Đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế

Đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Mặc dù một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: 'Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với sự đồng bộ của các khâu: nguồn cung khoa học – công nghệ của khối đại học và viện nghiên cứu, khả năng áp dụng và năng lực đầu tư cho khoa học – công nghệ của khối doanh nghiệp và hệ thống quản lý,  chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu các cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập cao nhưng lại chỉ tập trung vào một số ít thị trường dẫn đến thiếu bền vững.

Dưới góc độ quản lý ngành, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết thêm: 'Việc đơn thuần áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành.

Nó đòi hỏi có sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics.

Do đó, thay đổi nhận thức của người đứng đầu là thách thức lớn nhất để doanh nghiệp có thể tiếp nhận xu thế mới, hiểu đúng, làm đúng và tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng mới'.

Bên cạnh đó, các xung đột thương mại gần đây, cũng như chiến tranh Nga - Ukraina đã dẫn tới nhiều hạn chế trong việc các doanh nghiệp thâm nhập và tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình là sự gia tăng chính sách bảo hộ của nhiều nước; xu hướng tăng chi phí vận chuyển và chi phí năng lượng trên phạm vi toàn cầu; xu hướng chững lại của các dòng FDI; xu hướng tăng chi phí nhân công ở các nước đang phát triển, nhất là những nước trước đây tận dụng lợi thế lao động rẻ để phát triển; tính bất định của những tác động mà cuộc CMCN 4.0 tạo ra đối với hệ thống sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ..

Đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết một số bất cập hiện nay, ông Ngô Khải Hoàn khẳng định: 'Hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước'.

Ngoài ra, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc CMCN 4.0 nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Trong khi đó, Tiến sỹ Elisabetta Gentile, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)  nêu ý kiến: 'Việc Việt Nam đề cập đến đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho thấy ý thức về vấn đề này, việc đa dạng hóa rất là quan trọng vì nó giúp tránh được sự đỗ vỡ ở quy mô lớn khi có sự cố xảy ra đối với chuỗi cung ứng hay chuỗi giá trị toàn cầu.

Để khai thác tốt hơn những giá trị mà chuỗi cung ứng mang lại, Việt Nam cần đánh giá đúng vai trò của cũng như đầu tư cho việc phát triển thương hiệu, nghiên cứu sáng tạo và có chiến lược marketing hiệu quả'.

Tiến sỹ Elisabetta Gentile cũng khuyến nghị, cần cân nhắc nhiều hơn đến "khu vực hóa" chuỗi cung ứng, tận dụng tốt mối quan hệ với các đối tác trong khu vực để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định hơn.

Với các nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, số hóa mà Việt Nam đang xây dựng, phải đảm bảo tính toàn diện, đảm bảo tạo ra cơ hội cho tất cả doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới đó, giúp chuyển đổi số và số hóa hiệu quả hơn.

Ảnh nh họa: TTXVN

Thông tin tài chính, kinh tế, chứng khoán

# Bộ Tài chính cho biết, ngay trong tháng 6 này, sẽ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai quản lý, điều hành giá kiểm soát lạm phát. 

# Còn trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay (7/6), Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sẽ xây dựng chiến lược xuất khẩu nông sản vào nội địa Trung Quốc. 

# Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ yêu cầu các ngân hàng sớm triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo nghị định của Chính phủ.

# Cùng theo NHNN, thị trường BĐS dự báo còn biến động mạnh, tình trạng thổi giá, đấu giá cao bất thường... tiềm ẩn rủi ro với việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của ngân hàng. 

# Từ đầu năm, số DN BĐS thành lập mới tại TPHCM tăng hơn 14%, điều này cho thấy sức hút của lĩnh vực này vẫn rất lớn khi nhu cầu nhà đất tăng cao. 

# Còn tại Hà Nội, Sở Công Thương TP cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục trợ giúp DN trong xuất khẩu trực tuyến và xây dựng thương hiệu Việt trên toàn cầu.

# Do khan hiếm hàng trên diện rộng nên thị trường ô tô Việt tháng 6 có khá ít chương trình giảm giá và khuyến mại, thậm chí có nhiều mẫu xe tăng giá bán. 

# Còn ghi nhận tại TPHCM, nhiều loại trái cây nhiệt đới đang vào mùa thu hoạch với sản lượng dồi dào và giá cả ổn định, dù tiêu thụ chậm nhưng cũng không đến mức kêu gọi "giải cứu". 

# Tiếp theo là tin quốc tế: Các ngân hàng lớn của Mỹ đều đồng thuận rằng, một đợt suy thoái sắp diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát.

# Còn theo Bloomberg, kinh tế châu Âu đang gặp phải khó khăn lớn do cú sốc về năng lượng thiếu hụt, nhưng suy thoái là điều ít có khả năng xảy ra. 

# Lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng gần 60% từ đầu năm, trong bối cảnh Nga ngắt nguồn cung khí đốt tới EU. 

# Đáng chú ý, XK smartphone trên toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 3% do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc cũng như cuộc xung đột tại Ukraine. 

# Chỉ số VNIndex đóng cửa tại 1.291,35 điểm, tăng nhẹ 1,34 điểm (+0,1%) cũng là mức đóng cửa cao nhất trong ngày.

# Các ngành hồi phục tốt và tăng mạnh về cuối phiên hôm nay gồm có Dầu khí, Bảo hiểm, Hàng tiêu dùng  Công nghệ thông tin, Hóa chất Phân bón, Thực phẩm đồ uống. Riêng nhóm Điện, nước & Xăng dầu khí đốt là nhóm diễn biến tích cực nhất khi được giao dịch ở vùng giá xanh trong suốt phiên giao dịch.

# Theo SSI Reseach, thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện nhẹ lên 16,4 nghìn tỷ qua kênh khớp lệnh trên HOSE. Ở nhóm cổ phiếu tạo động lực phục hồi cho thị trường, VCB là mã có vai trò hàng đầu; theo sau là các mã DGC, FPT, PLX, POW, BCM, REE, BVH, MSN.