ĐBSCL vẫn “khát” cát xây dựng

Việc thiếu cát san lấp, xây dựng ở ĐBSCL ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án, công trình. Ngoài ra, việc khan hiếm nguồn cát, kéo theo giá cát tăng, điều này buộc các địa phương phải có những giải pháp căn cơ, phục vụ cho các công trình trọng điểm.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, một số loại vật liệu xây dựng nhất là nguyên liệu cát san lấp mặt bằng, cát xây giá vẫn ở mức cao và khan hiếm, dù ngành chức năng đã nỗ lực để bình ổn các mặt hàng này.

Trong khi đó, nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp và các công trình trọng điểm đang cần nguồn vật liệu cát, cần có giải pháp căn cơ hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều công trình giao thông trọng điểm tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang và sẽ triển khai cấp bách. 

Theo ghi nhận của PV, thời điểm này, giá cát phục vụ xây, đổ bê tông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có giá từ 280.000 - 300.000 đồng/khối (tùy loại) tăng khoảng 70.000 đồng/khối so với thời điểm đầu năm nay.

Riêng cát phục vụ san lấp mặt bằng các công trình xây dựng giá cũng ở mức trên dưới 150.000 đồng/khối (tùy vận chuyển xa gần) tăng 30.000 - 40.000 đồng/khối so với đầu năm.

Nguyên nhân dẫn đến giá tăng cao là tại địa bàn tỉnh Tiền Giang các mỏ cát hiện nay đều đã hết giấy phép khai thác.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại Tiền Giang phải đưa sà lan đến các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang hay biên giới Campuchia để mua cát chở về mất thời gian và tăng chi phí.

Đồng bằng Sông Cửu Long đang thiếu cát xây dựng (ảnh: TTXVN)

Ngoài ra tại địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có nhiều công trình trọng điểm rất cần nguồn vật liệu cát như: dự án kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), cầu Rạch Miễu 2, mở rộng, nâng cấp các tỉnh lộ, huyện lộ... nên mặt hàng cát rất hút hàng, khan hiếm gây áp lực cho các nhà thầu.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, chủ doanh nghiệp xây dựng tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Cát một khối tăng khoảng 70.000 đồng. Đầu năm 2022, có giá có 200.000 - 210.000 đồng/khối thôi, thời gian gần đây lên 280.000 - 290.000 đồng/khối. Không chỉ tăng giá cát còn khan hiếm, đồng bằng sông Cửu Long khu vực khai thác gần hết. Các cơ sở cung cấp tăng cường đi mua cát từ Campuchia về. Nhà thầu thiệt thòi, nếu các công trình lớn mà giá cát ở mức này thì lỗ chắc”.

An Giang, Đồng Tháp lâu nay được xem là “túi cát” của khu vực. Tỉnh An Giang hiện có 9 khu mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng diện tích 440,84ha, tổng trữ lượng gần 19,8 triệu m3, tổng công suất 4,24 triệu m3/năm.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài tuyến 188,2km với tổng mức đầu tư trên 44.691 tỉ đồng. Đoạn qua địa phận tỉnh An Giang là 57km, bắt đầu từ xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc, An Giang) đến huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ). Về nguồn cát đã được tỉnh An Giang chuẩn bị sẵn sàng, nếu địa phương nào cần thì tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh: “Để đảm bảo nguồn cát san lấp, đoạn thuộc địa bàn tỉnh An Giang thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng đề án tổng hợp các nguồn cát thu hồi trên địa bàn tỉnh gồm có mỏ cát nạo vét, thông luồng, rồi chỉnh trị dòng chảy… để trình BTV Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương thực hiện. Dự kiến 57,2km sẽ dùng 6 triệu m3. Về phía UBND tỉnh cũng đã chuẩn bị hết sức đầy đủ, đảm bảo nguồn cát phục vụ tuyến này”.

Nhu cầu cát lòng sông dùng trong san lấp mặt bằng tại các tỉnh ĐBSCL hiện rất lớn, do đang triển khai nhiều công trình quan trọng. Thành phố Cần Thơ đang khó khăn về vật liệu xây dựng như: Cát, đá... trên địa bàn khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thi công 2 dự án cao tốc (Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng).

Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng do đặc thù tỉnh không có mỏ đá, phần lớn các dự án đều phải mua từ các tỉnh bạn vận chuyển về. Ngoài ra, thời điểm triển khai dự án trùng với nhiều dự án giao thông lớn trong khu vực nên khả năng khan hiếm về vật liệu đắp nền là rất cao.

Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ngày càng hạn chế (ảnh: bnews)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, trong năm 2022, nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn Tỉnh khoảng 16 triệu m3. Tuy nhiên, theo rà soát, trữ lượng khai thác tối đa chỉ hơn 6 triệu m3. Sắp tới, khi Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL triển khai các dự án đường bộ cao tốc thì nhu cầu cát san lấp sẽ càng lớn. Ước tính sơ bộ, giai đoạn 2022 - 2025, riêng nhu cầu của Đồng Tháp đã lên đến hơn 37 triệu m3 cát san lấp và xây dựng.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm cát san lấp, Tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo doanh nghiệp khai thác cát tại địa phương ưu tiên cung cấp cho nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp trọng điểm trên địa bàn Tỉnh và các cao tốc trọng điểm quốc gia.

Về lâu dài, tỉnh đã khảo sát đánh giá trữ lượng cát trên địa bàn và đang tiến hành tích hợp quy hoạch mỏ khai thác cát vào quy hoạch Tỉnh. Cuối năm 2022, khi quy hoạch được thông qua, tỉnh sẽ cấp phép khai thác mỏ mới, tăng công suất đối với mỏ đang khai thác để giải quyết căn cơ vấn đề này.

Khan hiếm nguồn cát xảy ra ở hết các tỉnh ĐBSCL. Theo Bộ GTVT, Dự án cao tốc, khối lượng rất lớn, do đó phải có bộ hồ sơ về các mỏ vật liệu. Nhiều vùng chưa có mỏ phải bổ sung vào và khắc phục. Theo ước tính sơ bộ khi thực hiện một số tuyến cao tốc ở ĐBSCL đã cần đến gần 39 triệu khối cát rồi. Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tích cực cho các địa phương trong thực hiện cao tốc.

Có thể nói, cát đắp nền, cát xây dựng khan hiếm, đắt đỏ đang là khó khăn chung của nhiều tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, với sự nỗ lực Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương mong rằng bài toán thiếu cát sẽ được giải quyết, để các công trình, dự án được triển khai đúng tiến độ, đưa vùng đồng bằng phát triển nhanh, sánh vai với các vùng khác trong cả nước.