Để nông thôn là nơi đáng sống, nơi để quay về

Cầu khỉ cheo leo bắt qua con kênh heo hút; những tuyến đường được đổ đá dăm xen kẽ với nhiều đoạn sình lầy mỗi độ sa mưa; những mái lá lụp xụp, điện sinh hoạt nơi có nơi không… Đó là những gì người ta có thể hình dung trong đầu khi nhắc đến vùng nông thôn miền Tây của nhiều năm về trước.

Còn ngày nay, khi khoảng cách thành thị và nông thôn đang dần được rút ngắn, khi chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả thì xóm làng đã khoác lên mình “màu áo mới”, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt.

Về thăm lại xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của quê hương. Là một huyện vùng ven của thành phố, sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ nên đời sống của người dân Cờ Đỏ giai đoạn trước đây gặp rất nhiều khó khăn. Đường sá cũng chưa được nâng cấp, chủ yếu vẫn là đường đất.

Đường đến trường đã xa, điều kiện đi lại thì bất tiện nên nhiều gia đình chỉ cho con em học hết cấp 2, khá lắm thì đến cấp 3, số hộ nỗ lực cho con vào được đại học, cao đẳng là hiếm.

Là người đã nhiều năm sinh sống ở địa phương, chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê nhà, chị Võ Thị Mỹ Hoa không khỏi bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày cơ cực khi giao thông tại đây còn nhiều cách trở: "Trước đó chưa được lên nông thôn mới thì dân ở đây tụi tôi khổ lắm. Đường thì không có, ộp ẹp; cầu kì thì gãy lên gãy xuống, nhìn con em nó đi học mà mình thấy đau lòng. Đi học thì thức từ 4h, 5h khuya để chuẩn bị. Đi học về thì thấy mình mẩy ướt nhẹp, đứa thì khóc, đứa thì cười.

Hỏi sao vậy con thì nó nói té cầu, té sông. Sau đó dân mới hùn nhau đổ đá bụi được một lúc, đổ lộ 1m. Mà hễ làm được lộ thì không có cầu, bắt được cây này thì gãy cây kia. Khó khăn lắm, hồi xưa đi chợ buôn bán gì cũng phải chèo xuồng, chèo ghe đi nửa đêm nửa hôm".

Đông Hiệp đã đạt chuẩn Xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và hiện được huyện Cờ Đỏ lựa chọn xây dựng để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023. Với quyết tâm đó, ở địa phương cầu đường tiếp tục được xây dựng, nâng cấp, phục vụ tốt cho giao thông nông thôn; ấp nào cũng có cổng rào an ninh trật tự; lối đi được bà con dọn dẹp sạch sẽ khang trang; hoa khoe sắc làm rực rỡ thêm cho những tuyến đường, xe ô tô cũng có thể đến được tận cổng nhà.

Đáng mừng là mỗi nhà đều có đồng hồ điện riêng, không phải phập phồng lo sợ cảnh sinh hoạt trong ánh đèn dầu leo lét hay phải chia điện câu đuôi thiếu an toàn như trước. Nước máy cũng được kéo đến tận nhà, người già, trẻ nhỏ đều phấn khởi, an tâm sử dụng thay vì cảnh bơm nước giếng hay phải lóng nước phèn chứa trong các lu, khạp không đảm bảo vệ sinh.

ảnh nh họa (dangcongsan.vn)

Sự khởi sắc của xã Đông Hiệp – huyện Cờ Đỏ chỉ là một ví dụ điển hình cho rất nhiều những vùng nông thôn mới khác ở ĐBSCL. Những điều tưởng chừng như không thể có được nhưng đến nay bà con ở các vùng quê, các xã nghèo đã được thụ hưởng. Thành quả này là sự chung tay của cả hệ thống chính trị - xã hội, xuất phát từ tư duy chỉ đạo mới của chính quyền các cấp cộng hưởng với những hành động thiết thực của người dân.

Vào tháng 7 vừa qua, tỉnh Trà Vinh cũng đón nhận tin vui khi huyện Cầu Ngang và Duyên Hải đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là 2 huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống và có nhiều xã đặc biệt khó khăn. Sau 12 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Cầu Ngang đã có nhiều thay đổi khi hệ thống giao thông được chuẩn hóa, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 64,26 triệu đồng/năm, tăng gần 52 triệu đồng/năm so với trước khi xây dựng nông thôn mới.

Còn với huyện Duyên Hải, tỉ lệ hộ nghèo nay cũng giảm đáng kể, còn 2,21% (năm 2022), không còn xã đặc biệt khó khăn.

Tại buổi lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh- Lê Văn Hẳn biểu dương kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của 2 huyện đã được trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới: "Đến nay, tình hình kinh tế xã hội của huyện có bước phát triển theo hướng tích cực, huyện có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn nh. Huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo quyết định số 320 của Thủ tướng Chính phủ".

Cùng với huyện Cờ Đỏ ( TP. Cần Thơ) và 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải (của Trà Vinh), các địa phương khác trên cả nước cũng đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2015. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 7/2023, cả nước có 5.813/8.227 xã (chiếm 70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2,4% so với cuối năm 2021; có 254 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt NTM; 18 tỉnh có 100% số xã đạt NTM. Trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hướng đến đảm bảo nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, bình đẳng giới.

ảnh nh họa (dantocennui.vn)

Vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, không ít người đã lựa chọn “bỏ phố về quê” và nhiều người trong số họ đã lập nghiệp thành công khi biết khai thác hiệu quả những giá trị tài nguyên bản địa.

Điều này cho thấy trong tâm thức của những người “tha hương cầu thực” quê hương vẫn là chốn yên bình để nương náu. Nhưng làm sao để những vùng nông thôn giữ chân được lao động, thực sự là Nơi đáng sống, là nơi để họ quay về

Tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN- Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là chương trình đa mục tiêu nhằm xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn”.

Thật vậy, phải công nhận diện mạo nông thôn ngày nay đã “khởi sắc” rất nhiều nhớ chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Dù không quá tiện nghi, đa dạng các dịch vụ như ở các đô thị sầm uất nhưng phần lớn người dân đã được thụ hưởng nhiều giá trị, chất lượng đời sống đang dần được nâng cấp. Bên cạnh đó, các vùng quê lại có những thế mạnh riêng với không khí yên bình, không quá ồn ào, tấp nập và xô bồ. Ở một góc độ nào đó thì đây chính là một điểm mạnh của nông thôn.

Thế nhưng để thực sự là vùng quê đáng sống thì bao nhiêu đó là chưa đủ. Những gì đang diễn ra cho thấy vùng đất này đang chịu nhiều tổn thương, đặc biệt là tác động từ biển đổi khí hậu. Sụt lún, sạt lở, hạn hán, mặn xâm nhập rồi ngập lụt vẫn bủa vây, ảnh hướng đến nhiều người. Thiên tai ập tới, họ mất đất, mất ruộng, mất nhà cửa, thiếu sinh kế, trong khi thu nhập từ không đủ trang trải chi phí, làm nông thì không thoát khỏi vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá- được giá thất mùa”…

 Để thoát khỏi cái nghèo đeo bám, nhiều người buộc phải tha hương cầu thực. Không chắc ở thành phố tốt hơn nông thôn nhưng chít ít ở đó họ tìm được nhiều việc và có thể làm ngày, làm đêm nuôi sống gia đình. Số liệu điều tra được công bố vào năm 2022 có lẽ đã làm nhiều người giật mình về tình trạng di dân ở ĐBSCL khi có hơn 1,3 triệu người đã di cư khỏi vùng ĐBSCL trong khoảng 10 năm qua và có tới gần 62% người di cư thuộc nhóm trẻ tuổi.

Để thu hút, mời gọi lao động trở về địa phương lập nghiệp, thiết nghĩ trước hết cần quan tâm, tạo điều kiện nâng chất đời sống cho những người đang gắn bó tại địa phương. Không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, người dân nơi đây cũng cần được tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ, tay nghề.

Khi đó chính họ sẽ là người đầu tư suy nghĩ để tìm ra những mô hình sản xuất mới, hiệu quả, là chủ thể phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, là lực lượng góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, là những người chủ động và ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội.

Khi chính quyền và nhân dân đồng lòng, khi tiềm năng được khai thác hiệu quả, khi khoảng cách giữa thành thị và nông thôn được rút ngắn và sinh kế được đảm bảo, tin chắc ĐBSCL- vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây của cả nước sẽ trở thành vùng đất đáng sống bởi “đất lành thì chim đậu”.