Dấu xưa chợ Dinh

Dù tên làng, tên ấp hay tên xã nhưng đối với người dân xứ Gò Công thì cái tên xưa nhiều người vẫn còn nhớ gọi khi nói đến Đồng Sơn, đó là “Chợ Dinh”.

Chợ Dinh không chỉ là cái chợ của làng Đồng Sơn mà xa hơn, xưa hơn, nó còn có vai trò lịch sử rất đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử nhất định, trước cả chợ Gò Công sau này.

“Chợ Dinh” ngày nay nằm trên địa bàn ấp Thạnh Thới, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang mà người ta thường gọi “Chợ Đồng Sơn”. Tuy nhiên ít ai biết rằng, xưa kia Chợ Dinh lại là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa và là nơi sinh hoạt văn hóa lớn nhất vùng đất xứ Gò.

Trải qua mấy trăm năm lịch sử, dấu tích của Chợ Dinh ngày xưa hiện còn lại không nhiều, người có nghiên cứu và hiểu biết về Chợ Dinh xưa lại càng hiếm hoi hơn.

Chợ Dinh ngày xưa

Theo sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức, “Chợ Dinh” tại huyện Tân Hòa (nay thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) có nguồn gốc gắn liền với sự hình thành và phát triển của khu vực này dưới thời chúa Nguyễn. Tên gọi “Chợ Dinh” có khoảng từ năm 1831 đến năm 1841, vì lúc bấy giờ có dinh của tri phủ, tri huyện đóng gần đó. Chợ Dinh được hình thành từ nhu cầu giao thương và phát triển kinh tế khi người dân đến khai phá vùng đất mới ở Nam Bộ này.

Chợ Dinh ban đầu chủ yếu phục vụ nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của dân cư quanh vùng, đặc biệt là những người sống gần các "Dinh" hành chính và quân sự của khu vực. Ông Trần Phước Thọ, một người dân địa phương cho biết:

"Tên gọi Chợ Dinh xuất phát từ việc cái chợ nằm gần Dinh Tân Hòa của huyện Tân Hòa ngày xưa của khu vực Gò Công. Khi nhà Nguyễn vào Nam mới hình thành Dinh Tân Hòa. Cái Dinh này xem như là trung tâm quân sự, hành chính để quản lý khu vực này."

Ở Nam Bộ vào thời kỳ đầu của chúa Nguyễn, "Dinh" là đơn vị hành chính quan trọng, có quyền kiểm soát và quản lý một khu vực rộng lớn. Ví dụ như: Dinh Trấn Biên ở Biên Hòa hay Dinh Phiên Trấn ở Gia Định là những “Dinh” quan trọng trong việc cai quản các vùng đất mới khai phá ở Nam Bộ.

Các "Dinh" này không chỉ có vai trò quản lý hành chính mà còn là các trung tâm quân sự bảo vệ bờ cõi. Như vậy, "Dinh" trong "Gia Định thành thông chí" được hiểu vừa là một đơn vị hành chính, vừa là một địa điểm chiến lược về quân sự.

1 góc buôn bán của chợ Dinh ngày nay

Ông Nguyễn Văn Lăm, ngụ tại ấp Thạnh Thới, xã Đồng Sơn cho biết, Chợ Dinh ngày xưa là chợ đầu mối có quy lớn nhất khu vực, không chỉ phục vụ cho bà con vùng Gò Công mà bà con ở Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo ngày nay) hay tận ệt Long An bà con cũng qua đây mua bán trao đổi hàng hòa. Khi ấy đường bộ chưa phát triển, mọi việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đều bằng ghe, xuồng nên phía sau chợ có một bến đò phục vụ cho việc buôn bán, giao thương hàng hóa mà đến hôm nay, bến đò Chợ Dinh vẫn còn hiện hữu.

"Hồi xưa người ta vận chuyển bằng đò, xuồng máy, họ chở tới rồi bán ở đây. Bán đủ thứ, rau cải, tạp hóa, quần áo, đủ thứ hết. Hồi đó Bình Phục Nhứt cũng xuống đây đi, bên đối diện Thanh Đông, bên Long An cũng qua đây đi, rồi Tân Chánh, Bình Xuân cũng qua đây đi, rồi trong Đồng Thạnh cũng qua đây. Mà ngày xưa cái nhà lồng xây trên bãi đất trống, rồi dựng lên những cây cột được xây bằng gạch. Mỗi cây to khoảng 5 tấc."

Ngày trước, vùng Đồng Sơn có rạch Lá, thông với sông Tra. Con rạch này sâu và rộng. Lúc chưa khai phá, đây là vùng đất hoang du, đầm lầy, là nơi trú ngụ của cá sấu, muỗi vắt, và nhiều loài thú hoang khác. Khi người dân đến định canh, định cư vùng đất này, họ bắt đầu khai khẩn đất hoang, trồng lúa, trồng khoai.

Vì đây là vùng đất trù phú nhất nhì ở xứ Gò Công, đât đai phì nhiêu, màu mỡ, trồng lúa lúa xanh, trồng cây cây tốt, hoa màu sum xuê, nhiều người trở thành đại phú như ông phủ Kiêm, ông huyện Đậu nổi tiếng khắp vùng này.

Việc khai khẩn rất thuận lợi, dần dần dân chúng đến đông hơn, họ dựng ấp, lập làng. Khi cuộc sống người ta trở nên sung túc hơn, có của dư của để, bắt đầu họ tưởng nhớ đền thần linh, nhờ thần linh phù hộ mà ruộng vườn mới tốt tươi. Từ đó họ bắt đầu lập đình, lập ếu để thờ phụng, cúng bái tạ ơn thần linh.

Đồng Sơn Đinh Thị (Đình Đồng Sơn)

Song hành cùng với Chợ Dinh, 1 dấu tích xưa còn xót lại tại Đồng Sơn đó chính là “Đồng Sơn Đình Thị” (Đình Đồng Sơn). Theo ông Nguyễn Long Định - Trưởng Ban Phụng tự - ban Khánh tiết đình Đồng Sơn cho biết, Đình Đồng Sơn ban đầu Chỉ là một ngôi đình nhỏ nằm cách Chợ Dinh khoảng 3 cây số về hướng Tây. Sau đó Đình tiếp tục được dời về Đồng Thạnh với tên gọi Đình Trung Đồng Thạnh. Sau này do như cầu tín ngưỡng, cúng bái của người dân tăng cao, bên Ban Khánh tiết cho xây thêm ngôi đình thứ 2 với tên gọi “Đồng Sơn Đình Thị” vào năm 1901 nằm song song với Chợ Dinh.

"Cái đình này nó có từ năm 1901, mình nghĩ cái Chợ Dinh này nó phải có trước cái đình nên mới có tên gọi “Đồng Sơn Đình Thị”, nó mới có ngôi đình này. Gốc của cái đình này hồi xưa là ở trên kia. Sau này nó còn để lại cái đình nhỏ thôi. Hồi đó là cái gốc ở đó, sau này mấy ông mới dời về thực hiện cái đình ở trong kia, tức là đem về trong đó trước. Đình chính là “Đình Trung”, còn cái đình này gọi là “Đình Thị”. Xã này hồi đó có 2 cái đình."

“Đất lành chim đậu”. Trải qua thời gian xây dựng và phát triển, dân số ngày một đông hơn, đường sá cũng được mở rộng hơn và nhiều hơn để phục đời sống dân sinh, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Vùng đất Gò Công cũng được chia tách thành 4 đơn vị hành chính bao gồm thị xã Gò Công (nay là thành phố Gò Công), huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện cù lao Tân Phú Đông. Mỗi 1 đơn vị hành chánh như thế đều có từ vài đến vài chục cái chợ lớn nhỏ. Chính điều này đã làm cho Chợ Dinh mất dần đi vị thế độc tôn của mình.

Nhà lồng chợ Dinh

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Khu Chợ Dinh sầm uất và phồn thịnh ngày nào nay đã trở thành dĩ vãng. Trước kia, chợ buôn bán từ sáng sớm đến tận chiều tối. Còn ngày nay chỉ nhóm chợ vào buổi sáng nhưng cũng rất ít người đi. Người bán nhiều hơn người mua,việc mua bán cũng trở nên ế ẩm!

"Bây giờ nó giảm khoảng 90%. Hồi đó chỉ có 1 chợ này. Còn giờ thì Bình Phục Nhứt, Tân Chánh, Đồng Thạnh, … đâu đâu cũng có chợ nên chợ này giảm khoảng 90%. Nhiều chợ quá, ếm lắm!"

Đối với người dân Gò Công nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung, chợ Dinh không chỉ là nơi buôn bán nông sản, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày mà nó còn là nơi bảo tồn và lưu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Chợ Dinh với lịch sử hình thành lâu đời là một phần quan trọng trong bức tranh văn hóa và kinh tế của vùng đất này, phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại trong cuộc sống người dân.