Theo Sở GTVT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 137 bến phà nội tỉnh và 9 bến phà liên tỉnh. Thời gian này, lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm gây mất trật tự ATGT.
Qua đó nhằm chấn chỉnh, nhắc nhở chủ các bến phà và người dân tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tại các bến phà liên tỉnh, liên khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn trước tình hình mưa bão, giông lốc diễn biến phức tạp.
Hôm nay, trên đường từ Long An qua phà về thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang, anh Nguyễn Văn Trung sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền nhắc nhở về công tác đảm bảo an toàn giao thông khi đi lại trên những chuyến phà như thế này, đã chia sẻ:
"Nhà nước nhắc nhở dân chúng vậy là tốt lắm rồi. Còn mình đi qua đây cẩn thận, tránh những nơi nguy hiểm. Khi xuống phà, mình cứ mặc áo phao đầy đủ. Vậy thôi, bản thân mình phải giữ mình, chứ chờ tới khi người ta nhắc nhở nữa thì cũng hơi phiền chút xíu.
Nhà nước đã nhắc rồi, thì bản thân mình cũng phải tự giác. Khi qua sông, cũng phải có những vật gì nổi để tự bảo vệ bản thân trong mùa mưa bão xảy ra đột ngột như vậy".
Bến phà Long Hựu Tây - Tân Trung nối huyện Cần Đước, tỉnh Long An và TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Những ngày này, lưu lượng người và phương tiện di chuyển qua lại để làm ăn buôn bán thường xuyên hơn, một số thời điểm mật độ qua lại cao.
Đây là bến phà liên tỉnh phục vụ 24/24, với mỗi ngày hơn 50 chuyến di chuyển ngang sông Vàm Cỏ có chiều rộng lớn, lưu lượng phương tiện thủy tấp nập. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn cho hai đầu bến và tàu phà qua lại ngang sông, đặc biệt là vào ban đêm, luôn được các đơn vị chức năng, chủ bến theo dõi chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Long, người dân Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: "Mấy năm trước đi đò hơi lo, nay đi phà này cũng được, đỡ lo hơn. Chủ phà có chuẩn bị áo phao. Mỗi lần trời chuyển mưa mình cũng hơi sợ sợ nhưng mà có áo phao mặc vào nên thấy an tâm, đỡ lo hơn".
Có thể nói, để có được những chuyến phà tuyệt đối an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa bão như hiện nay, thì ngoài việc giám sát quản lý của các lực lượng chức năng, trước tiên mỗi người dân chúng ta cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, trong đó đội ngũ thuyền trưởng có một vai trò không nhỏ.
Anh Phan Văn Dũng, thuyền trưởng phà Long Hựu Tây, chia sẻ: "Tôi thường theo dõi thời tiết. Nếu mà có giông bão thì chờ tạnh rồi mình mới đi. Hành khách xuống đò, xuống phà thì mình nhắc nhở họ phải giữ an toàn, không cho hành khách chồm ra boong. Mình cũng nhắc hành khách cẩn thận, mặc áo phao vào".
Còn tại bến phà Long Cang – Nhật Tảo, tuy chỉ là bến phà liên huyện nối hai địa phương Tân Trụ và Cần Đước, nhưng nó lại nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, do đó lưu lượng phương tiện qua lại đông cả ngày lẫn đêm.
Việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại hai đầu bến được chấn chỉnh thường xuyên. Đồng thời, các đơn vị chức năng liên tục kiểm tra, theo dõi công tác tăng cường gia cố thiết bị cứu đắm, phao cứu sinh. Ông Bùi Hữu Phương, quản lý bến phà Long Cang – Nhật Tảo, cho biết tại đây mỗi ngày vận hành trên 100 chuyến phà phục vụ khoảng 2.000 lượt qua lại của người dân:
"Những năm gần đây, do khu công nghiệp phát triển nên lưu lượng phương tiện hàng ngày tập trung cao vào buổi sáng và chiều. Buổi sáng, bà con bên Tân Trụ qua Cần Đước làm việc và trở về nhà vào buổi chiều rất đông. Giờ cao điểm tại bến phục vụ liên tục với 3 phà, sau giờ cao điểm duy trì một phà".
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An có 9 bến phà liên tỉnh và 137 bến phà nội tỉnh. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các bến phà này, lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra, xử lý về điều kiện hoạt động của các bến thủy nội địa, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; điều kiện của người điều khiển phương tiện, như bằng thuyền trưởng, máy trưởng, cùng trang thiết bị an toàn giao thông như áo phao, dụng cụ cầm tay, dụng cụ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy…
Ông Lê Thành Công, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 7 – Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, cho biết: "Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra những bến ‘nóng’, nơi có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, với tổng số 68 bến. Chúng tôi đã lập biên bản làm việc tại 68 bến, trong đó có 2 bến vi phạm. Những vi phạm này, theo chúng tôi, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông, như bảng nội quy, bảng niêm yết giá vé hư cũ, nhưng không được gia cố sửa chữa. Chúng tôi đã nhắc nhở và xử lý vi phạm 2 trường hợp".
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy, lãnh đạo UBND tỉnh Long An chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, cũng như kết hợp công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho chủ bến và hành khách.
Ông Nguyễn Hoài Phong – Uỷ viên Thường trực Ban An toàn giao thông, Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Long An – cho biết:
"Trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay, chúng ta quản lý lĩnh vực đường thủy với 530 km, lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đường thủy, và cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở cũng như cảng vụ ba của Trung ương. Bốn đơn vị này thường xuyên tuần tra, giám sát chặt chẽ.
Hàng năm, có kế hoạch kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, Sở Giao thông và cảng vụ đường thủy nội địa, cảng vụ ba. Các đơn vị này tổ chức thành đoàn liên ngành để kiểm tra tất cả các bến khách ngang sông cũng như các phương tiện thủy và bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh".