Để nông sản thôi cảnh ùn ứ

Tại các cửa khẩu phía Bắc, các phương tiện chở trái cây và nông sản xuất khẩu tiếp tục dồn về các cửa khẩu dẫn đễn ùn ứ hàng nông sản xuất khẩu, gia tăng chi phí, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện ền Bắc đang vào cao điểm thu hoạch vải thiều, trong khi đó các tỉnh phía Nam cũng đang thu hoạch rộ sầu riêng, mít, thanh long,… Tuy nhiên, lâu nay, thị trường truyền thống cho nhiều loại nông sản vẫn là Trung Quốc. Vì thế, với số lượng lớn nông sản, trong đó có trái cây đến vụ thu hoạch rộ nên những ngày qua, số lượng xe chở hàng xuất khẩu đã tăng đột biến tại các cửa khẩu phía Bắc.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 15.000 ha canh tác cây mít, diện tích này chỉ đứng sau cây sầu riêng. Trong đó, huyện Cái Bè chiếm hơn 50% diện tích. Ở thời điểm này, trái mít Thái siêu sớm loại 1 ở địa phương có giá dưới 11.000 đồng/kg; loại 2 giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, loại 3 từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Giá mít giảm, thị trường tiêu thụ chậm, dẫn đến tình trạng thương lái mạnh tay kén chọn, ép giá nhà vườn.

Tương tự, giá sầu riêng tại các tỉnh ĐBSCL đều "hạ nhiệt" so với giữa tháng 3, giá sầu đã giảm khoảng 50%, tùy loại, chủ yếu vì nguồn cung dồi dào. Giá sầu riêng Ri 6 được nông dân bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 55.000-57.000 đồng/kg. Giá trái sầu riêng Mỏn thon (giống Thái Lan) được nhiều nông dân bán xô ở mức trên dưới 75.000 đồng/kg. Tuy giá bán hiện nay chưa thật thấp nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro bởi diện tích sầu riêng thời gian qua đã tăng mạnh. Do vậy, nguy cơ trồng - chặt vẫn sẽ tiếp diễn nếu không có sự kiểm soát.

Tại Long An, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh có hơn 438 ha, trong đó một nửa là trồng mới. Anh Nguyễn Văn Nam, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: Thấy sầu riêng có giá nên tôi trồng sầu riêng. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo không nên trồng sầu riêng vì chưa biết hiệu quả lâu dài ra sao, giờ muốn trồng thêm nhưng địa phương chưa cho.

Không phủ nhận giá trị kinh tế mà sầu riêng và các loại nông sản mang lại, bởi được tiêu thụ tốt trong nước và cả xuất khẩu. Tuy nhiên, người dân không nên đổ xô trồng ồ ạt và cần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân, gắn với liên kết để đảm bảo đầu ra. 

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng: Hồi xưa mình khuyến nông bằng cách đi dạy người nông dân trồng. Bây giờ, mình dạy người nông dân liên kết. Từ chỗ kết nối này, những đơn vị mua hàng, đặt ra yêu cầu đi nước này sao, nước kia sao thì chúng ta có chuẩn hàng hóa rất là tốt để đáp ứng yêu cầu từng nước.

Tại Hậu Giang, tỉnh hiện có 115  vùng trồng với nhiều mặt hàng nông sản được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Australia với diện tích gần 2.000ha.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Hiện nay trong sản xuất, thì nhu cầu của thị trường để xuất khẩu đưa ra nhiều tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì ngày càng khắt khe, họ đưa ra những tiêu chuẩn. Đặc biệt là những tiêu chuẩn về làm sau sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo những tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn GlobalGAP, hay các tiêu chuẩn về hữu cơ hoặc theo những tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường của nước đó. Do đó, việc sản xuất, làm sau bà con phải gắn với doanh nghiệp để làm sao sản xuất sản phẩm ra đạt theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tại các cửa khẩu phía Bắc, các phương tiện chở trái cây và nông sản xuất khẩu tiếp tục lâm vào cảnh ùn ứ

Để nông sản thôi cảnh ùn ứ, nông sản có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì vấn đề cấp bách là xây dựng thương hiệu nông sản. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cho rằng, từng chủ thể cá nhân, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu có ảnh hưởng rất lớn tới thương hiệu quốc gia, việc này đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía: Thực sự để làm được đòi hỏi trách nhiệm từ doanh nhân, doanh nông cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị quản lý nhà nước, những hiệp định thương mại song phương, đa phương... Tôi cũng mong muốn vai trò của tham tán thương mại quan tâm hơn nữa để nâng tầm được thương hiệu Việt nói chung chứ không gì thương hiệu của nông sản của Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Củ Quả Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn trồng - chặt, có thu nhập cao hơn. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và buôn chuyến như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý để làm nên thương hiệu đầu tiên, nông sản Việt phải sẵn sàng một số yếu tố như: chất lượng, vùng nguyên liệu, công nghệ bảo quản… để có thể phục vụ xuất khẩu toàn cầu: Để tạo được thương hiệu quốc gia thì trước mặt chúng ta phải rà lại chất lượng. Đơn cử như ở Newzealand có trái Kiwi; ở Mỹ có trái Táo… Mặc dù ở nước họ có rất nhiều trái cây nhưng họ chỉ chọn ra một trái để xây dựng thương hiệu làm nên biểu tượng trái cây quốc gia. Ở Việt Nam chúng ta thì chưa làm được, trái nào chúng ta cũng cho là ngon và nhất hết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, cách làm kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn mù mờ đầu cung và cầu. Không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu: Chúng ta chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu. Chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, chính quy lại ngành hàng, thông tin nh bạch số lượng, mùa vụ của từng loại nông sản và phân bổ trong từng loại thị trường, thị trường uất khẩu, thị trường nội địa.

Ảnh nh hoạ: thanhnien.vn

Để nông sản thôi cảnh ùn ứ

Những năm gần đây, câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông, hải sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã thành thông lệ đến hẹn lại lên. Người dân, thương lái cứ bị lặp lại một vòng luẩn quẩn. Nông sản đặc điểm mang tính thời vụ cao, khi vào vụ lượng hàng hóa gia tăng đột biến. Cách làm kinh tế nông nghiệp vẫn mù mờ đầu cung và cầu. Hoạt động sản xuất thả nổi người nông dân tự làm. Thêm vào đó, tư duy sản xuất nông nghiệp mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế. Việc tìm kiếm các thị trường còn hạn chế. Do vậy, có sự vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Điều này, dẫn tới nền kinh tế nông nghiệp đánh cược vào sự may rủi của thị trường.

Vì vậy, rất cần có giải pháp căn cơ, từ gốc, làm chủ được câu chuyện thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro… Và trọng tâm là phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics... việc thực hiện các giải pháp này phải kiên trì. Đồng thời, hơn lúc nào hết nông sản phải tự nâng tầm và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tránh rủi ro phụ thuộc.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 492 ngày 31-5-2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Trong đó, việc trước mắt là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi có cửa khẩu biên giới cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế về thời gian làm thủ tục thông quan, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu.

Cần rà soát các quy định về xuất, nhập khẩu nông sản; chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của nước nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục, tăng thời gian cho thông quan và hiệu suất thông quan, không để tái diễn tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu trong điều kiện nắng nóng dễ bị hư hỏng. Đồng thời, thông báo kịp thời, thường xuyên đến các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước về tình hình lưu thông, xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu để kịp thời điều chỉnh việc vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.

Về giải pháp lâu dài, tích cực đàm phán thúc đẩy mở cửa thị trường, nhất là thị trường chính ngạch, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng các loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Chủ động cung cấp thông tin, khuyến cáo người dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của địa phương theo quy hoạch.

Với những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời cộng với các giải pháp cấp bách từ Trung ương đến địa phương, mong rằng đường đi của nông sản sẽ được khơi thông, không để tái diễn nông sản ùn ứ tại cửa khẩu./.