ĐBSCL: Lại nỗi lo thiếu trường lớp, giáo viên

Ngành Giáo dục các địa phương đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, mà hơn cả là cơ sở vật chất không đảm bảo và tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên.

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, mỗi ngày tỉnh Vĩnh Long vẫn ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới COVID-19, trong đó không ít các trường hợp F0 là học sinh và giáo viên ở các cấp học. Nhiều giáo viên đã phải nghỉ dạy để theo dõi sức khoẻ. Do đó, nhiều trường rơi vào tình cảnh loay hoay tìm giáo viên thay thế. Dịch bệnh phức tạp, các cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn về kít xét nghiệm cho đội ngũ giáo viên, nhân viên.

Bấy giờ, các trường học, khối lớp ở Vĩnh Long đang chuẩn bị phương án dạy trực tuyến, nhằm ứng phó trường hợp dịch bệnh có thể tiếp tục khó lường; quan trọng là đảm bảo nguồn lực đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Bà Trương Thanh Nhuận – Giám đốc Sở GD – ĐT cho biết: “Phương án dạy trực tiếp tương ứng với cấp độ dịch. Đề nghị UBND các huyện thị xã, thành phố, khi xác định được cấp độ dịch trên địa bàn, xã phường, thì chúng ta sát định được các hoạt động giáo dục để tổ chức cho học sinh học trực tiếp hay học trực tuyến. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và địa phương để thống nhất trong chỉ đạo. Có như vậy thì chúng ta mới tập trung được nguồn lực để dạy và học cho học sinh”.

Thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh, vỏn vẹn 1 tháng tổ chức dạy và học trực tiếp, Vĩnh Long ghi nhận hơn 2.500 học sinh và trên 500 giáo viên dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Nhờ linh hoạt trong kịch bản ứng phó, những trường hợp nhiễm bệnh đều được hỗ trợ, xử lý đúng quy trình theo hướng dẫn của Ngành Y tế. Đồng thời, các trường căn cứ vào tình hình thực tế để đảm bảo bổ sung kiến thức theo chương trình môn học cho học sinh.

Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên đã tồn tại nhiều năm qua ở các tỉnh thành ĐBSCL, nay càng thấy rõ qua những tác động của dịch COVID-19. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh đang thiếu nguồn giáo viên, nhất là môn Âm Nhạc, Mỹ Thuật, Tiếng Anh và Tin học. Ngoài nguyên nhân là thiếu nguồn tuyển dụng còn do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nên cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy trực tuyến chưa được đảm bảo yêu cầu.

Trong khi đó, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, cũng như các tỉnh khác, Bạc Liêu không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, mà còn thiếu giáo viên để địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. 

Đáng nói, nghịch lý hiện nay đang tồn tại là tình trạng không chỉ thiếu mà còn…thừa giáo viên cục bộ! Điển hình như tại Cần Thơ, theo Lãnh đạo Ngành giáo dục Thành phố cho biết điều này đang gây khó khăn trong việc phân công giảng dạy, nhất là thời điểm đầu năm học. Cụ thể, cấp tiểu học nhiều bất cập trong bố trí giáo viên Tiếng Anh, tin học.

Cấp THCS cũng chưa có nguồn giáo viên ngoại ngữ có trình độ đào tạo ngoài Tiếng Anh, riêng cấp THPT chưa có giáo viên phụ trách dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ 2. Về cơ bản, đội ngũ giáo viên các cấp học đảm bảo quy định về số giáo viên trên lớp nhưng một số nơi vẫn còn thiếu, trong khi một số nơi lại thừa...

___

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Kênh Podcast chuyên biệt đầu tiên về đời sống của người dân vùng đất phương Nam: "Chuyện Mekong" trên nền tảng thiết bị di động; bằng cách truy cập vào các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); sau đó gõ từ khóa: Chuyện Mekong.