Đề xuất này nhận được sự quan tâm lớn từ phía dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh học sinh, bởi đây là loại phương tiện mà nhiều gia đình trang bị cho con em đến trường.
Liệu việc đào tạo, sát hạch lái xe dưới 50 phân khối có cần thiết? Nếu luật hóa đề xuất này thì cần có lộ trình thực hiện ra sao để đạt hiệu quả?
Điều khiển phương tiện dưới 50 phân khối, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định.... là những vi phạm phổ biến ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên trong cả nước. Chính việc điều khiển phương tiện theo bản năng, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra gần 900 vụ TNGT liên quan đến trẻ em (độ tuổi từ 6 – 18 tuổi), trong đó có hơn 700 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện cá nhân. Trước thực tế đáng báo động này, vừa qua, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quốc hội đề xuất đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho người điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối. Nội dung này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các em học sinh lẫn phụ huynh
"Mặc dù là xe 50cc nhưng mà không có bằng lái thì các cháu chưa hiểu biết về luật nhiều, nên tạo điều kiện để các cháu có bằng lái khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn"
"Em thấy việc đào tạo, sát hạch lái xe dưới 50cc có nhiều cái tốt, tụi em sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về trật tự ATGT thì nó giúp cho tụi em an tâm, tự tin hơn khi ra đường"
"Trên trường lớp thầy cô cũng nói sơ thôi à, em biết mấy cái cơ bản như đèn giao thông, đường 1 chiều nhưng mà những cái biển báo có nguy hiểm đằng trước thì tụi em không biết đước thì e nghĩ là việc trang bị thêm kiến thức ATGT là cần thiết, nên đào tạo, làm bằng cho xe dưới 50cc"
Đồng tình với đề xuất này, TS Khương Kim Tạo – Nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo quy chuẩn của Việt Nam, các nước trên thế giới và công ước Viên quy định tất cả xe 2-3 bánh chạy bằng động cơ, có tốc độ thiết kế trên 50km/h gọi là xe moto và những người điều khiển xe moto phải có GPLX. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy dưới 50 phân khối, không phải qua sát hạch lái xe.
Trong khi đó, các loại xe phân khối nhỏ này vẫn có tốc độ khá cao có thể lên tới 60 - 70km/h. Do đó, việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho người điều khiển phương tiện dưới 50 phân khối sẽ “vá lỗ hổng” trong luật hiện hành, tăng cường công tác quản lý phương tiện và nhóm đối tượng sử dụng phương tiện.
TS Khương Kim Tạo chia sẻ: “Chúng ta để một cái lỗ hỏng là các cháu điều khiển các xe dưới 50 phân khối nhưng tốc độ lại trên 50km/h thì cái đấy là cái lỗ hỏng gây ra nguy hiểm cho vấn đề trật tự an toàn giao thông. Và như vậy khi chúng ta quy định triển khai cái này thì tất cả những xe mà ví dụ như honda 50 thì hiện nay không phải có GPLX nhưng nó đang chạy tốc độ 60-70km/h cho nên vẫn phải có GPLX. Tôi nghĩ rằng là như thế nó hợp lý, những xe tốc độ thiết kế trên 50km/h thì yêu cầu phải có GPLX cho đảm bảo an toàn”
Cùng chung quan điểm, luật sư Trương Thị Hòa - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng cho rằng: Việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX dưới 50 phân khối sẽ giúp cho nhóm đối tượng học sinh, thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về luật lệ giao thông đường bộ, tăng cường kỹ năng lái xe, góp phần tạo nên một sự thay đổi lớn, một bước phát triển lớn trong việc đảm bảo trật tự ATGT.
Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất: “Tôi nghĩ rằng thì chúng ta nên có lộ trình tức là có thời gian để thực hiện. Có thể khi thông qua luật thì sẽ có hiệu lực chậm hơn và trong thời gian chậm đó thì chúng ta sẽ tổ chức việc học để đỡ áp lực cho người học và tránh quá tải cho trường giảng dạy, đào tạo. Thứ 2, chúng ta cũng nên quan tâm đến tất cả các phí liên quan đến việc đào tạo, cấp GPLX. Nhà nước có chính sách để hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn, hoặc có mức học phí thấp. Bên cạnh đó, cái phương thức giảng dạy thì chúng ta sẽ dạy trực tuyến còn cái phần thực hành thì chúng ta sẽ thực hành cụ thể”
Song, ở một góc nhìn khác, Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội vận tải oto Việt Nam lại cho rằng: cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sâu hơn, đánh giá cụ thể hơn đề xuất này để tránh gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc: “Theo như quy định của pháp luật, từ 16 đến dưới 18tuổi là lứa tuổi chưa có đầy đủ năng lực, hành vi trách nhiệm của công dân cho nên nếu chúng ta quy định phải đào tạo, sát hạch rồi cấp GPLX cho nhóm đối tượng này thì phía cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu thêm. Bởi nó đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải đầu tư công sức rồi tập trung nguồn nhân lực không phải là nhỏ. Tôi nghĩ, với những quy định của pháp luật hiện hành, nếu như chúng ta thực hiện nghiêm, thực hiện thường xuyên có sự phối hợp đồng bộ từ nhà trường, gia đình, lực lượng chức năng trong việc kiểm soát thì cũng đã giảm thiểu rất nhiều về TNGT.”
Học sớm để an toàn và hòan thiện bản thân
Việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho người lái xe dưới 50 phân khối là chủ trương đúng nhằm trang bị cho các em học sinh, đối tượng thanh thiếu niên những kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Tuy nhiên, trước khi triển khai cần có lộ trình khảo sát, nghiên cứu kỹ nhu cầu từng khu vực, từng địa phương, tìm hiểu năng lực đáp ứng của các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe để tránh quá tải.
Hiện nay, ở đô thị hay vùng nông thôn vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh thiếu niên, học sinh điều khiển gắn máy, xe đạp điện đi học. Xe gắn máy các em điều khiển thì cũng đủ loại từ 50 phân khối đến xe vượt hơn 50 phân khối. Nếu chiếu theo quy định hiện hành thì rất nhiều em vi phạm vì chưa đủ 16 tuổi đã điều khiển xe máy 50 phân khối. Với xe trên mức này thì vi phạm này càng rõ ràng hơn.
Thời gian qua, VOV Giao thông đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng học sinh đi xe máy vi phạm luật, điều khiển xe lạng lách hay tay lái yếu, thiếu các kỹ năng quan sát, xử lý tình huống nên dễ gây tai nạn. Mặc dù ngày chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nhưng thực trạng này vẫn chưa được chấm dứt. Số người dưới 16 tuổi điều khiển xe gắn máy với đủ các loại dung tích, chủng loại mỗi ngày một tăng.
Nguyên nhân là do đời sống bận rộn, cha mẹ mải mưu sinh nên thấy con em cứng cáp là mua xe gắn máy cho các em mình đi học; vừa giảm thời gian đưa đón, lại muốn tăng khả năng chủ động cho từng em. Có phụ huynh chấp hành luật, chỉ giao xe dung tích vừa đủ đúng theo độ tuổi quy định nhưng không ít phụ huynh bất chấp cả luật, giao hẳn xe phân khối lớn để các em chạy.
Với thiếu niên, học sinh về quy định luật pháp, các em còn nhỏ, làm nhiều việc phải có người giám hộ. Nhận thức về pháp luật, đời sống cũng như các kỹ năng khác còn hạn chế, cần phải tiếp tục hoàn thiện. Việc mới đây nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần luật hóa, yêu cầu các em đủ 16 tuổi phải được đào tạo và trải qua kỳ thi sát hạch, có giấy giấy phép lái xe mới được điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối là nên làm.
Giống với học tập các kỹ năng như bơi lội, thể thao, các em cũng phải học tập, rèn luyện; không phải tự nhiên mà có. Đối với việc điều khiển xe gắn máy, các em chạy xe mà không nắm được luật lệ, yêu cầu rất dễ dẫn đến vi phạm. Đó là chưa kể, chạy xe đòi hỏi những kỹ năng hết sức thực tế để xử lý các tình huống phát sinh trong suốt đoạn đường.
Nếu em nào không thuần thục trong thao tác rất dễ gây ra tai nạn cho bản thân và người đi đường. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, thanh thiếu niên thời gian vừa qua có dấu hiệu gia tăng.
Do vậy, việc luật hóa hành vi sử dụng xe gắn máy dưới 50 phân khối với người đủ 16 tuổi là cần thiết. Các em muốn điều khiển xe máy phải học luật, học các kỹ năng chạy xe và phải qua kỳ thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe.
Mục tiêu cuối cùng của đề xuất này cũng chính là bảo vệ các em trong môi trường giao thông đang ngày càng trở nên phức tạp, có nguy cơ mất an toàn hơn. Điều băn khoăn là quy định này chỉ có các em đủ 16 tuổi; còn đến 18 tuổi các em có thể thi lấy giấy phép lái xe cao hơn.
Thời gian chỉ có trong 2 năm là ngắn, liệu có lãng phí về thời gian, tiền bạc và công sức? Đây là những câu hỏi đặt ra hết sức chính đáng khi ban hành quy định.
Tuy nhiên, có một thực tế là dù thời gian ngắn, có thể tiêu tốn nhiều năng lượng, vật chất và tiền bạc của các em và gia đình nhưng cũng có ích lợi về lâu dài; vì đã tạo ra được một lứa học sinh hiểu biết về an toàn giao thông; văn hóa giao thông và đặc biệt là biết điều khiển xe máy đủ phân khối một cách an toàn.
Qua đó không chỉ hạn chế tai nạn giao thông, giúp bảo vệ các em và còn tạo điều kiện để các em tuổi 16 chủ động hơn trong cách đi lại của mình; giảm tải việc đưa đón cho gia đình.
Vấn đề ở đây là giải quyết hài hòa các bất cập nảy sinh khi yêu cầu này được luật hóa. Các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cần lưu ý đến vấn đề có thể được ưu tiên trong học lý thuyết, kể cả sát hạch. Nhất là học tránh trùng lặp khi các em lấy bằng cao hơn.
Việc áp dụng cũng cần có lộ trình, định hướng cụ thể, không rập khuôn, máy móc; luật ra mà các em không thể thực thi vì thiếu nhiều điều kiện.
Đó là chưa kể phải giảm tối đa về thời gian, công sức và chi phí cho các em vì bản chất học phí của các em vẫn do các bậc phụ huynh chi trả. Các trung tâm đào tạo, sát hạch cũng cần tạo điều kiện trong việc dạy online; dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo; tránh tạo nên tình trạng quá tải hay làm khó các em.
Rõ ràng, việc yêu cầu người đủ 16 tuổi học và thi sát hạch lấy giấy phép lái xe với xe gắn máy dưới 50 phân khối là đề xuất hợp lý; giúp các em “học về an toàn giao thông sớm để an toàn và hòan thiện bản thân hơn”