Đêm nằm nghe sông lở

Nhiều năm trở lại đây, sạt lở đã không còn là vấn đề xa lạ với người dân miền Tây. Nếu giai đoạn trước, hiện tượng này thường chỉ xảy ra vào mùa mưa, lũ thì nay dù tháng nắng hay ngày mưa dầm thì sạt lở vẫn bủa vây người dân Đồng bằng.

“Trời ơi!”

Có lẽ ngoài câu cảm thán này thì bà con cũng không biết làm gì khác hơn khi phải chứng kiến toàn cảnh căn nhà đổ sập xuống sông chỉ trong phút chốc.

Người ta hay nói cháy nhà là mất hết nhưng chí ít cũng còn giữ lại được cái nền, còn sạt lở mới thật sự là mất tất cả: mất đất, mất nhà, hư hao tài sản và thậm chí nếu không nhanh chân thoát ra khỏi vùng sạt lở thì còn mất luôn cả mạng sống.

Thời điểm này, khi nhớ lại vụ sạt lở xảy ra ngay khu vực gia đình đang sinh sống, ông Nguyễn Văn Danh ở ấp Phú Bình, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vẫn chưa hết bàng hoàng, bởi mọi thứ diễn ra quá nhanh: Sáng tôi đi ra, thấy nứt răn cỡ 1 tấc, chạy dài khoảng 25 mét do vậy nên tôi mới ngồi uống cà phê, chặn không cho xe đi thì nó sụp, nó lở cái ùm xuống sông luôn. Có một ông đốn chuối mà ổng nhào lên bờ được. Lở cái ùm luôn chứ không còn cái gì nữa, mất đường giao thông luôn, tới mí nhà luôn.

Thị trấn Mái Dầm nằm dọc theo bờ sông Hậu, những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra sạt lở đất bờ sông. Năm nay, dù số vụ sạt lở có giảm hơn so với thời gian trước nhưng quy mô và mức độ ảnh hưởng thì lại nghiêm trọng hơn, với chiều rộng ăn sâu vào đất liền từ 7- 8 mét, chiều dài từ 35 đến hơn 50 mét.

Ảnh nh hoạ: VOV.vn

Theo ông Trần Thanh Phong- Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, hiện trên địa bàn còn rất nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao: So với năm 2020 thì cái số điểm nó ít hơn tuy nhiên về diện tích mất đất thì nó lớn hơn. Cảnh báo thời gian tới đối với thị trấn Mái Dầm thì theo nhận định tình hình thì nguy cơ sạt lở rất là cao, đặc biệt là cái tuyến sông Mái Dầm. Ảnh hưởng dòng chảy, nó thay đổi dòng chảy đó thì nó dẫn đến sạt lở.

Sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ làm thiệt hại về tài sản của người dân mà còn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sống khi chia cắt giao thông, khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn, nguy hiểm.

Sống ven sông Phú Hữu, đoạn thuộc xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang từ nhiều năm nay, nhưng có lẽ người dân nơi đây vẫn không khỏi hoảng hốt khi tận mắt chứng kiến con lộ bê tông kiên cố không có hiện tượng gì, trong phút chốt đổ ụp xuống sông.

Có đi qua những tuyến đường dân sinh bị đứt gãy vì đất đã sạt phần lớn xuống sông; có nhìn thấy những vách tường nứt, đổ, thậm chí là đứng trơ trọi cạnh đống đất, đá ngổn ngang, thì mới hiểu hết nỗi khổ của người dân nơi này.

___

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.