Thực trạng này để lại những làng quê vắng bóng người, những hệ lụy: người già không được quan tâm chăm sóc; người vợ một thân mình nuôi con; đặc biệt là những đứa trẻ bị thiếu tình thương và nguy cơ thất học... Không giữ chân được lao động, đặc biệt lao động chất lượng cao đã góp phần khó thu hút đầu tư, phát triển tại các tỉnh trong vùng.
Cũng vì vậy, “Vùng Cửu Long” giàu tiềm năng tăng trưởng chậm và đang được ví là vùng “đi trước về sau”.
"Tết cha chở đi chơi, Tết về gặp cha được 1 lần… Hỏi cha ăn cơm chưa, khỏe không. Con chúc cha khỏe mạnh,… con nhớ cha."
Đó là những lời nói ngắt đoạn, nghẹn lại của em Dư Hoài Khương khi nhắc đến cha mình. Khi nói những lời này, mắt của cậu bé 11 tuổi đỏ hoe, nước mắt dần đọng rõ thành giọt. Khương quệt nhanh giọt nước mắt trào ra, cúi gằm mặt không trả lời tiếp những câu hỏi của chúng tôi được nữa.
Bà Nguyễn Ngọc Rỡ - nội Khương cũng khóc. Không gian buổi trò chuyện bỗng nặng đi để nhường chỗ cho xúc cảm của nỗi nhớ cha, nhớ con ào về.....
Từ nhỏ Hoài Khương đã ở quê với ông bà nội (xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) để cha là anh Dư Văn Thái đi làm xa. Nhà ít đất canh tác nên anh Thái đi làm xa ết để kiếm thu nhập. Cũng vì vậy, vợ anh đã bỏ đi biệt tích.
Anh Thái làm ở TP.HCM, chỉ dịp Tết Nguyên đán mới về. Cũng chỉ dịp đó, Hoài Khương mới được cha ôm trong lòng, được cha chở đi chơi. Vì vậy, cậu bé thiếu thốn tình thương của mẹ luôn rất, rất,… nhớ cha. Những giọt nước mắt của em, thể hiện cho sự thiếu thốn không gì bù đắp được:… “tình thương”….
Khi chúng tôi đến thăm nhà, Hoài Khương đang ăn cơm trưa, trước mắt em là chiếc điện thoại đang chiếu chương trình game. Khi lên ngồi cạnh bà Rỡ trò chuyện, Khương vẫn cầm chiếc điện thoại coi game ết.
Bà Rỡ cũng thường nhắc Hoài Khương học nhưng cũng chỉ dừng lại nhắc chứ không thể bắt buộc và cũng không biết gì để chỉ dạy: "Cô không biết dạy cháu học sao hết. Cô kêu con gáng lo học vậy thôi, ôn bài, lấy sổ coi đồ vậy thôi mà nó coi điện thoại không hà. La dữ lắm mà nó coi điện thoại tới 8 giờ, rồi mới ngủ. Giờ cũng không biết sao nữa."
Có một sự thật đáng buồn, Hoài Khương đang học lớp 5 nhưng đã đòi nghỉ học.
"Thằng này nghỉ học gì, dễ gì cho nghỉ. Nó đòi nghỉ… Mới bây lớn nghỉ học gì… Bây giờ tôi không có khả năng, tôi bệnh muốn chết, còn cha nó làm thì bấp bênh… Tới đâu tính tới đó, bây lớn nghỉ làm cái gì… Nó học nó gán rồi thì làm sao nó học nổi… Mai đóng 14 ngàn đó nội… Đóng tiền gì nữa… Đóng ba tiền dọn dẹp vệ sinh gì đó mà."
Đó là những chia sẻ của bà Rỡ và ông Dư Văn Em - chồng bà quanh việc cháu mình nghỉ học. Vợ chồng bà Rỡ đều ngoài 60 tuổi. Bản thân bà mang trong mình căn bệnh tim phải đi viện hoài; còn ông Em bị thần kinh tọa, liệt một chân. Vậy mà nhiều năm qua, họ căng sức vừa làm ông bà nội, vừa làm cha mẹ lo từ cái ăn, giấc ngủ đến việc học cho 2 cháu.
Ông Em không đồng ý cho Hoài Khương nghỉ học nhưng cách nào để đứa cháu mê chơi game tiếp tục học thì ông chưa nghĩ ra. Tương lai của Hoài Khương như thế nào không nói trước được nhưng có một điều chắc chắn: Dư Hoài Khang - anh trai của Hoài Khương đã nghỉ khi học xong lớp 5.
Số liệu từ Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 536.000 người trong độ tuổi lao động. Hàng năm, tỉnh giải quyết cho khoảng 25.000 người đi làm việc ngoài tỉnh. Vào năm 2021, lao động trở về địa phương sau dịch COVID-19 hơn 114.000 người. Đa số họ đều đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Cà Mau cho biết, thực trạng di dân tồn tại đã lâu, tỉnh Cà Mau rất nỗ lực, tìm cách để giữ chân người lao động, tuy nhiên, còn những tồn tại chưa khắc phục được:
"Cà Mau là tỉnh nông nghiệp, dân số tương đối đông nhưng về kết cấu hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của vùng, cả nước còn khó khăn, làm ảnh hưởng rất lớn đến kêu gọi và thu hút đầu tư. Từ đó, chưa tạo được nhiều sinh kế, việc làm cho người dân địa phương".
Tình trạng lao động đi tìm kiếm việc làm tại các tỉnh Đông Nam bộ của tỉnh An Giang còn nan giải hơn Cà Mau. An Giang có hơn 897.000 người trong độ tuổi lao động, năm 2023 có gần 210.000 người lao động rời quê, đi làm việc ngoài tỉnh.
Khi nhắc đến chuyện chồng mình đi làm ở TP. HCM, chị Naeng Sóc Ray (38 tuổi, ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cũng khóc. Chị không nói về lý do, tại sao lại xúc động đến vậy nhưng những gì chúng tôi có thể thấy là: Chị đang bế trên tay đứa con 1 tuổi bị bệnh, đứa con thứ 2 mới hơn 2 tuổi đứng cạnh bên và đứa lớn chị bảo: “đã đi học mẫu giáo”. Mình chị ở nhà chăm 3 đứa con để chồng đi làm lo cơm áo và… khi nhắc đến chồng, chị… khóc.
Chị Sóc Rây còn có thêm gánh nặng khi vợ chồng người chị gái gửi lại 3 đứa cháu để đi làm ở TP. HCM. Ông Chau Sươn - ông ngoại của tụi nhỏ hỗ trợ nuôi dưỡng các cháu:
"Nhà có 2 công đất, không làm mà mướn người ta làm. Một công 1 triệu/năm… Con đi thành phố làm tháng nó gửi cho 2 – 3 triệu để nuôi 6 đứa cháu ngoại nè. Đi học 3 đứa rồi, lớp 3, lớp 7 và 1 đứa mẫu giáo… Tôi không có gì để lo đi học đâu, cha mẹ nó lo sao lo."
Cạnh nhà ông Chau Sươn có 3 ngôi nhà đã khóa ngoài của các hộ gia đình đã di cư hết lên Đồng Nai làm công nhân. Cách đó không xa, bà Neang Rong đã 64 tuổi, đang một thân mình vừa nuôi người chồng tâm thần, còn nuôi 3 đứa cháu cho 2 người con đi làm ở Đồng Nai.
Chắc chắn rằng tại các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng An Giang, Cà Mau cũng sẽ còn nhiều những xóm làng đìu hiu. Rất nhiều trong số những người đi làm xa sẽ để lại những “khoảnh trống tình thương” và cả nguy cơ “lo không tròn cái chữ” cho thế hệ trẻ như những trường hợp chúng tôi đã đề cập.
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 của VCCI ĐBSCL đã chỉ ra, trong nhiều năm qua, lực lượng lao động tại ĐBSCL liên tục suy giảm số lượng, với xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Trong giai đoạn 2012-2022, lực lượng lao động của ĐBSCL đã giảm 8%, trong đó An Giang (-29%) chính là tỉnh đứng đầu; tiếp đến là Sóc Trăng (-17%). Nếu tiếp tục duy trì với tốc độ như vậy, trong khoảng 4 thập kỷ nữa, ĐBSCL sẽ mất một nửa lực lượng lao động so với hiện nay. Quá trình này dẫn đến già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lao động và gia tăng áp lực xã hội. Về lâu dài sẽ tác động rất tiêu cực đến sự phát triển của vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết, trừ thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19 năm 2021 – 2022 lao động di cư ngược về khoảng nửa triệu người, thì ĐBSCL luôn xảy ra tình trạng di dân. Tính trong khoảng 10 năm từ 2010 – 2020, có khoảng 1,1 triệu người rời ĐBSCL đến các trung tâm công nghiệp, trung tâm đô thị khác. Trong bối cảnh cứ 10 năm ĐBSCL sẽ mất đi dân số của 1 tỉnh, ông Lam đã dùng từ “cần nghiêm túc nhìn nhận” để nhấn mạnh vấn đề di cư đang diễn ra rất nghiêm trọng:
"Số lượng di cư không chỉ là trước và sau dịch mà đến nay, vẫn còn tình trạng người dân lại tiếp tục đi lên các đô thị, các trung tâm công nghiệp lớn khác. Đây là câu chuyện lập lại, cho thấy rằng bối cảnh và điều kiện tìm kiếm việc làm và phát triển kinh tê của ĐBSCL là vô cùng khó khăn. Người dân di cư là đi tìm kế sinh nhai và đi tìm sự tồn tại. Đây là câu chuyện nhức nhối của vùng ĐBSCL trong thời gian qua."
Thực trạng “chảy máu”, suy giảm lao động rất đáng báo động ở vùng ĐBSCL, nguy cơ để lại những hệ lụy rất lớn. Trong các hoàn cảnh di cư chúng tôi tiếp xúc, nếu không phải là những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt thì cũng là những nét buồn khó tả của những người thân ở lại.
Vậy, tại sao người lao động họ phải tha hương cầu thực, để lại nơi mảnh đất thân thương những người mẹ già đơn chiếc, những trẻ nhỏ bị “khiếm khuyết” tình thương và cả những người vợ đang tuổi thanh xuân lủi thủi một mình?