Đàn chó cắn tử vong em bé 7 tuổi: Khuyến cáo từ chuyên gia huấn luyện chó

Theo thông tin từ bệnh viện Việt Đức sáng nay, cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên bị thương nặng do đàn chó tấn công đã không qua khỏi.

Sự việc đau lòng này xảy ra vào khoảng 18h tối 3/4, tại sân vận động Kim Động cũ (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), khi bé trai đi qua đây thì bị rất nhiều con chó lao vào cắn xé. Người dân lao vào cứu cháu bé nhưng không kịp.

Trước thực trạng chó cắn người ngày càng gia tăng và để lại hậu quả nghiêm trọng, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (PDS) ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội về vấn đề này.

 
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ (PDS)

PV: Thưa ông Nguyễn Mạnh Hà, sau vụ việc bé 7 tuổi ở Hưng Yên, theo ông, sự việc này phản ánh thực trạng nào trong việc nuôi và sử dụng chó hiện nay, đặc biệt ở vùng nông thôn?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Con chó là vật rất thân thiết với con người, có giá trị trong cuộc sống, bảo vệ nhà cửa. Ở nông thôn có tỷ lệ nuôi chó bảo vệ nhà rất cao. Nhưng chó ta là giống chó khá dữ, hiện nay người dân nuôi gần như không có kiểm soát theo quy định nhà nước. Làng xóm nể nang nhau, những vụ do chó cắn là hàng vạn vụ hàng năm, nhưng hậu quả nhẹ nên ít người để ý. Vụ cháu bé ở Hưng Yên là do cả đàn chó cắn quá nhiều dẫn đến tử vong. Tôi nghĩ rằng, nếu thực trạng cách nuôi và sử dụng chó không thay đổi, còn có những em bé nữa sẽ bị nguy hiểm.

PV: Từ góc độ chuyên gia huấn luyện chó, ông đưa ra khuyến cáo nào với cộng đồng và những người nuôi chó?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Tôi nghĩ, mọi người phải có trách nhiệm với gia đình mình, với mọi người, làm đúng quy định của pháp luật. Muốn nuôi chó phải đầy đủ điều kiện để nuôi dưỡng, kiếm soát, quản lý tốt chó, để khỏi phiền hà, nguy hiểm cho người khác. Họ cần có cũi, dây xích, nhà cửa có hàng rào tốt, ngoài cổng phải có biển cảnh báo nhà có chó dữ. Và một điều nữa, tất cả các con chó phải được tiêm phòng, nhất là bệnh dại.

Thực trạng nuôi chó hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập

PV: Ông có thể chia sẻ những lưu ý với người dân để phòng tránh chó cắn?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Chó cắn người có nhiều trường hợp. Thứ nhất, vào nhà hoặc chuồng có chó cần hết sức cẩn thận vì nó phản xạ lãnh thổ rất mạnh, dễ cắn. Thứ hai, chó đang ăn, thứ ba, chó đẻ thì đừng đến gần. Thứ tư, gặp chó thì đừng bỏ chạy, các bạn đừng kích thích nó, đánh nó hoặc gây áp lực sẽ rất nguy hiểm.

PV: Vậy còn khuyến nghị dành cho trẻ em?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Trẻ em chưa nhận thức được nhiều, rất hay trêu chọc chó, vành mồm nó ra, rất nguy hiểm. Người lớn phải hướng dẫn trẻ em, đặc biệt là không lại gần những con chó lớn.

PV: Những dấu hiệu nào chó sắp tấn công để người dân biết và tránh, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hà: Dấu hiệu thứ nhất là nó gầm gừ, thứ hai là nhe nanh, thứ ba là lông bờm, gáy, lưng dựng lên. Hoặc đuôi quặp lại bụng, mắt nó long sòng sọc nhìn, lấm lét nhìn cũng có nghĩa nó sắp cắn. Ngoài ra, con chó cúi gầm sát mặt đất thì các bạn cũng cẩn thận dấu hiệu đó. Còn chó quẫy đuôi thì chúng ta không ngại.

PV: Cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi.