Ra đời từ những năm 1960, đến nay làng nghề thổi tủy tinh ở xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, Hà Nội đã gần 65 năm tuổi.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay vẫn còn một số hộ dân tại đây giữ nghề thổi thủy tinh, làm ra nhiều sản phẩm như ống thuốc, cóng đựng nước, cám cho chim...
Dưới thời tiết nắng nóng của mùa hè, tại xưởng thổi thủy tinh của chị Tạ Thị Ngà ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín (Hà Nội) vẫn đỏ lửa. Chị Ngà học nghề thổi thủy tinh từ năm lên 16 tuổi, người thầy dạy nghề cho chị Ngà là bố của chị. Ngày ấy, chị Ngà theo bố đạp xe từ Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) ra Lò Đúc (Hà Nội) để làm nghề thổi thủy tinh. Trong trí nhớ của chị, hồi đó đạp xe từ Thường Tín ra tới phố Lò Đúc mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, ngày nào chị cũng theo bố đi thổi ống thủy tinh để đựng Philatop (một loại thuốc bổ từng nổi tiếng từ thời bao cấp và bây giờ vẫn còn sản xuất). Trải qua thời gian làm nghề, đôi bàn tay của chị Ngà có nhiều vết sẹo do thủy tinh vỡ để lại. Đặc biệt ở ngón tay cái, đầu ngón tay đã chai sạn và tròn đầu do tay phải xoay, vuốt thủy tinh khi vừa hơ qua lửa để tạo hình sản phẩm theo ý muốn. Chị Ngà chia sẻ, “nghề đầu tiên được học năm lên 7-8 tuổi là nghề thêu, đến năm 16 tuổi thì theo bố học thổi thủy tinh. Từ thêu sang thổi thủy tinh khác nhau quá nhiều, thổi thủy tinh để lại cho bàn tay nhiều vết sẹo, nhưng sau cùng nghề thổi thủy tinh lại là nghề nuôi sống mình sau này”. Ngày nay làm thổi thủy tinh khác xưa, bên cạnh làm thủ công bằng tay đã có máy móc hỗ trợ cho năng suất và chất lượng cao hơn. Sản phẩm bây giờ cũng đa dạng hơn xưa như: ống nghiệm, ống thuốc, ống nghiệm, cốc cho chim uống nước... Trong số các sản phẩm loại được đặt nhiều nhất là ống xét nghiệm. Từ những phôi thủy tinh người làm cắt ra cho phù hợp với sản phẩm định làm. Người làm sẽ dùng dao chuyên dụng cắt thủy tinh. Dao được gắn cố định vào bàn gỗ để làm điểm tựa, rồi người làm khứa thủy tinh qua lưỡi dao để cắt. Phôi thủy tinh có nhiều loại, từ bề mặt trơn đến có họa tiết, đa dạng kích cỡ từ nhỏ đến to, từ phôi này sẽ làm ra các sản phẩm. Xưởng của chị Ngà có 6 người, nếu làm bằng tay, một ngày, một người làm được khoảng 1000 ống dùng xét nghiệm máu. Còn nếu trong thời tiết nóng nực của mùa hè thì không được số lượng sản phẩm trên vì nhiệt độ trong nhà rất nóng. Tại xưởng của chị Tạ Thị Ngà, anh Lương Văn Trãi (chồng của chị Ngà) là người nắm chắc nhất những kỹ năng thổi thủy tinh, từ thủ công đến vận hành bằng máy. Một “cóng chim” (dùng đựng thức ăn cho chim) làm thủ công có thể tự thổi ra hình dáng của sản phẩm hoặc thổi bằng khuân để cho cóng tròn đẹp, nhanh hơn. Độ dày của cóng chim này khi làm ra từ khoảng 4mm - 4,5 mm. Anh Trãi thổi thủy tinh vào khuân để sản phẩm tròn và đẹp. Mặc dù có máy móc hỗ trợ, nhưng không phải sản phẩm nào cũng có thể dùng máy. Một số sản phẩm cần chi tiết, độ khó cao vẫn cần đến sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ thổi thủy tinh. Làm bằng máy năng suất cao hơn, người thợ chỉ việc cho thủy tinh phôi được cắt theo độ dài sản phẩm vào máy. Trung bình nếu chạy máy, một ngày sẽ cho ra khoảng 10.000 ống thủy tinh xét nghiệm. Các sản phẩm từ máy làm có độ hoàn thiện cao, đều nhau. Mỗi sản phẩm được chị Ngà bán với giá khoảng 300 đồng/cái. Nhà chị Ngà có 7 anh, em, đến ngay theo nghề thổi thủy tinh của bố chỉ có chị Ngà và người em trai thứ 5. Tiếp tục, sau thế hệ chị Ngà, thì chỉ có người con trai của chị là đang học và làm nghề thổi thủy tinh. Số người trẻ theo nghề thổi thủy tinh ngày càng ít đi, đây cũng là nỗi trăn trở của chị Ngà và những người làm lâu năm khi nghề có nguy cơ bị mai một. Tiếp xúc với ngọn lửa nóng lên đến hàng nghìn độ C trong những ngày hè là một việc không hề dễ dàng. Trán những người thợ thổi thủy tinh lúc nào cũng ướt đẫm mồ hồi, má rát đỏ ửng, nhưng nhìn những sản phẩm được làm ra có độ hoàn thiện cao, chi tiết, có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày càng làm cho những người thợ thêm yêu nghề, cố gắng phát huy và giữ gìn nghề cho thế hệ sau./.