Theo dự kiến, năm 2027, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam sẽ chính thức triển khai và dự kiến giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2035. Tuyến đường sắt tốc độ cao là đường đôi, khổ 1.435mm, dài hơn 1.500km có tốc độ 350km/h. Đây là phương thức vận tải có công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Vậy, Việt Nam cần chuẩn bị gì để có thể làm chủ công nghệ? Việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế cần thực hiện thế nào?
Sau hơn 17 năm nghiên cứu, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự kiến thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.
Theo PGS.TS Trần Thế Truyền, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, với tổng vốn dự kiến hơn 67 tỷ USD, đây là dự án giao thông lớn nhất từ trước tới nay và cũng là dự án đường sắt tốc độ cao đầu tiên tại Việt Nam. Bởi vậy, việc nghiên cứu và xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của hệ thống đường sắt cao tốc đặc biệt quan trọng.
"Các nước trên thế giới thành công thường xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đều có một hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn rất hoàn thiện. Hiện nay, việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ở Việt Nam đang ở giai đoạn cần thiết để phục vụ các dự án lớn về đường sắt, tốc độ cao, cũng như đường sắt đô thị.
Nếu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn thì sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai các dự án về đường sắt đô thị, đường sắt, tốc độ cao trong thời gian sắp tới", PGS.TS Trần Thế Truyền cho biết.
Mặc dù, Việt Nam đi sau trong xây dựng đường sắt cao tốc, nhưng Việt Nam có thể tham khảo, các kinh nghiệm trên thế giới, từ đó thực hiện phân tích, đánh giá ưu nhược điểm của từng mô hình, dự trù, tính trước những rủi ro trước khi áp dụng tại Việt Nam.
Ông Truyền dẫn chứng, kinh nghiệm thành công của Trung Quốc trong phát triển đường sắt tốc độ cao, là song song với việc sản xuất, xây dựng theo công nghệ từ 4 quốc gia châu Âu, Nhật Bản, quốc gia này đã có một đội ngũ âm thầm đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu riêng và thực hiện chuyển giao công nghệ. Sau gần 10 năm, Trung Quốc đã tự xây dựng công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc riêng của mình và có thể đi bán công nghệ này.
Để Việt Nam có thể thực hiện chuyển giao công nghệ làm đường sắt cao tốc thì bên cạnh việc chuẩn bị các nguồn lực về vốn, về nhân lực thì trong các điều khoản hợp đồng với các đối tác nước ngoài cần quy định rõ điều khoản này.
TS Cao Phú Cường, Giảng viên bộ môn đường, khoa cầu đường Đại học xây dựng phân tích: "Trong công tác đầu tư xây dựng, chuyển giao công nghệ thì giai đoạn trước tương đối khó khăn vì các nước họ giữ, thứ hai là đi vay nên sẽ khó khăn hơn. Ở giai đoạn này, khi chúng ta đã quyết định dùng ngân sách nhà nước thì người ta hoàn toàn có thể dùng điều khoản để đàm phán là tiền của tôi.
Anh làm thuê thì anh phải chuyển giao công nghệ. Trước đây, ở các dự án ODA chúng ta có khó khăn. Với điều khoản của chúng ta dùng vốn tự chủ thì chắc chắn là sẽ đàm phán để có thể họ chuyển giao nhiều hơn và thậm chí phải tiến tới tự chủ sản xuất vì nếu không thì chi phí rất cao".
Ngoài chuẩn bị về mặt công nghệ, theo ông Cường, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho xây dựng đường sắt tốc độ cao cũng rất quan trọng. Hiện nay, một số trường đại học trong đó có trường Đại học xây dựng đã đưa vào các chương trình đào tạo về đường sắt cao tốc và thậm chí, mở các chương trình đào tạo cho các kỹ sư đã có kinh nghiệm nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho “siêu dự án”.
Nguồn nhân lực này trước mắt sẽ tham gia vào quá trình đầu tư, xây dựng hệ thống đường sắt nhưng sau này một bộ phận có thể chuyển sang tham gia vào công tác vận hành
Đường sắt tốc độ cao giữ vai trò quan trọng trọng hệ thống giao thông và là một trong ba đột phá chiến lược được ưu tiên. Phát biểu tại một hội thảo khoa học mới đây, ông Nghiêm Tuấn Thành, Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh đầu tư đường sắt phải có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt theo hướng hiện đại, đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu nội địa hóa công nghệ:
"Về tiếp cận và chuyển giao công nghệ, đối với doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ phải đưa ra những tiêu chí ràng buộc để cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận. Thông tin tín hiệu sẽ tiếp nhận, chuyển giao và từng bước làm chủ sản xuất trong nước. Về điều kiện phương án công nghiệp, làm chủ công nghiệp xây dựng và lắp ráp trong nước, từng bước nội địa hóa phương tiện cho đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao, từng bước mội địa hóa thông tin tín hiệu".
Quan điểm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng xác đinh Tự chủ về vốn đầu tư và quyết tâm được chuyển giao, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao là những quyết sách rất đúng đắn, tuy nhiên vấn đề đặt ra là cần phải làm sao để có thể được thực hiện điều này.
Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOV Giao thông: "Làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, cần chuẩn bị kỹ lưỡng".
Với tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới hơn 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Điều đặc biệt, đây là dự án hạ tầng đầu tiên có định hướng sử dụng vốn đầu tư công làm chủ đạo, không sử dụng nguồn vốn ODA như trước đây.
Do vậy, dự án sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam có sự chuyển hướng phát triển công nghệ, công nghiệp tân tiến, các doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao nhưng đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Vậy, để có làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
Tại buổi thảo luận tại tổ chiều ngày 20/11 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ sẽ giúp Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Bên cạnh đó, phương thức này cũng giúp Việt Nam chủ động hơn trong quá trình vận hành, bảo trì, sửa chữa, hạn chế sự phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài, cũng như giảm chi phí phát sinh, hạn chế tình trạng bị đội vốn.
Do vậy, việc định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải đảm bảo tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng, chủ đầu tư phải quy định rõ các điều khoản cụ thể về lộ trình, nội dung chuyển giao thông nghệ.
Chính phủ cũng cần ưu tiên lựa chọn các tổng thầu, nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ mới trong nước chưa có, nhưng ưu tiên sử dụng những sản phẩm công nghệ đường sắt mà doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất.
Về hành lang pháp lý, Nhà nước và ngành giao thông cũng cần sớm xây dựng, ban hành hệ thống các Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá xây lắp dự án để các doanh nghiệp, nhà thầu làm căn cứ để triển khai, tiếp cận công nghệ phù hợp. Đồng thời, Chính phủ cũng cần xây dựng những chính sách thúc đẩy công nghiệp đường sắt tốc độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ.
Để đảm bảo việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án, ngành giao thông cũng cần xây dựng Đề án phát triển công nghiệp với lộ trình rõ ràng và nguồn lực cụ thể để các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị.
Về vấn đề nguồn nhân lực, theo tính toán, dự án sẽ cần khoảng 240 nghìn công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13 nghìn 8 trăm nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn. Trong khi đây là lĩnh vực công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam do vậy, dự án cần quy định cụ thể các khoản mục chi tiêu liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trong suốt quá trình chuẩn bị dự án, xây dựng, mua sắm thiết bị, phương tiện đến vận hành bảo trì và gắn trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Từ nay đến năm 2027, thời điểm dự án chính thức khởi công, ngay từ bây giờ, ngành giao thông phối hợp với ngành giáo dục cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược đào tạo đội ngũ nhân lực về đường sắt tốc độ cao. Thông qua các chương trình đào tạo mới, gắn với thực tiễn để đào tạo đội ngũ kỹ sư xây dựng, vận hành, bảo trì chất lượng cao phục vụ cho dự án. Chỉ khi có nguồn nhân lực tốt, Việt Nam mới có thể tiếp nhận, vận hành công nghệ của các nước trên thế giới, đồng thời tự nghiên cứu “nội địa hóa” công nghệ đường sắt cao tốc.
Đào tạo nguồn nhân lực cho dự án bao gồm đào tạo nâng cao kỹ năng cho đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật... sẵn có và đào tạo nguồn nhân lực trong các trường đại học để chuẩn bị nguồn nhân lực đường sắt tốc độ cao trong trung và dài hạn. Điều quan trọng là cần phải tin tưởng vào trình độ của các nhà khoa học, các kỹ sư trong nước.
Dự án đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài hơn 1.500km, trong đó có 60% kết cấu cầu, 10% kết cấu hầm và còn lại là kết cấu nền đất. Theo nhiều ý kiến, dự án sẽ mang lại cơ hội lớn cho các nhà thầu xây lắp hạ tầng giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao nên các doanh nghiệp Việt muốn tham gia cần chủ động chuẩn bị về nhân lực, thiết bị, tài chính.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cùng nhau liên kết, hợp tác chủ động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc, hợp lực để tiếp tục nghiên cứu cải tiến, phát triển, từng bước làm chủ công nghệ , phấn đấu sớm xây dựng một công nghệ đường sắt tốc độ cao “made in Vietnam ”