Đề xuất xây dựng thêm một số hầm chui qua tuyến Vành đai 3

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội vừa có văn bản đề xuất xây dựng thêm một số hầm chui qua tuyến đường Vành đai 3 nhằm tăng cường tính kết nối các tuyến đường và giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 (Q. Thanh Xuân, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) vừa thông xe ngày 5/10

Theo quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, trên tuyến đường Vành đai 3 dự kiến sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ các nút giao khác mức: Nút giao đường trục Tây Thăng Long – Vành đai 3; Nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Vành đai 3; Nút giao đường Mễ Trì – Dương Đình Nghệ - Vành đai 3.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải của thành phố, vừa là trục giao thông đối nội, vừa là trục giao thông quá cảnh kết nối giao thông nhiều tỉnh, thành với trung tâm Thủ đô Hà Nội, vì vậy có lưu lượng xe rất lớn.

Hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và Dự án mở rộng đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn từ Mai Dịch đến Cầu Thăng Long đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Nên việc triển khai nghiên cứu đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các nút giao trên là cần thiết.

Theo quy hoạch phân khu đô thị N10, nút giao giữa đường Đàm Quang Trung và đường Cổ Linh (nút giao Cổ Linh) là nút giao trực thông (giữa tuyến đường trục Vĩnh Tuy - QL5 và đường Cổ Linh). Hiện nút giao này có lưu lượng giao thông rất lớn, đặc biệt là khi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng và Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2023.

Do đó, việc đầu tư xây dựng hầm chui theo hướng dọc đường dẫn cầu Vĩnh tuy để hoàn chỉnh nút giao Cổ Linh là cấp thiết góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả dự án cầu Vĩnh tuy cả 2 giai đoạn, dự án đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến đầu cầu Vĩnh tuy và hoàn thiện hệ thống đường Vành đai 2 theo quy hoạch.

Từ đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội đề xuất UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, giao Ban phối hợp triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nêu trên.