ĐBSCL quyết tâm “vượt trũng” bằng hạ tầng giao thông mới

Hiện nay, ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng với quyết tâm đến cuối năm 2025, vùng sẽ có 600km đường cao tốc.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Tổng chiều dài dự án là hơn 175km, có điểm đầu tại cửa khẩu Hà Tiên và kết thúc ở TP. Bạc Liêu.

Dự án sẽ được khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2030, với tổng mức đầu tư 80 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Nghe được thông tin này, ông Châu Viết Bình, ngụ tại tỉnh Bạc Liêu mừng vui khắp khởi vì cao tốc sẽ giúp người dân thuận tiện giao thương hàng hoá với nước bạn Campuchia: “Có chủ trương Nhà nước xây cao tốc là coi như mình đã đi trước một bước. Sau này, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn. Mình thấy được lợi ích chung, đành rằng định mức bồi thường theo thực tế thì không cao, đôu khi ảnh hưởng đến mảnh ruộng sinh kế nhà mình. Nhưng mình phải nghĩ cho đời con cháu sau này, nó có đường sá để đi, mua bán dễ dàng”.

ĐBSCL hiện có 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công H3: Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL. ( Ảnh: Châu Anh)

Cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu là dự án thứ 10 sẽ được triển khai tại ĐBSCL. Hiện nay, khu vực ĐBSCL đã triển khai 9 dự án, gồm: cao tốc Bắc-Nam ( Cần Thơ – Cà Mau); Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu; Mỹ An - Cao Lãnh; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Dự án cầu Rạch Miễu 2; cầu Đại Ngãi. Riêng cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ khởi công đầu năm 2025.

Toàn vùng đã có 120km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác; 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Riêng 215 km đang được nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư, gồm: Đức Hòa - Mỹ An (74km), Mỹ An - Cao Lãnh (26km), Hà Tiên - Rạch Giá (100km), cầu Cần Thơ 2 (15km).

Chủ đầu tư 8 Dự án hiện tại cũng tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (chủ đầu tư Dự án thành phần 2, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) cho biết: “Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, tỉnh Tiền Giang sẽ cung cấp cho Dự án khoảng hơn 4 triệu m3 cát; đang thăm dò để đánh giá trữ lượng cát cung cấp. Nếu được cung cấp thêm lượng cát này, Ban sẽ tăng cường thi công quyết liệt để đảm bảo đúng tiến độ dự án. Đồng thời chúng tôi cũng đã yêu cầu địa phương di dời đường dây điện hạ thế sớm để chúng tôi thi công”.

Phấn đấu để vào năm 2026 toàn vùng ĐBSCL sẽ có 600km đường cao tốc (Ảnh: Châu Anh)

Qua khảo sát của các địa phương ở ĐBSCL, hiện nguồn cát sông là 72 triệu m3, trong khi nhu cầu là 65 triệu m3. Thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông đã hoàn thành, với tổng trữ lượng 34 triệu m3. Để đảm bảo tiến độ, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tiếp tục nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nhanh chóng hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ trong tháng 10/2024.

Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (1 trong 3 địa phương được giao nhiệm vụ cung ứng cát cho các Dự án cao tốc ở ĐBSCL và TP. HCM) cho biết: “Cung cấp cát cho đường Vành đai 3 thì tỉnh đã hoàn thành mặc dù Vĩnh Long rất khan hiếm cát. Hiện nay Vĩnh Long còn tới 90 dự án trên địa bàn, thiếu 2 triệu mét khối cát. Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng thì tỉnh cũng đang thực hiện theo yêu cầu nhưng do các mỏ này trước đây được cấp phép theo hình thức thương mại, hiện giờ đổi lại cấp phép theo cơ chế đặc thù thì phải có quy trình rút giấy phép thương mại lại nên nó tốn thời gian”.

Ông Đỗ Minh Châu, Phó giám đốc công ty CP Đầu tư xâu dựng và kỹ thuật VNCN E&C – đơn vị khai thác mỏ các biển B1 của tỉnh Sóc Trăng cung ứng cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cho biết: “Công suất yêu cầu 30.000 khối/ngày, năng lực huy động đến thời điểm này thì chúng tôi khai thác 15.000 khối/ngày. Từ nay đến cuối tháng sẽ cố gắng khai thác 30.000 khối/ngày”.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm 3 vướng mắc là: giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế và cung ứng vật liệu (cát, đá, sỏi). Các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024. Nỗ lực đạt mục tiêu, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL đến hết năm 2025 và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được để nhà thầu, công nhân cô đơn trên công trường. Hình ảnh ghi lại một chuyến thăm công nhân thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. ( Ảnh: Châu Anh)

Cách nay 2 năm, ĐBSCL vẫn còn là “vùng trũng” trong bản đồ giao thông cả nước. Các trục huyết mạch, như: cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ – Cà Mau, quốc lộ Nam Sông Hậu, Quản Lộ Phụng Hiệp, cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu, Hàm Luông, Cao Lãnh, Cái Lớn..., được xem như những “chiếc đũa vàng” nối mạch ĐBSCL với TP. HCM, ền Đông Nam bộ. Dù vậy, nhiều dự án thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu..., vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của vùng để triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn, giai đoạn 2021 - 2025, cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550 km cao tốc trong vùng. Đây là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả vùng.

Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục hoàn thành khoảng 637 km với nhu cầu vốn ước tính trên 200.000 tỷ đồng gồm cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 15 km, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (qua Long An dài 21 km), đoạn Đức Hòa - Mỹ An dài 74 km, đoạn Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, đoạn An Hữu - Trà Vinh dài 90 km, đoạn Trà Vinh - Hồng Ngự dài 68 km và tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Sóc Trăng dài 150 km.

Để hoàn thành khối lượng khổng lồ này, Bộ GTVT xác định cần có giải pháp tối ưu về nguồn vốn, vật liệu san lấp làm nền đường và đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng quyết định đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Do vậy cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tại mỗi địa phương.

Giải giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn cho giao thông ền Tây, cần cách tiếp cận mới, đòi hỏi phát triển giao thông gắn với phát triển hạ tầng logistics, kết nối với công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương; cần xác định quan điểm phát triển rõ ràng, có tư duy hệ thống, đảm bảo yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Đồng thời, sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả và đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình.

Kỳ vọng những chỉ đạo liên tục và xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ đối với các bộ, ngành trung ương và địa phương, đến hết nhiệm kỳ này, ĐBSCL “vượt trũng” bằng một diện mạo mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đồng bằng châu thổ Cửu Long.