Đặc sản “ngõ nhỏ, hẻm sâu” của Hà Nội

Ngõ siêu nhỏ, hẻm sâu với chiều rộng chỉ khoảng 50 - 60cm nhưng lại được biết đến như một “đặc sản”, một nét đẹp riêng biệt, độc đáo chỉ có ở Thủ đô Hà Nội.

Những con ngõ nhỏ, hẻm sâu hun hút này được hình thành từ hàng trăm năm nay. Tại đây, có hàng nghìn người dân đang sống chung với bóng tối, với ẩm thấp, cũ kỹ trong những căn nhà siêu nhỏ bị xuống cấp, quanh năm hiếm khi nắng chiếu, có những con ngõ chỉ vừa đủ 1 người đi qua. Bước vào mỗi con ngõ nhỏ như bước vào đường hầm, mò mẫm mãi mà không thấy ánh sáng mặt trời.

Có những con ngõ mà người đi qua phải khom lưng, luồn lách rất khổ sở. Nhưng nhờ sự “độc đáo”, khác lạ ấy đã khiến nhiều du khách nước ngoài phải tò mò khi đặt chân đến Hà Nội du lịch, khám phá.

"Những con ngõ đã tồn tại ở đây từ nhiều năm, thậm chí là cả thế kỷ, bên trong các ngõ nhỏ có từ 5 - 10 hộ gia đình sinh sống, có ngõ xuyên từ phố này sang phố kia, người Tây sang đây họ thích lắm, có ông chụp ảnh lia lịa", một người dân trên phố Hàng Buồm chia sẻ
Ngõ nhỏ trên phố Hàng Cháo, trên đầu là dây điện chạy dọc đường vào ngõ
Ngõ tối sâu hun hút, người dân sống trong bóng tối

Nơi đây có thể chật hẹp, tối tăm nhưng mang đậm những nét đặc trưng sâu sắc. Những con ngõ tồn tại, lưu giữ nhịp sống văn hóa của người dân Hà thành mà chẳng thể nào thay đổi, phá bỏ và chìm vào quên lãng khác hẳn với những nơi sầm uất, náo nhiệt và những ngôi nhà cao tầng sáng choang, rộng rãi. Có lẽ chính những con ngõ nhỏ mới là điều tồn tại mãi với thời gian, là thứ “đặc sản” của một Hà Nội xưa cũ và hiện đại.

Chật hẹp, thiếu thốn là vậy nhưng người Hà Nội cũng đã quen với nếp sinh hoạt này. Nhiều người đã gắn bó vài chục năm nay với phố cổ, cả đại gia đình gồm nhiều thế hệ cùng sống trong căn phòng chỉ 15-20m2 ấy mà họ vẫn lạc quan và quyết gắn bó với nơi này đến hết cuộc đời.
---
Có thể dễ dàng nhìn thấy cơ sở vật chất nơi đây bị xuống cấp

Theo quan sát của PV, không gian trong và ngoài những con ngõ siêu nhỏ này khá khiêm tốn, nhưng người dân vẫn tận dụng tối đa để bán nước giải khát, tạp hóa,... Đây đều là kế sinh nhai của một số hộ dân. Lâu dần, những hàng quán nhỏ trước những con ngõ cũng đã trở thành một nét đặc trưng của người Hà Nội.

Ông Tân (phố Hàng Vải) cho biết: “Có nhiều ngõ nhỏ tới mức nếu người này ra, người kia phải luồn lách, cúi khom người may ra mới vừa cả 2. Bên trong những con ngõ là các mớ dây điện chồng chéo, hộp điện mắc nối từ ngoài lề đường,... chạy dọc vào trong từng lối đi”

Bên cạnh đó vẫn tồn tại rất nhiều bất cập, không chỉ sâu và hẹp, các ngôi nhà này còn xây đua phần ban công và tầng trên ra ngoài khiến cho không gian trong ngõ càng trở nên bí bách, chật chội hơn.

Nhà dân thi nhau đua ban công, gắn biển hiệu quảng cáo gây cản trở tầm nhìn
Bà Bình ở khu vực ngõ số 153, ngõ chợ Khâm Thiên cho biết: “Mặc dù tôi đã quen sống ở đây từ nhỏ, nhưng trong cuộc sống không tránh khỏi những sự bất tiện nhất định. Mỗi khi nhà nào có việc thì khá bất tiện, hoặc sáng ra đi làm phải xếp hàng mới dắt xe ra được. Đặc biệt, khi trong ngõ có người đau ốm đi cấp cứu hoặc cháy nổ thì cứu hộ cũng không hề dễ dàng”
Đường vốn nhỏ hẹp di chuyển khó khăn. Ban ngày, người dân lại lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán càng làm cho việc di chuyển trong làng khó khăn
---
Một ngách dẫn vào hai nhà trọ trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, lối đi chỉ vừa cho xe máy

Thời gian gần đây, có khá nhiều vụ cháy nổ thương tâm liên tiếp xảy ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội làm dấy lên nhiều lo lắng về cuộc sống của người dân trong những công trình “quá khổ” nằm sâu trong ngõ ngách siêu nhỏ, chật chội chỉ đủ cho một chiếc xe máy đi qua.

Những bó dây điện, cáp viễn thông chằng chịt, chắn cửa nhiều ngôi nhà trong con ngõ trên đường Đê La Thành, quận Ba Đình. Một hộ dân cho biết ở đây từng chập điện nhưng người dân dập bằng bình chữa cháy. Dù chưa xảy ra cháy lớn, song con ngõ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xe chữa cháy khó tiếp cận

Trong thời gian cao điểm nắng nóng dễ xảy ra cháy nổ khiến cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) càng trở nên khó khăn, bất cập. Vậy cần đưa ra những biện pháp gì cho người dân sống ở đây?