Với sức bao trùm của cơ giới hóa, cánh đồng ngày nay đã được thu hoạch từ chiếc máy bằng sức trăm người cộng lại, nhưng cũng không thể nào làm phôi pha ký ức về một thời đập lúa, lấy rơm.
Ông Lâm Văn Cảnh, 54 tuổi, ngụ tại huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), người có ngót những năm tháng thiếu niên đập lúa lấy rơm cho biết:
“Người đập giỏi thì một ngày đập được 4 công đất, nên họ đi đồng rất sớm. Ngày xưa đập lúa tới trưa đổ mồ hôi nhễ nhại nên người ta hay đạp ban đêm. Ban đêm có trăng thì tận dụng ánh sáng của trăng, không thì chông đèn măng – xông mà đập”.
Theo lời ông Lâm Văn Cảnh thì trong quá trình thu hoạch lúa, hai nông cụ không thể thiếu của người nông dân Nam Bộ là chiếc lưỡi liềm cắt lúa và cái bồ đập lúa xưa. Liềm cắt lúa do thợ rèn làm, còn cái bồ đập lúa do nông dân tự tay “chế tác”. Hằng năm, cứ độ tháng 10 là nhà nông lo đi mua tre và tầm vông về để đóng bồ mới.
Dù không phải là thợ chuyên nghiệp, nhưng nhờ đôi tay khéo léo của cánh cuốc đất, đắp giồng mà cái bồ đập lúa luôn được làm một cách rất cứng cáp. Khung bồ được làm từ bốn cây trụ tầm vông hoặc gỗ cây mù u. Để cái bồ đập lúa xưa đứng vững và di chuyển dễ dàng trên ruộng lúa, người ta hay chọn hai gốc tre già có độ cong tự nhiên làm cộ nâng đỡ.
Sau khi dựng khung, bắt đầu đan tấm bồ đáy hoặc thể dùng tấm thiết làm đáy bồ để chứa lúa và tấm bồ dừng để chắn lúa khi đập, ngăn hạt lúa văng ra ngoài:
“Kỹ thuật đập lúa đòi hỏi nông dân phải có lực và quan trọng là cách nhả mớ lúa cho tròn, rồi xoay mớ lúa cho đẹp để đập nhả - đập nhả vài lần như vậy. Xung quanh phải trải đệm, vì đập lúa mình sẽ giơ cao bó lúa lên trên, lúa văng ngược ra sau xa lắm, nên trải đệm để phòng khi thất thoát”, ông Cảnh nói.
Những năm tháng ấy, mỗi bó lúa quăng lên bồ đập là mỗi nỗi cực nhọc, mồ hôi chảy dài. Một bó lúa đập lên đập xuống, lặp đi lặp lại đến cả hơn chục lần cho tới khi lúa văng xuống hết chỉ còn lại bó rơm tươi rũ mềm.
Trong những đêm trăng huyền dịu, xóm làng đập lúa thâu đêm. Người lớn uống trà hay khề khà ly rượu đế để kể chuyện đời xưa. Đàn bà trong chái bếp thì nấu bánh canh, hấp bánh ích, luộc bánh ú phục vụ cánh đàn ông đang lao động mừng mùa lúa mới.
Ông Lâm Văn Cảnh kể tiếp:
“Người đàn ông thì đập, con cái và phụ nữ thì quét lúa, dê lúa và phơi lúa trên ruộng luôn. Giữa trưa mệt quá thì nhảy xuống kéo lưới nấu cơm trực tiếp trên ruộng. Vui nhất là khúc nhảy xuống kinh mò cá, ôi cá nh thiên luôn”.
Đi sau tầm quan trọng của hạt lúa là cọng rơm, người nông dân tha thiết với rơm rạ như quý mến hạt gạo một nắng hai sương. Mùa gặt nào, nông dân cũng ra sức dành từng tấc ruộng, triền đê để phơi rơm dự trữ.
Người thì chộn rộn lật lên trở xuống, cọng rơm no nắng cong lên, thơm lừng hương đồng gió nội. Rơm phơi khô được kéo về nhà chất thành ụ để dành xài chuyện lặt vặt trong ngoài. Tuy nhỏ nhưng được cái nhiều, những ngày thiếu mặc, rơm ủ ấm cho cả gia đình.
Những năm tháng ở nhà tranh, rơm đánh thành tấm lợp. Những bữa cơm chiều lấy rơm nhúm lửa, lót ổ trứng gà. Mùa mưa dầm dề, dưới chân ụ rơm mọc đầy ụ ấm. Vào những mùa gặt thừa mưa, thiếu nắng, mấy đống rơm to đùng nằm rũ rượi ngoài đồng. Những lúc như vậy nông dân rầu “thúi ruột” vì trâu, bò nhịn đói, bếp lửa cũng đứt đoạn khói lam.
Ông Lâm Văn Cảnh hồi tưởng:“Hấp dẫn nhất của rơm là được mấy người bạn gái tước ra để bó tthành cây chổi quét giàn bếp. Tới mùa mưa, ụ rơm mục chân cái nó mọc ra nấm. Lúc đó vô số nấm rơm, nấm to to không, ha hồ mà nhổ vô xào mỡ”.
Nhưng theo thời gian, khi nông nghiệp ngày càng phát triển, cái bồ đập lúa xưa đã dần bị thay thế bởi máy gặt đập liên hợp. Ụ rơm từng là ền cổ tích của lũ trẻ cũng mất đi khi chúng được nhân giá trị lên bạc tỷ.
Ngày nay, xuất hiện máy cuộn rơm, một giờ đồng hồ có thể quấn cả trăm cuộn. Rơm được mua lại rồi mang đi bán khắp nơi phục vụ cho cây trồng và làm thức ăn gia súc. Mái nhà tranh cũng nhường chỗ cho nhà lầu, nhà tường nên ụ rơm “cổ tích” cũng bị “giải tán” cho hợp thời trang.
Trong khi cơ giới hóa đang nhồi nhét rơm thành cuộn thì vẫn còn một nơi quý cọng rơm ngang bằng hạt lúa, đó là xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Nông dân ở đây vẫn còn cắt lúa bằng lưỡi liềm, tuốt lúa bằng bồ. Lúa được cắt sát gốc, sau đó đập vào chiếc bồ cho hạt văng ra và nâng niu cọng rơm để trồng củ hành tím.
Việc cắt lúa, đập lúa theo cách này tuy mất thời gian và cực nhọc nhiều nhưng bù lại là sợi rơm được giữ nguyên, nếu sử dụng máy gặt đập thì sợi rơm bị nghiền nát, dễ bị gió thổi bay khi dùng đậy gốc hành tím.
Ở vùng “thủ phủ” hành tím với 5.000 hecta, nhiều năm qua, nông dân Vĩnh Châu áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ. Rơm tươi được lấy từ lúa đập bồ khi phủ lên đất trồng màu như một tấm áo che mưa che nắng giúp cây phát triển tốt.
Ông Thạch Dil – Giám đốc HTX hành tím thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Rơm cuộn đã qua xay xát thì nó không bằng rơm thu hoạch thủ công, dễ rải lên liếp rẫy và chiếm nhiều diện tích hơn. Nên tập quán của bà con ở đây trồng lúa, cắt sát gốc lấy rơm chừa lại để trồng hành tím. Rơm cuộn còn dính lúa nên đắp lên rẫy cái mọc lúa con, còn rơm giũ sạch bằng ta là đắp lên rẫy ngon lành, giữ ẩm cho cây tốt”.
Trong cuộc sống hiện đại, khi nông nghiệp đã được cơ giới hóa, hình ảnh những nông cụ thủ công như cái bồ đập lúa xưa, hay ụ rơm vàng dần trở thành một phần ký ức.
Nhưng khi cánh đồng hành tím hiện ra với những sợi rơm vàng nguyên bản từ lúa đập bồ đã khiến người ta không thể nào quê cái thuở gắn bó với ruộng nương, thơm hương đồng cỏ nội.