ĐBSCL: Vẫn “ngổn ngang” cung ứng xăng dầu

thời gian qua, giá xăng dầu trong nước biến động liên tục, đỉnh điểm vào 21/6/2022, giá xăng RON 95-III thiết lập kỷ lục lên mốc 32.870 đồng/lít, đến đầu tháng 10/2022, giá xăng dầu giảm đáng kể dao động ở mức hơn 21 ngàn đồng/lít. Nhưng từ đây, thị trường xăng dầu vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Nhiều ngày qua, hầu khắp các tỉnh, thành ĐBSCL xảy ra tình trạng các điểm kinh doanh thiếu nguồn cung xăng dầu cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ðể đảm bảo nguồn cung, tránh đứt gãy, ngành chức năng đã tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường, đồng thời trợ lực cho các thương nhân phân phối liên hệ các đầu mối để hỗ trợ tìm nguồn cung.

Dù các cấp, ngành và địa phương đã bàn bạc, kiến nghị nhiều giải pháp nhưng vấn đề xăng dầu vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thời gian qua, tại tỉnh Đồng Tháp, rất nhiều cây xăng “cửa đóng then cài”. Có trạm thì mở cửa, nhân viên bán hàng vẫn ngồi đó, nhưng cạnh bên thì treo bảng “hết hàng”. Có nơi thì chỉ còn dầu, xăng thì không có. Người dân đi đường ai cũng ngao ngán vì bình đã cạn xăng, mà chưa tìm được chỗ để mua.

Tình trạng này cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành ền Tây. Hàng loạt cây xăng phải đóng cửa để cắt giảm lỗ. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Chi nhánh Petrolimex Sóc Trăng, cho biết, nửa tháng qua, chi nhánh Petrolimex Sóc Trăng vẫn đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung trong hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc gồm 31 cửa hàng và 14 đơn vị kinh doanh nhượng quyền. Hàng ngày số lượng xăng dầu bán ra rất cao, thậm chí tăng gấp đôi so với những ngày bình thường, nhưng đây lại là áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Ông Hồng chia sẻ: Thông thường, riêng 31 cửa hàng của Petrolimex là bán khoảng 150m3/ngày, tới thời điểm này là 300m3. Tức là các cửa hàng tư nhân đóng cửa hoặc là bán cầm chừng thì dồn qua Petrolimex tạo sức ép rất là cao.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 258 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với khoảng 410 cửa hàng bán lẻ, 37 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý… tham gia cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Hiện, hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng chưa có chuyển biến tốt khi hoa hồng chỉ bằng 0, hoặc 100 đồng/lít.

Xăng dầu hết hàng ngay trước ngày điều chỉnh 11/10 vừa qua cũng khiến nhiều người nghi vấn là doanh nghiệp găm hàng đợi giá cao. Thế nhưng, một số doanh nghiệp bán lẻ tỏ ra bức xúc vì “có hàng bán đâu mà găm”.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu hụt xăng dầu thời gian qua được chính các doanh nghiệp thừa nhận đó là doanh nghiệp đầu mối đã không nhập hàng hoặc giảm tối đa lượng hàng nhập khẩu khiến thị trường “đứt” nguồn cung.

Trong quý 3 vừa qua, chỉ có 19 trong tổng số 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khiến sản lượng nhập khẩu đối với xăng giảm đến 40% và giảm 35% đối với dầu DO. Có thể thấy, bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực cung ứng cho thị trường lúc khó khăn thì có không ít doanh nghiệp đầu mối cũng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình đó là nhập hàng, xuất hàng cho thị trường.

Quan trọng hơn, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành lỗi nhịp với biến động bất thường của giá xăng dầu thế giới: Điều đáng nói ở đây là những chi phí nằm trong công thức giá đấy thì chúng ta vẫn áp dụng và sử dụng những chi phí mà được xác lập từ năm 2014 mà chưa được rà soát lại, chưa được hiệu chỉnh lại.

Mà rõ ràng từ 2014 khi lạm phát, rồi là những chi phí gia tăng trong vận tải, chi phí về tỷ giá, lãi suất nó cũng đã có những thay đổi rồi - mà chúng ta cũng chưa tính toán và rà soát một cách hết sức kịp thời. Nhưng đặc biệt là có những phụ phí bắt đầu từ tháng 7, đáng lẽ chúng ta phải áp dụng những phụ phí thực tế của doanh nghiệp khi chúng ta lại chưa điều chỉnh kịp thời - những phụ phí mà chúng ta đã tính từ đầu năm năm trước - dẫn đến việc tính thiếu cho các doanh nghiệp...

Trước rất nhiều nguyên nhân khiến cho không chỉ ĐBSCL mà trên cả nước vẫn “ngổn ngang” tình trạng cung ứng xăng dầu, tại các cuộc họp thời gian gần đây, lãnh đạo các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi hai công ty lọc hóa dầu trong nước là Bình Sơn và Nghi Sơn điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ: Làm việc với 2 nhà máy lọc dầu thì Bộ cũng đề nghị hai nhà máy lọc dầu này có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho các doanh nghiệp đã đặt mua hàng cho các hợp đồng đã ký; hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy. Nhưng có nhu cầu mua ngay để bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất của hai nhà máy lọc dầu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng sản lượng sản xuất xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu các loại, trị giá 6,8 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về trị giá so với cùng kỳ. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, lượng tồn kho xăng dầu của một số doanh nghiệp xăng dầu lớn hiện bảo đảm cung ứng và có thể chia sẻ cho các thương nhân phân phối để duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường trong thời gian tới đây.

Nhưng thực tế, các cấp ngành cũng cần phải có những chiến lược lâu dài. Chuyện đường dài của ngành xăng dầu vẫn phải là quản cho được dự trữ của doanh nghiệp đầu mối và bắt buộc phải có những kho dự trữ quốc gia với số ngày dự trữ cao nhất có thể. Chỉ khi nắm trong tay lượng dự trữ lớn, sự điều hành của Nhà nước mới chủ động được về nguồn cung và ngành xăng dầu mới tránh được những “cú sốc” thiếu xăng dầu cục bộ.

Trước những khó khăn về xăng dầu chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL đã tích cực tham mưu UBND các tỉnh, thành phố kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có hướng giải quyết, giúp địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trên tình thần “lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ”.