Doanh nghiệp cần làm gì để đạt mục tiêu kép trong năm 2021?

Ngay từ đầu năm 2021, dịch bệnh COVID19 đã phức tạp trở lại. Trước tình hình này, các doanh nghiệp cần làm gì để đạt mục tiêu “kép” vừa tăng trưởng vừa phòng chống dịch.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
EuroCham lạc quan về triển vọng phục hồi kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Cung cầu

Tin tức trong nước và quốc tế

# Khi được hỏi về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới tới, 57% thành viên EuroCham tham gia khảo sát đều có dự đoán tích cực sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong 3 tháng đầu năm 2021. 

# Và mới đây, Tổng cục Thuế vừa cho biết, số thu ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 134.000 tỷ đồng, chỉ đạt 12% so với dự toán và bằng 81,2% so với cùng kỳ. 

# Theo dự báo, trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng bán lẻ sẽ hồi phục mạnh vào quý II/2021 với mức 14,49%. Tuy nhiên doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn, bởi thời gian qua đã có không ít thương hiệu bán lẻ ngoại gia nhập thị trường. 

# Riêng tại TPHCM, kinh tế đầu năm 2021 cũng có nhiều điểm sáng, khi kim ngạch xuất khẩu tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 34,5%; hơn 3.300 DN hoạt động trở lại.

# Hiện đã có 55/63 tỉnh, thành phố có báo cáo với Bộ Công Thương về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; trong đó có 26 địa phương có kế hoạch/triển khai chương trình bình ổn thị trường với số lượng dồi dào, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. 

# Tại Hà Nội và TPHCM, UBND các thành phố đã chỉ đạo các DN tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng nếu dịch bệnh COVID-19 có diễn biến tiếp tục phức tạp. 

# TPHCM nằm trong top 5 địa điểm thu hút đầu tư BĐS tại châu Á Thái Bình Dương. Theo CBRE, 60% nhà đầu tư được khảo sát có dự định mua BĐS tại TpHCM nhiều hơn trong năm 2021, đây là tỷ lệ cao nhất mà đơn vị này ghi nhận kể từ năm 2016. 

# Với thị trường vàng, sau khi liên tiếp tăng ở 2 phiên trước thì hôm nay, vàng SJC lại đồng loạt giảm từ 50.000-100.000 đồng, được mua-bán ở mức 56,30-56,80 triệu đồng/lượng. Với tỷ giá trung tâm của VND với USD áp dụng hôm nay là 23.145 VND/USD, giảm 7 đồng/USD so với hôm qua. 

Amazon và Google đều "ăn nên làm ra" trong thời gian dịch COVID-19.

# Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình trạng nghèo đói cùng cực, ông Olivier De Schutter mới đây cảnh báo, số liệu người nghèo của châu Âu có thể đạt đỉnh vào mùa thu năm nay. Hiện 92 triệu công dân Liên nh châu Âu đang sống trong cảnh nghèo đói. Phát biểu trước báo giới, ông Olivier cho biết: "Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng và sẽ còn làm gia tăng tình trạng này hơn nữa, bởi vì con số nghèo đói có thể đạt đỉnh vào mùa thu này, khi một số lượng lớn các công ty sẽ phá sản. Trong giai đoạn 2008 đến 2020 các số liệu về bất bình đẳng hầu như không thay đổi, mặc dù chúng ta vẫn nỗ lực phát triển, tạo thêm việc làm, song có vẻ như tình trạng bất bình đẳng vẫn không giảm đáng kể".

# Amazon và Google đều "ăn nên làm ra" trong thời gian dịch COVID-19. Đặc biệt, lợi nhuận của Alphabet đã tăng lên hơn 15 tỷ USD; Amazon cũng ghi nhận doanh thu ba tháng cuối năm 2020 đạt mức cao kỷ lục 125,6 tỷ USD.

# Ngược lại, gần 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản bị phá sản do COVID-19. Chiếm số đông trong là các công ty hoạt động trong lĩnh vực: dịch vụ ăn uống, may mặc, xây dựng và khách sạn.

Thông tin chứng khoán

# Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 35,76 điểm lên 1.111,29 điểm. Toàn sàn có 414 mã tăng, 56 mã giảm và 26 mã đứng giá. 

# Đáng chú ý, các cổ phiếu như PVS, BVH, VPB, PVD, GVR, SSI... đều được kéo lên mức giá trần. Ngoài ra, các mã như FPT, VIB, TPB, MSN, SHB, BID hay STB đều tăng giá trên 5%. 

# Theo SSI Reseach, Đây là phiên thứ 6 liên tiếp khối ngoại mua ròng trên thị trường và cũng là phiên mua ròng mạnh nhất trong 3 tháng qua. Thanh khoản thị trường cải thiện so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt 875 triệu cổ phiếu, trị giá 18.252 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 3.017 tỷ đồng. 

Năm 2021, các doanh nghiệp đặt mục tiêu “kép” vừa tăng trưởng vừa phòng chống dịch.

 

Doanh nghiệp cần làm gì để đạt mục tiêu “kép” trong năm 2021?

Ngay từ đầu năm 2021, dịch bệnh COVID19 đã phức tạp trở lại. Trước tình hình này, các doanh nghiệp cần làm gì để đạt mục tiêu “kép” vừa tăng trưởng vừa phòng chống dịch.

Các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng với kinh tế nước ta. Cụ thể, đối với mức kịch bản cơ sở, mức tăng trưởng là 5,49%; mức kịch bản thấp là 3,48% và ở kịch bản cao là 6,9%. Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn FDI. Tuy nhiên, do phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu làm cho nền kinh tế trở nên “mong manh” trước các cú sốc đến từ bên ngoài.

 Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, chúng ta phải phát huy được yếu tố nội lực khu vực kinh tế tư nhân, đó là liên kết DN nhỏ và vừa vào các chuỗi giá trị: "Thị trường nội địa trong nước trong năm 2021 là quan trọng hàng đầu. Nhà nước, Chính phủ cũng cần có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp là thị trường trong nước. Thứ hai, nếu như Vaccine triển khai rộng rãi trên toàn thế giới vào khoảng cuối 2021, và Việt Nam chúng ta đang cho nghiên cứu và triển khai thử nghiệm Vaccine thì tôi cho rằng sẽ có tác động để phục hồi dần kinh tế của đất nước".

Còn theo TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được coi là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, chứ không phải chỉ để đối phó với dịch bệnh. Do đó, TS Lê Xuân Sang kiến nghị Chính phủ cần xây dựng, triển khai sớm Chiến lược chuyển đổi số kết hợp với các gói kích thích kinh tế và các giải pháp cơ cấu lại ngành, hàng liên quan: "Cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số, thì nên chăng có sự hỗ trợ, có sự kết hợp giữa các gói hỗ trợ với nhau. Vấn đề quan trọng là việc chuyển đổi số đối với DN sau Covid 19 nếu bị dừng lại, lại không có sự hỗ trợ theo của Chính phủ thì quá trình này sẽ bị trùng xuống. Do đó, đây là một khía cạnh phải cân nhắc để đưa vào nhóm hỗ trợ trong thời gian tiếp theo nhằm thúc đẩy quá trình này tiếp tục phát triển".

Năm 2021 nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển KT-XH, cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ có cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến: "Chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu trở thành một trong bốn nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN. Đây sẽ là một hành trình mà tôi và cộng đồng doanh nghiệp hy vọng trong 5 năm tới chúng ta sẽ thực hiện được, góp phần giúp các doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh mẽ".

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021./.