Để thầy cô an tâm cống hiến

Nói đến tầm quan trọng của đội ngũ trí thức mà đặc biệt là trí thức trẻ thì không thể không nhắc đến vai trò của người thầy, tuy nhiên, giữa xã hội ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu và trọng trách cho các thầy cô thì đã có không ít giáo viên phải ngậm ngùi rời phấn trắng, bảng đen.

Là giáo viên đã có 6 năm gắn bó với bục giảng, Thầy Trần Châu Thành hiện đang công tác tại trường THPT Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ngoài trách nhiệm giảng dạy môn tiếng Anh cho 4 lớp ở khối 11 và 12, thầy Thành còn đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp, hoàn thiện các sổ sách, hồ sơ học sinh và năng nổ trong các hoạt động phong trào của Trường. Với thầy Thành, mỗi ngày được đến lớp và chia sẻ kiến thức cùng học trò là điều hạnh phúc.

Chia sẻ về quỹ thời gian dành cho công việc, thầy Thành cho biết: Công việc của giáo viên thì không thể nào cân, đo, đong, đếm được, cũng không có chính xác là mỗi ngày dành bao nhiêu thời gian. Có những ngày công việc nhiều thì mình dành nhiều thời gian nhưng cơ bản mình cũng cân bằng được giữa công việc và các công việc ngoài xã hội khác.

Lựa chọn nghề giáo bằng tình yêu và mong muốn góp phần truyền dạy kiến thức cho các em học sinh ngay tại mái trường mình đã từng học, nên sau khi tốt nghiệp, thầy Thành đã quyết định về quê giảng dạy thay vì xây dựng sự nghiệp ở một đô thị đông đúc. Thế nhưng với mức lương chính thức gần 6 triệu đồng/tháng như hiện nay, thầy Thành cũng như nhiều thầy cô khác phải tiết kiệm trong nhu cầu sinh hoạt, đồng thời tranh thủ tìm thêm các nguồn thu từ công việc “tay trái” sau giờ lên lớp để đảm bảo chi tiêu, phụ giúp gia đình và có thể tiếp tục gắn bó với nghề.

Thầy Trần Châu Thành tâm sự: Nỗi vất vả và cái nỗi lo nhiều nhất của nghề giáo chắc là về vấn đề lương bổng. Hiện nay, mặc dù là đã có nhiều chế độ, chính sách cho nghề giáo, nhà nước rất là quan tâm vấn đề này nhưng mà lương của giáo viên thì không kịp đáp ứng so với cái cuộc sống ngày càng hiện đại và vật giá thì ngày càng leo thang.

Một vấn đề tiếp theo đó là công việc của giáo viên, niều người nghĩ là nhàn hạ nhưng mà thực ra giáo viên không chỉ là giảng dạy tri thức mà còn phải là đạo đức cho học sinh. Ngoài ra, áp lực từ xã hội hiện nay cũng đặt nặng một cái phần nào đó lên nghề giáo, đòi hỏi phải thật sự là chuẩn mực thì mình mới đủ tâm và đủ tầm để mà theo đuổi nghề này.

Ảnh nh họa: Giáo dục thủ đô

Mọi ngành nghề trong xã hội đều quan trọng nhưng với những người trực tiếp đóng góp giá trị cho sự nghiệp trồng người thì luôn nhận được sự kỳ vọng đặc biệt từ cộng đồng. Ở xã hội hiện đại, người thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn phải biết cách truyền cảm hứng để học trò có sự ham thích khám phá, học hỏi; người thầy phải đặt mình vào nhiều vai trò khác nhau để thấu hiểu chia sẻ, phải luôn nỗ lực đổi mới để không bị tụt hậu và là gương sáng cho học sinh.

Khẳng định về tầm quan trọng của các thầy, cô giáo, ông Nguyễn Đắc Vinh- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Theo truyền thống dân tộc ta thì người thầy luôn luôn được xã hội đặc biệt coi trọng và người thầy có một sức ảnh hưởng rất lớn tới học sinh cũng như gia đình học sinh. Chúng tôi thấy điều quan trọng là làm sao cho người thầy thể hiện được sự gương mẫu, thể hiện được sự chuẩn mực và chính người thầy là những tấm gương rất là tốt để lan tỏa tới học sinh, giúp cho học sinh trưởng thành hơn.

Được xã hội quan tâm và trân trọng nhưng nhiều thầy cô vẫn ngày ngày đến lớp với sự bất an khi lòng còn nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đáng buồn là không phải ai cũng có đủ sức khỏe và linh động được thời gian để làm thêm nghề tay trái, vì vậy đã có không ít người đành ngậm ngùi giã từ tình yêu với bảng đen phấn trắng.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, tại cuộc họp trực tuyến qua 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố với giáo viên cả nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT- Nguyễn Kim Sơn đã nhận được hơn 6000 câu hỏi, trong đó có gần 2.000 ý kiến đề nghị xem xét vấn đề lương, chế độ cho giáo viên còn thấp, khiến nhiều người bỏ nghề hoặc phải làm thêm để sống.

Đáng chú ý là trong khi cả nước hiện thiếu hơn 110.000 giáo viên ở các cấp thì trong 3 năm qua có hơn 40.000 giáo viên bỏ việc, và lý do chính là chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, công việc áp lực. Là một phụ huynh có 3 con đều đang ở độ tuổi đến trường, anh Trần Văn Sính ở thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự đồng cảm và mong muốn thầy cô nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm cùng chế độ đãi ngộ để họ toàn tâm, toàn lực cống hiến: Ngành nghề mà có nhiều cái tác dụng và cũng để cho thế hệ sau này nó phát triển như vậy thì ngược lại theo anh nghĩ là cũng vậy, cũng phải có những cái chế độ và có những cái lời động viên, khích lệ hay khen thưởng để làm động lực cho thầy cô giáo tiếp tục trên con đường mà mà mình dấn thân vô.

Thu nhập còn hạn chế, công việc áp lực, đó là vấn đề hiện hữu nhiều giáo viên phải đối mặt nhưng cũng không thể phủ nhận thời gian qua, các bộ ngành đã có sự lắng nghe và nỗ lực gỡ khó. Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 7/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ- Phạm Thị Thanh Trà đưa ra cam kết: khi thực hiện cải cách tiền lương, lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính, sự nghiệp. Chia sẻ này nhận được sự đồng tình từ hàng triệu giáo viên trên cả nước.

Thầy giáo trẻ Trần Châu Thành bày tỏ niềm tin: Có nhiều cái nỗi lo thật sự, mà mình đang rất tin tưởng vào cái chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước sắp tới sẽ có những cái kế hoạch để nâng lương cho giáo viên. Mình nghĩ là nghề nào cũng khó khăn nhưng mà quan trọng là mình đủ tình yêu, đủ sự tâm huyết, đủ sự tận tâm với nghề thì mình sẽ vượt qua mọi khó khăn. Những giáo viên vùng cao, ở những vùng sâu, vùng xa còn khó khăn gấp ngàn lần nhưng mà họ có sự tận tâm, có sự tâm huyết với nghề thì sẽ làm cho những ai đang làm công việc này mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn.

Chưa biết chắc được mức lương sẽ cải thiện bao nhiêu, khi nào áp dụng nhưng thông tin này đã mang đến sự phấn khởi cho nhiều giáo viên, những người luôn mong muốn được sống và cống hiến với sự nghiệp trồng người.

***

Xã hội đang hướng đến xây dựng những trường học hạnh phúc, mô hình thể hiện tính nhân văn cho cả người dạy và người học, ở đó không chỉ học sinh hạnh phúc mà chính những “kỹ sư tâm hồn” cũng phải hạnh phúc. Để làm được điều này, có lẽ chỉ có sự nỗ lực của thầy cô thôi thì chưa đủ. 

Lựa chọn học sư phạm là một sự can đảm vì không phải ai cũng tự tin và có khả năng truyền đạt kiến thức cho người khác. Tôi có nhiều người bạn lựa chọn theo nghề giáo và câu trả lời cho sự lựa chọn ấy luôn bắt đầu bằng 2 từ “tình yêu”. Tôi cũng tin điều đó bởi nếu không yêu thì khó mà chấp nhận dấn thân, khó mà chấp nhận được lương 6 – 7 triệu đồng/tháng sau gần 6 năm đi làm, một mức lương khá khiêm tốn so với đặc thù công việc.

Trong một lần di chuyển trên chuyến xe công nghệ, tôi có cơ duyên được bác tài chia sẻ về công việc hiện tại và quá khứ. Anh cho biết trước đây mình đã có 10 năm làm thầy giáo THCS trước khi rẽ hướng làm lái xe. Hỏi ra mới biết anh rất yêu nghề và dù đã đổi việc gần 5 năm nay nhưng mỗi khi có người hỏi thăm về nghề giáo anh vẫn bồi hồi. Với anh quyết định thôi việc dạy học để lại nhiều tiếc nuối nhưng không còn sự lựa chọn nào khác vì anh không sống được với mức lương ít ỏi mỗi tháng, cùng với đó là những áp lực vô hình khi học trò của anh đều là con cưng được cha mẹ nâng niu.

Nói đến đây có lẽ chúng ta không khó liên tưởng đến thực trạng của xã hội ngày nay, khi tiếng nói của người thầy dường như đã giảm bớt “trọng lượng”. Dẫu yêu thương học trò hết mực nhưng để dạy các em nên người, giáo viên cần có “công cụ” trong tay. Một trong số đó là quy định, là kỷ luật trong chừng mực sư phạm để uốn nắn các em. Vậy mà giờ đây một cái khẽ tay thầy cô cũng phải cân nhắc bởi những hình phạt ấy có thể mang đến phiền phức cho họ bất cứ lúc nào. Ở một góc độ nào đó, họ như bị mắc kẹt giữa “gọng kìm dư luận”. Thử hỏi mấy ai còn dám hết lòng vì đàn em?

Dù không bỏ việc, một bộ phận giáo viên ngày ngày vẫn lên lớp nhưng một khi “lửa nghề” đã tắt thì cũng không khác gì họ đã “âm thầm nghỉ việc”. Nguyên nhân được chia sẻ là do những hạn chế trong chính sách đãi ngộ nhân tài. Nhiều thầy cô vốn rất giỏi về chuyên môn và vững vàng về kỹ năng sư phạm, thậm chí họ là những lá cờ đầu trong các phong trào thi đua dạy và học nhưng mọi sự nỗ lực không được công nhận, cào bằng đã gây tổn thương lòng tự trọng và ý thức phẩm giá.

Tháng 11, tháng tri ân thầy cô giáo, tháng rộn ràng cảm xúc của những người “lái đò tri thức” nhưng đâu đó chắc hẳn vẫn có những người đang cảm thấy chông chênh, lạc lõng trên chính hành trình can đảm mà mình đã chọn. Vậy nên tin chắc rằng món quà ý nghĩa nhất mà thầy cô mong nhận được dịp này chính là sự thấu hiểu đồng hành của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội, là sự chia sẻ để họ được an tâm cống hiến.