Đê bao nghìn tỉ thi công chưa xong đã liên tiếp bị sạt lở

Để ngăn lũ, kiểm soát mặn và tiêu úng cho 4 địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, Vĩnh Long đã triển khai xây dựng công trình đê bao ven sông Măng Thít với tổng số vốn gần 1.500 tỉ đồng, chiều dài 47km. Nhưng hạng mục công trình xây dựng chưa kịp xong thì liên tiếp bị sạt lở

Có nơi sụp đất tới 2-3 lần, làm người dân thấp thỏm, không biết đến bao giờ mới thật sự an toàn trong vòng bảo vệ của công trình nghìn tỉ này? 

Sinh sống và canh tác nông nghiệp tại vùng ven sông Măng Thít mấy chục năm nay, ông Bùi Văn Tấn - ngụ xã Tân Long Hội đã nhiều lần “trần thân” với cảnh nước lũ tràn về ngập hết vườn tược. Chưa kể, mùa mưa thì ngập úng, mùa hạn thì mặn “lăm le”.

Khi dự án đê bao sông Măng Thít triển trai, ông Tấn và bà con nơi đây rất mừng vì sẽ giúp việc đi lại thuận tiện, mùa màng được bảo vệ an toàn. Nhưng ngược với mong đợi, trong suốt 2 năm xây dựng, nơi này đã nhiều lần sạt lở làm cho nỗi lo chồng thêm nỗi lo. Lo nhất là mấy con nước sắp tới kèm mùa mưa đã về, làm cho việc canh tác của nông dân thêm khó khăn.

 

Theo ông Tấn, cách đây hơn 10 ngày, một đoạn đê khoảng 15m trước nhà ông chuẩn bị bơm cát thì bất ngờ sạt lở. Đây là tuyến đường lưu thông chính để người dân đi lại và mua bán nông sản, sạt lở xảy ra khiến người dân phải gửi xe máy, đi bộ một đoạn khá xa, việc vận chuyển nông sản rất vất vả.

Ông Bùi Văn Tấn - ngụ ấp Thanh Long, xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Nguyên nhân sạt lở lần thứ 2 này là do một đoạn dài chừng 35m không có đóng một cây cừ nào hết. Theo tôi là nông dân, dù đắp một cái đập tôi cũng phải đóng cừ, còn đằng này không có một cây cừ nào hết. Có cây cừ mới có chịu lực được để mình đổ đá trong và đá ngoài. Còn đằng này cứ mua đá mua đất về đổ xuống thì không có lực gì chịu nỗi nên nó phải sạt lở thôi."

Cũng công trình này đoạn qua ấp Tân Phong, xã Tân Long Hội, ngày 18/7/2022 đã xảy ra sạt lở với chiều dài 35m, rộng 7m, sâu từ 7m. May mắn không ảnh hưởng đến người và tài sản.

Trước đó, đoạn đê bao cũng bị sụp đất tại địa phận ấp Tân An, xã Chánh An. Đoan bị sụp dài 40 m, rộng 10m, sâu 7m, cắt đứt tuyến đường giao thông. Để giải quyết tình thế cấp bách, đoạn sụp đất được gia cố bằng cọc dừa và bao cát để chống tràn và mở lối đi tạm cho người dân qua lại.

Ông Đặng Trương Hoài Linh, khi đó là Phó chủ tịch UBND xã Chánh An, huyện Mang Thít cho biết: "Về biện pháp khắc phục trên gốc độ của Chính quyền địa phương chưa đảm bảo lâu dài đề nghị chỗ đơn vị thi công  nghiên cứu đưa ra giải pháp công trình đảm bảo sử dụng lâu dài."

Trong tổng chiều dài đê bao 47km thì đã có 19km đi qua địa phận huyện Mang Thít. Và trong quá trình triển khai thi công nơi đây đã xảy ra 9 điểm sạt lở với tổng chiều dài 514 m. Gây ảnh hưởng tới đời sống người dân và tiến độ thực hiện tuyến đê bao này. Đến nay, đơn vị thi công đã gia cố hoàn thành 7 điểm với chiều dài 237 m.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long), đơn vị làm chủ đầu tư dự án cho biết lý do xảy ra hàng loạt điểm sạt lở và thời gian gia cố nhanh nhất:

"Do khu vực đất ở đây là nền đất yếu, đoạn sông cong, dòng chảy khu vực này rất phức tạp nên tình hình sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, một nguyên nhân gây sạt lở là vì sông Măng là tuyến đường thủy nội địa quốc gia rất quan trọng nên có rất nhiều tàu bè tải trọng lớn lưu thông. Trong tháng 7 này mình sẽ gia cố các điểm sạt lở xong dứt điểm."

 

Năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Long có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Đê bao sông Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2) với số tiền 262 tỉ đồng. Nâng tổng mức đầu tư dự án lên trên 1.458 tỉ đồng.

Dự án được thực hiện trên địa bàn các huyện: Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn. Khi hoàn thành, dự án sẽ kết hợp đồng bộ với hệ thống công trình thủy lợi khu vực, góp phần chủ động ngăn lũ, triều cường, tiếp ngọt, giữ ngọt trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiện nay, tại một số địa phương có đoạn đê bao đi qua có nơi chỉ còn khoảng 500m nữa là hoàn thành thi công. Thế nhưng mới xong hôm trước, hôm sau lại sạt. Điều này đòi hỏi Chủ đầu tư phải có phương pháp thi công chắc chắn, khoa học, để khi dự án hoàn thành, bàn giao sử dụng sẽ phát huy công năng đúng như thiết kế và không “lãng phí” số tiền đầu tư của ngân sách nhà nước và địa phương.