Đến chợ Nhà Ngang

Chợ Nhà Ngang thuộc xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng nằm giáp với con kênh Sáu Sanh và sông Cái Bè. Để đến được chợ Nhà Ngang, bắt đầu từ cầu Cái Lớn, người dân chỉ cần đi men theo con đường dọc bờ sông với quảng đường khoảng hơn 35km là sẽ tới.

Cũng giống như bao ngôi chợ khác, chợ Nhà Ngang buôn bán đủ các mặt hàng từ đồ gia dụng, hải sản tươi sống cho đến những sản vật đồng quê được người dân bản địa đem ra bày bán.

Vì sao lại có tên chợ Nhà Ngang? Câu trả lời luôn được chúng tôi tìm hiểu trong suốt khoảng thời gian tham quan chợ. Dù hỏi rất nhiều bậc cao niên sinh sống tại đây nhưng hiếm ai biết được vì sao cái tên Nhà Ngang lại được đặt cho ngôi chợ này. Người ta chỉ biết rằng, chợ Nhà Ngang đến nay đã tồn tại trên 100 tuổi.

Theo cách lý giải của ông Trần Văn Tư (70 tuổi) sinh sống gần chợ Nhà Ngang, khi xưa đây là một ngôi chợ buôn bán tự phát và xung quanh là vùng đất bằng phẳng, chưa có con kênh Sáu Sanh khơi thông ra sông Cái Bè như hiện nay.

Ngày ấy trong khoảng thời gian giao tranh “đỏ lửa”, kênh Sáu Sanh được cho đào khơi thông ra sông Cái Bè. Trong quá trình đào kênh Sáu Sanh thì có một ngôi nhà dân nằm chắn ngang nên buộc phải di dời, cũng vì thế cái tên Nhà Ngang được người dân nhớ và đặt cho tên chợ sau này.

Người ta chỉ biết rằng, chợ Nhà Ngang đến nay đã tồn tại hơn 1 thế kỷ

Thời điểm đầu những năm 1960, khu vực xung quanh chợ Nhà Ngang là một trong các điểm nóng của vùng đất U Minh Thượng thường xuyên xảy ra những trận đánh khốc liệt và ngôi chợ này không ít lần chịu ảnh hưởng của bom đạn đến tan hoang. Chợ Nhà Ngang ngày nay buôn bán đông vui nhộn nhịp là cả một quá trình của thế hệ cha ông đi trước chiến đấu kiên cường để giữ đất.

“Chợ này thành lập 3 lần, lần này là lần thứ 3, lần đầu tiên là thời pháp. Thời Pháp là tôi còn nhỏ, khoảng năm 1963 lúc đó chợ cũng sung túc xung quanh người dân xây nhà tường để buôn bán. Sau đó thì bị bỏ bom cháy tan hoang rồi khi yên ổn thì người dân lại tiếp tục tụ họp buôn bán. Khi xưa chợ buôn bán bên kia sông, sau này hòa bình thì mới di dời chợ qua đây buôn bán.”

Chợ Nhà Ngang được công nhận chợ truyền thống và xây dựng khu vực nhà lồng năm 1993. Qua hơn 30 năm giao thương, chợ Nhà Ngang trải qua nhiều thăng trầm, lúc thịnh lúc suy. Từng một thời tiểu thương buôn bán không kịp nghỉ nhưng giờ đây khu vực chợ nhà lồng rơi vào tình cảnh đìu hiu, hoang tàn.

Qua hơn 30 năm giao thương, chợ Nhà Ngang trải qua nhiều thăng trầm, lúc thịnh lúc suy

Nhiều người dân cho biết, tình trạng này đã kéo dài khoảng vài năm trở lại đây. Người bán, người mua di dời ra phía ngoài đoạn gần cầu Nhà Ngang để thuận tiện và đảm bảo cho việc buôn bán. Nguyên nhân bởi cơ sở vật chất chợ nhà lồng ngày một xuống cấp, chưa được tu sửa, đường đi trong chợ chật hẹp gây bất tiện cho người ra vào chợ. Ngoài ra, khi xưa chợ nhộn nhịp là vì cách đó không xa có bến phà Nhà Ngang hoạt động đưa đón khách, tuy nhiên giờ đây bến phà đã di dời đến khu vực xa hơn và cũng vì thế mà lượng khách cũng giảm đi đáng kể.

“Bây giờ ế ẩm chứ ngày xưa buôn bán được lắm, đông lắm. Vì giờ chợ xuống cấp quá nên người ta đi chợ mới. Nhà lồng giờ vắng lắm, người ta không còn vào nhà lồng bán nữa, giờ ra dọn ra phía ngoài buôn bán gần hết rồi.”

“Ngày xưa bến phà gần đây vui lắm. Sau này tránh chợ nên dời đến khu vực khác xa hơn cho nên giờ chợ vắng, giờ thì khu vực trên kia đoạn gần cầu Nhà Ngang thì đông. Mặt khác là vì đường trong chợ này chật hẹp quá nên là cũng ít xe chạy vào đây để mua bán. Ai mà tay lái yếu chạy xuống đây mua đồ không cẩn thận là va quẹt, thế nên nhiều người cũng ngại.”

Từng một thời tiểu thương buôn bán không kịp nghỉ nhưng giờ đây khu vực chợ nhà lồng rơi vào tình cảnh đìu hiu, hoang tàn.

Một người dân tại chợ cho biết, khu vực nhà lồng chợ đã có kế hoạch tu sửa nhiều năm qua nhưng hiện chưa thể thực hiện bởi còn vướng mắc việc thu hồi mặt bằng. Để có thể tu sửa khu vực nhà lồng chợ địa phương sẽ thu hồi mặt bằng từ các tiểu thương, tuy nhiên vì chưa có thông tin về chính sách đền bù nên dẫn đến nhiều tiểu thương không đồng thuận. Bởi trên giấy tờ giữa tiểu thương và chính quyền địa phương khi xưa không đề cập rõ ràng giữa việc mua đất hoặc thuê đất có thời hạn.

“Mặt bằng ngày đó tính là cho thuê nhưng lại không để thời hạn, cho nên giờ tiểu thương nói bán chứ không phải cho thuê. Bởi vậy giờ lấy mặt bằng lại người ta không chịu, yêu cầu bồi thường. Chứ ngày xưa cho thuê mà để thời hạn 20-25 năm thì bây giờ tới thời hạn thì lấy lại thôi, đâu ai không đồng ý. Ngày đó thông tin không rõ ràng nên bây giờ rắc rối, chứ không là chợ này được sửa gần 10 năm nay rồi.”

Dù có phần khó khăn và không còn thịnh vượng trong buôn bán như trước kia nhưng các tiểu thương tại chợ vẫn luôn giữ nét lạc quan và kiên trì buôn bán. Bởi một phần công việc giao thương đã trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của họ và mặt khác là còn duy trì, gìn giữ ngôi chợ có lịch sử gắn liền với thời đấu tranh hào hùng của thế hệ cha ông.

.