Đảm bảo an toàn trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cá tra

Thị trường thế giới đang biến động, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến lượng hàng tồn kho nhiều, đó là những khó khăn mà ngành hàng cá tra đang phải đối mặt.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm cá tra đã được xuất sang 140 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu cá tra những tháng gần đây cho thấy biên độ giảm đã được thu hẹp đáng kể…

Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Biển Đông, cho biết: Riêng con cá tra là thị trường định giá, tuy nhiên người nhập khẩu thì muốn giá thấp, đặt hàng các doanh nghiệp trong nước sản xuất cá tra với giá thấp, do đó buộc nhà sản xuất phải tăng trọng nhiều. Chính điều này, làm người tiêu thụ ngày càng mất dần, 100 nước hay 170 nước tiêu thụ cá tra không quan trọng, mà vào nước nào, giữ vững thị trường đó mới là quan trọng.

Ông Ngô Quang Trường, cho rằng: Chúng ta không cần kiếm thêm nhiều thị trường đâu mà chúng ta làm sao cho chất lượng cá tra tăng lên thì chúng ta sẽ tiêu thụ tốt, khi chúng ta xuất không nhiều, bởi vì xuất nhiều nhưng hàm lượng ẩm nhiều chẳng hạn cũng không tốt và chúng ta làm doanh số nhiều nhưng không ai có lời hết, người nông dân cũng không lời mà doanh nghiệp chế biến cũng không lời.

ảnh nh họa (vietnamplus.vn)

Đơn đặt hàng từ các đối tác rất chậm tại tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc.  Ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) nhìn nhận, giá cá tra ở thị trường quốc tế đang thấp khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lẫn người nuôi cá lao đao. Hệ lụy là việc đầu tư cho nhà máy, vùng nuôi hiện nay có dấu hiệu thấp lại. 

Ông Võ Đông Đức cho biết thêm: Tôi muốn nhắn nhủ với các doanh nghiệp chúng ta đã hình thành được một cái yêu cầu về chất lượng, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường rồi thì chúng ta nên cẩn trọng và chúng ta nên cố gắng giữ vững được cái mặt hàng giá. Đây là yếu tố tiên quyết để chúng ta mới có thể có sức cạnh tranh và thứ hai là chúng ta có sức để hình thành tất cả những cái vấn đề về yêu cầu của thị trường.

Tại tỉnh Vĩnh Long, địa phương có lợi thế, nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu nên diện tích nuôi thủy sản khá lớn, toàn tỉnh có trên 800ha mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó, có 345ha nuôi cá tra nhưng hiện tại đang thả nuôi 225ha, còn lại treo ao.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong khâu nuôi cá tra để hạn chế dịch bệnh, trong dịch bệnh này thì chung tôi sẽ đảm bảo làm sao để người nuôi quản lý tốt về môi trường, đặc biệt là hạn chế sử dụng các loại thuốc cấm để điều trị, nhất là kháng sinh. Thứ 2 là tổ chức sản xuất theo chuỗi sản xuất gắn kết chặt chẽ với vùng nuôi cũng như khâu thu mua chế biến của các doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu, thứ 3 là chúng tôi sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như ViepGap, globalgap…

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)  đánh giá, chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho sự phục hồi trong những tháng tiếp theo khi đơn đặt hàng vẫn còn rất chậm tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm là Mỹ và Trung Quốc. Về giá xuất khẩu, mặc dù đã có tín hiệu cho thấy xuất khẩu cá tra của Việt Nam được cải thiện trong quý II so với quý I, nhưng giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn đi ngang hoặc có chiều hướng giảm. Dự báo kim ngạch cá tra xuất khẩu cả năm sẽ đạt 2 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2022.

Bà Tô Tường Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Đơn đặt hàng rất là chậm tại tất cả các thị trường. Đặc biệt là thị trường Mỹ, thị trường Trung Quốc rất chậm. Đối với thị trường Mỹ có một điểm là trong 4 tháng của năm 2023 thì nhập khẩu cá da trơn vào Mỹ đã giảm 17%. Trong đó mức giảm lớn nhất là phi lê cá tra đông lạnh của Việt Nam giảm 59%. Ngoài lý do lạm phát thì thị trường Mỹ đang có một lượng hàng lớn còn tồn đọng đối với cá tra phi lê và nó sẽ chậm trong thời gian sắp tới.

Dự kiến những ngày đầu tháng 8, Đoàn thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ - FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sẽ đến một số địa phương, doanh nghiệp đang thực hiện xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ để đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện, thời cơ để các doanh nghiệp cá tra xây dựng vùng nuôi và quy trình sản xuất tốt hơn, phát huy lợi thế của cá tra Việt Nam.

Cá tra một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nhiều tỉnh vùng ÐBSCL với 94% sản lượng phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế “độc tôn”, đồng thời giúp ngành cá tra vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ngành cá tra cần nhiều việc phải làm.

Liên quan vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam:

PV: Thứ trưởng có chia sẻ gì về con cá tra của nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Trước hết tôi muốn nói đến lợi thế của con cá tra Việt Nam, có thể nói là lợi thế độc tôn, con cá tra ở thế giới này nếu chúng ta không biết nâng giá trị nó lên thì tôi nghĩ một thời gian rồi chúng ta sẽ tự đánh mất mình thôi, đó là vấn đề thực tế. Hay cá tra là độc tôn của Việt Nam, bây giờ một số nước đã nuôi rồi, nếu chúng ta không biết nâng niu nó thì cuối cùng tự mình đánh mất mình. Một là chất lượng, hai là thương hiệu và ba là giá. Ba vấn đề đó là cơ bản trong thị trường.

PV: Để ngành hàng cá tra phát triển theo Thứ trưởng đâu là yếu tố quyết định?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Rất là lợi thế nhưng khổ nỗi là mang tiếng nói chung thì chúng ta không có, mỗi người đánh lẽ một hướng, cái đó là điều yếu nhất trong nông sản tôi nói thật. Bây giờ chúng ta phải đoàn kết lại, phải tạo ra sự đồng lòng, anh lớn phải hỗ trợ anh bé để cùng phát triển, Thủ tướng luôn nhắc câu lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Chúng ta phải gắn với nhau như vậy, trách nhiệm như vậy thì tôi nghĩ mới được, chứ nếu không thì rất khó.

PV: Ông có kỳ vọng như thế nào đối với các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi cá tra?

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Tôi rất muốn các địa phương chúng ta phải cùng sắp tới cái yếu nhất vẫn là chuỗi cung ứng, các địa phương trên cơ sở các chuỗi về cá tra, chúng ta về củng cố lại để chúng ta xây dựng.

Tôi rất muốn các doanh nghiệp phối hợp lại xây dựng chuỗi, gắn với vùng nuôi, ao nuôi, theo tổ chức HTX, hay là tổ hợp tác gì đó với doanh nghiệp, để chúng ta xây dựng một chuỗi kiểm soát được ATTP, đảm bảo nguồn cung, mới vững được còn không rất khó, chính cái này mới giảm được chi phí.

Sắp tới không có chuỗi là không có được đâu, cái gì cũng phải có chuỗi hết, chỉ sớm muộn thôi thì chúng ta nhanh chân một bước và nhất là các doanh nghiệp có uy tính, có vị thế từ lâu rồi thì cũng đứng ra cùng phối hợp với các đơn vị và các địa phương để xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn.

Có thể thấy việc quản lý vùng nuôi đáp ứng các yêu cầu và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu là rất quan trọng. Đồng thời, việc xây dựng chuỗi sẽ là chìa khóa giúp ngành hàng cá tra đứng vững và mở rộng thị trường.