Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu?

Tiền tỷ đổ vào cầu đường, vào phân làn, vào lát đá, và rất nhiều hoạt động khác trong giao thông, không phải lúc nào cũng phát huy hiệu quả như mong đợi. Có những lãng phí nhìn thấy ngay, có những lãng phí nhiều năm sau mới “hiện hình”.

Nhưng tất cả đều là tiền ngân sách, tiền đóng thuế, tiền vay nợ chia lên đầu từng người dân… Sự lãng phí trong giao thông cần được nhận diện thế nào? Và, đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu?

Cùng tìm câu trả lời trong Diễn đàn 91, 12h30 thứ Năm (19/12), trực tiếp trên FM91 và vovgiaothong.vn với chủ đề: “Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu?” 

Cùng sự tham gia của 2 vị khách mời: Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển; Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và 2. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.

BỨC XÚC VÌ NHIỀU CÔNG TRÌNH GÂY LÃNG PHÍ

Thường xuyên nghe VOV Giao thông, nên sau khi theo dõi tuyến bài về tình trạng lãng phí trong giao thông, anh Đoàn Đức Thành (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất đồng tình và cho rằng thông tin đã phản ánh gần như đầy đủ về vấn đề bức thiết cho của giao thông Hà Nội và các thành phố lớn khác.

Theo anh Thành, tình trạng lãng phí trong việc tổ chức giao thông, phương án điều tiết giao thông thiếu hiệu quả, gây bức xúc rất lớn cho những người tham gia giao thông hàng ngày: "Hiện tại, nhất là vào dịp cuối năm, chúng ta thay đá vỉa hè, rồi làm lại đường, đào xới lên để sửa sang, chỉnh trang. Bởi vậy, mình thấy khi Thành phố hoặc trung ương đầu tư các công trình giao thông, nên chăng phải có sự tính toán lâu dài hơn, tránh tình trạng khi làm xong rồi, công trình rất đẹp đẽ.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau chúng ta lại đào lên, lúc thì chôn dây diện, chôn đường ống nước, gây ách tắc giao thông, khó chịu cho người tham gia giao thông, gây ra sự không đồng bộ, chắp vá".

Tình trạng người đi bộ băng cắt qua đường, dù cầu bộ hành, hầm bộ hành ở ngay cạnh, xảy ra khá phổ biến

Anh Thành Lê, quản trị Diễn đàn otofun cũng chỉ ra, cùng với sự lãng phí từ việc tổ chức giao thông, phân luồng phương tiện, còn có sự đầu tư công trình không đúng chỗ: "Ngay đầu nhà tôi chỗ Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt đi bộ, nhưng rất nhiều người chọn cách đi bộ đi ngang qua đường, không lên cầu. Hoặc cầu vượt trên đường Nguyễn Chí Thanh, chỗ Trường Đại học Luật, sinh viên đi rất ít, mà đi dưới đường luôn. Cơ quan quản lý có lẽ chưa tuyên truyền đủ, đã làm những công trình đó mà không được sử dụng hiệu quả thì cũng có một phần trách nhiệm trong đó"

Tán thành những ý kiến nêu trên, cũng như những thông tin do VOVGT đề cập, anh Nguyễn Mạnh Thắng (ở Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, việc người dân không sử dụng, không khai thác hết công suất công trình cũng phần nào thể hiện khả năng khảo sát và lập quy hoạch chưa sát thực tế, dẫn đến lãng phí: "Những người làm về lĩnh vực giao thông phải nghiên cứu để tìm hiểu công năng, mức độ sử dụng của người dân đang ở mức nào, có dùng nhiều không thì mới nên làm. Còn nếu làm mà không tìm hiểu, không hỏi ý kiến người dân có cần thiết không để làm thì mới làm, chứ cứ trình lên Nhà nước rồi làm thì đương nhiên dễ gây thất thoát, lãng phí rồi"

Một số ý kiến cũng đồng tình với thực trạng Hà Nội còn nhiều dự án, công trình giao thông gây lãng phí và cho rằng, tình trạng lãng phí trong giao thông ở Hà Nội còn thể hiện ở nhiều mặt:

"Ngay trên đường Cổ Linh, một con đường rất đẹp nối từ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến cầu Vĩnh Tuy, nhưng hiện tại đang bị đào xới lên mà mình chưa biết là phục vụ công trình gì"

"Cầu trên cao từ cầu Vĩnh Tuy sang Nguyễn Trãi mấy ngày đầu rất thông thoáng, nhưng chỉ được thời gian đầu thôi, bây giờ ngay fnaof từ đầu bên kia về đường Nguyễn Trãi đều tắc vô cùng. Khi mức đầu tư lón như vậy nhưng hiệu quả mang lại không cao thì mình thấy nó cũng rất lãng phí"

"Những công trình sửa chữa đường nhiều lúc nó quây rào tôn để rất lâu, rất khó đấy"

KHÓ NHƯNG KHÔNG PHẢI KHÔNG XỬ LÝ ĐƯỢC

Để đẩy lùi lãng phí trong lĩnh vực giao thông, tránh lặp lại những lãng phí lớn đã và đang diễn ra, ông Lê Văn Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng, cần sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng khi đầu tư các dự án:

"Trước khi triển khai các dự án phải đầu tư nhiều hơn cho công tác chuẩn bị, đặc biệt là khảo sát hạ tầng, hành vi của người tham gia giao thông cũng như nhu cầu thực tế để có các giải pháp mang tính khả thi và bền vững. Thứ hai là cần cơ chế giám sát, đánh giá và hiệu chỉnh các hoạt động để kịp thời phát hiện các bất cập và tối ưu kịp thời".

Hà Nội ùn tắc ngày càng nghiêm trọng

Từ việc xác định và tìm nguyên nhân của những lãng phí trong giao thông, TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP HCM phải có giải pháp chống lãng phí trong từng khâu, từng giai đoạn của mỗi dự án giao thông: "Đầu tiên là chất lượng quy hoạch phải có trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; có đánh giá hiệu quả sau khi hoàn thành để khi triển khai người ta phải tính đến hiệu quả sử dụng, hạn chế những lãng phí lâu dài; đánh giá hiệu quả phải được nh bạch, phản biện rõ ràng. Xác định rõ trách nhiệm các bên, bên nào vi phạm phải chịu chế tài sẽ giúp hạn chế lãng phí"

TS. Đinh Văn Minh, Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhận định, đối với lĩnh vực giao thông, để giảm được lãng phí nằm chủ yếu ở trách nhiệm công vụ. Việc quy trách nhiệm để xảy ra lãng phí hiện đang gặp khó, nhưng khó không có nghĩa là không làm được:

"Chúng ta phải phân loại các dạng thức lãng phí để đối với từng loại, chúng ta quy kết trách nhiệm, có thể là trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm gián tiếp; xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vấn đề xây dựng kế hoạch, quy hoạch, hạ tầng, quy kết được thì tính toán được mà tính toán được thì kể cả trách nhiệm hành chính và trách nhiệm dân sự tức là đền bù có thể xem xét. Lãng phí tuy khó nhưng không phải không xử lý được"

Để chống lãng phí hiệu quả hơn, theo anh Đoàn Đức Thành, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), cần tăng cường sự giám sát và có thêm địa chỉ tiếp nhận những phản ánh của các tổ chức xã hội và người dân: "Như ở Hà Nội đang có app ihanoi thì chính quyền Hà Nội cũng lắng nghe ý kiến người dân khá nhiều qua đó, đấy cũng là một giải pháp. Thứ hai là khi tổ chức các dự án có thể lấy ý kiến nhanh người dân để ít nhiều gì người dân cũng biết sắp tới ở đây được tổ chức giao thông hoặc có công trình giao thông như vậy thì có ảnh hưởng gì đến cuộc sống, đi lại thế nào; người dân có hưởng ứng, có thấy mang lại hiệu quả không".