gian tới, Nhà nước cần sớm có những chính sách, cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp logistic Việt Nam có cơ hội học tập kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật quản lý vận hành từ các tập đoàn nước ngoài, từng bước xây dựng những tập đoàn logistic “Made in Việt Nam”.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Hiện nay, tại Việt Nam đang có khoảng 25 tập đoàn logistic hàng đầu thế giới đang hoạt động, trong đó lĩnh vực vận tải đường biển đa phần do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ. Với tốc độ xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng, dư địa để phát triển lĩnh vực logistic nói chung và logistic cảng biển ngày càng có cơ hội.

Tuy nhiên, để có thể nâng cao giá trị của các doanh nghiệp vận tải biển, thì cần có sự hợp tác, liên kết các doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ, từng bước hình thành các tập đoàn logistic lớn mạnh. Đây là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông qua bài bình luận: Liên kết để cùng thắng

Với vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển dài, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá, lĩnh vực logistic của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng logistic còn hạn chế, chưa có sự kết nối thuận lợi, nên chi phí logistic của Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Tình trạng đứt gãy, xáo trộn, ún ứ cục bộ trong chuỗi cung ứng vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển vẫn còn xảy ra.

Vậy, làm thế nào để nâng cao giá trị của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi logistic, giúp các doanh nghiệp Việt từng bước lớn mạnh, vươn lên làm chủ thị trường?

Trước hết, Chính phủ và ngành giao thông vận tải cần tiến hành rà soát tổng thể,  thống kê đánh giá lại thực trạng năng lực hiện nay của chuỗi hệ thống logistic theo các tiêu chí của Thông tư số 12 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và đầu tư và mức độ đóng góp doanh nghiệp Việt Nam trong từng phân khúc thị trường.

Từ đó, xây dựng quy hoạch chung cho hệ thống logistic trong cả nước nói chung và từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng. Kết quả đánh giá có ý nghĩ rất quan trọng, làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển ngành logistic dài hạn.

Thứ hai là cần xây dựng một môi trường logistic thông thoáng, thuận lợi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistic phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistic, đặc cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất, cũng như cải thiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí.

Phát triển cơ sở hạ tầng là điều kiện quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động vận tải, bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistic. Thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư nguồn lực lớn vào hệ thống vận tải đường bộ, xây mới, mở rộng nhiều tuyến đường cao tốc, các tuyến đường giao thông trọng điểm qua đó tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hiện vẫn đang có sự chênh lệch trong đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giữa các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy và đường biển.

Ảnh nh họa: ChatGPT

Bởi vậy, thời gian tới, cần cân đối lại nguồn lực đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực đường thủy, đường sắt. Đặc biệt, cần phải nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn” lâu nay là vấn đề kết nối giữa các loại hình vận tải. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ với hạ tầng số, hạ tầng thương mại  sẽ giúp thuận lợi hơn trong hoạt động quản lý, điều hành hệ thống logistic.

Nhà nước cần tăng cường chi ngân sách để đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tùy điều kiện về nguồn lực của từng địa phương và quy hoạch ngành logistic, mà các địa phương xem xét bố trí đất, nguồn lực, xây dựng các trung tâm logistic có quy mô lớn, tập trung các hoạt động lưu giữ, thông quan hàng hóa,...

Để giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế và giá trị trong chuỗi logistic, thì điều quan trọng là củng cố nội lực và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Trong bối cảnh, phần lớn các doanh nghiệp logistic Việt còn hạn chế về nguồn nhân lực, vốn, thì giải pháp tăng cường khả năng hợp tác và liên kết giữa các doanh nghiệp để hình thành các doanh nghiệp logistics lớn mạnh, đa dạng và chuyên nghiệp là điều cần thiết. Quá trình này cũng giúp các doanh nghiệp sẽ học hỏi được kinh nghiệm vận hành, quản lý của các tập đoàn logistic quốc tế.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt cũng cần đa dạng hóa các dịch vụ, nâng cao khả năng đáp ứng về thời gian, quy mô, chất lượng và giá cả dịch vụ, từng bước mở rộng quy mô, hướng đến thị trường quốc tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ưu tiên các giải pháp công nghệ tối cưu hóa lộ trình vận chuyển hàng hóa, tự động hóa quá trình lưu kho sẽ giúp giảm bớt chi phí, nâng  cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hoạt động của chuỗi logistic chỉ thực sự hiệu quả khi có nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các hoạt động quản lý, vận hành, định hướng và phát triển. Do vậy thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, địa phương, trường đại học, dạy nghề và doanh nghiệp trong việc xác định các nhu cầu về lao động, từ đó có kế hoạch đào tạo cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn về nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị trong lĩnh vực này.

Hệ thống logistic phát triển sẽ góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra thuận lợi hơn góp phần tiết kiệm và giảm chi phí trong quá trình phân phối, lưu thông của các doanh nghiệp. Ngoài ra, logistic thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và từng bước mở rộng thị trường trong thương mại quốc tế.

Qua đó đưa Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, gắn nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Bởi vậy, tạo môi trường kinh doanh logistic thuận lợi, thúc đẩy quá trình liên danh, liên kết các doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ, hình thành các tập đoàn logistic lớn mạnh, sẽ giúp các doanh nghiệp Việt “thắng” ngay trên sân nhà.