Để xóa được định kiến về hầm đi bộ

Cách đây khoảng 5 năm, một phụ nữ bán trà đá gần cửa hầm đi bộ Kim Liên (nút giao từ Xã Đàn sang Giải Phóng) đã cảm thán với người viết rằng, hầm quá vắng, tối, bốc mùi và nhiều… kim tiêm, trở thành tụ điểm của người nghiện hút hoặc các đối tượng xã hội.

Khá nhiều người đi bộ lựa chọn băng cắt luôn trên mặt đường chứ ít sử dụng hầm. Họ cho rằng, hầm quá khuất, ít người qua lại nên cảm thấy bất an, không dám xuống.

Rõ ràng, hệ thống 2 hầm đi bộ này được đặt ở một khu vực sầm uất, gần trường học, văn phòng, công viên, đi xuống dưới có thể tránh được giao lộ với mật độ phương tiện cao gồm cả xe cơ giới và tàu hỏa. Tuy nhiên, nó vẫn bị thờ ơ và khó phát huy hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, sau nửa thập kỷ, câu chuyện đã có chuyển biến tích cực. Hầm được vệ sinh sạch đẹp, đèn điện sáng sủa, thường xuyên có nhân viên bảo vệ và vệ sinh môi trường tuần tra. Tỉ lệ người đi bộ sử dụng hầm tăng dần, tỉ lệ quay lại sử dụng tiếp cũng khả quan.

Nhìn vào hệ thống hầm tại nút giao Kim Liên, có thể thấy, việc thay đổi “giao diện” đã giúp hầm trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân.

Nhưng để hầm đi bộ thực sự trở nên hấp dẫn, phá tan được định kiến trong suy nghĩ của khách bộ hành, thì có lẽ, các đơn vị quản lý cần làm nhiều hơn thế.

Bên cạnh việc chăm sóc, vệ sinh cần được thực hiện thường xuyên, hầm đi bộ cần những chiến dịch truyền thông ấn tượng hơn, đột phá hơn để giành lấy sự chú ý của người dân.

Nếu có hầm mở cưa thì cũng rất ít người đi qua. Hầm đi bộ đây trở thành nơi nghỉ chân, trú mưa, tránh nắng cho người lao động

Nó không nên xuất hiện quá lặng lẽ, cần thêm các biển bảng chỉ dẫn nổi bật, dễ thấy ở các giao lộ hướng dẫn đi về vị trí hầm, có các thông điệp đề nghị người dân sử dụng.

Nó cũng không nên quá đơn điệu, buộc người đi bộ phải trải nghiệm rồi mới chắc chắn về cảm giác đi dưới hầm.

Nếu hầm được lắp đặt camera và có thông báo rõ ràng về điều này ở ngay cửa hầm, người sử dụng sẽ yên tâm hơn, tội phạm nếu có ý định cũng phải dè chừng hơn.

Nếu hầm bổ sung thêm các tiện ích khác như bảng biển LED quảng cáo, máy bán nước tự động, hệ thống thông tin liên lạc, nút bấm nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp, hoặc đơn giản là… thiết kế đẹp, là nơi đáng để check-in, chắc chắn sẽ có sức hút tự nhiên hơn.

Hà Nội đang hướng tới một hệ thống giao thông thân thiện với người đi xe đạp, người đi bộ. Điều này không thể chỉ hiện thực hóa thông qua những công trình lớn, tầm cỡ, mà còn phải thực sự được tinh chỉnh thông qua những chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn với người sử dụng.

Chẳng hạn, độ dốc của các bậc cầu thang cần tính đến sự phù hợp với trẻ nhỏ, người già, người dắt xe, thậm chí có cầu thang cuốn cho người khuyết tật, xe đẩy trẻ em.

Có lẽ, định kiến của người đi bộ với hầm bộ hành, hạ tầng vốn được thiết kế dành riêng cho họ, nên được giải quyết từ góc độ thị trường. Người đi bộ nên được coi là một chủ thể, một khách hàng được phục vụ.

Để thay đổi thói quen cố hữu, họ cần được tiếp thị, được khuyến khích và được hướng dẫn tận tình hơn nữa.