Đa dạng hệ thống giao thông để đưa ĐBSCL bứt tốc

Với hệ thống các tuyến đường cao tốc đang được tập trung triển khai ở ĐBSCL, đường thủy được quan tâm đầu tư lại sẽ tháo gỡ nút thắt lâu nay về giao thông, giảm chi phí logictics cho vùng

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh…

Về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang; trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km. Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 90km (tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận), đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km.

Như vậy, đến năm 2025 vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Điểm nghẽn quan trọng mà ĐBSCL bao nhiêu năm qua chưa được tháo gỡ đó là hạ tầng giao thông. Và cũng chính từ chưa tháo gỡ trong những năm qua nên kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL có phát triển nhưng chậm hơn so với các vùng khác.Qua rà soát lại thì ĐBSCL còn nhiều tiềm lực để phát triển. Khi triển khai và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc này thì sẽ là cơ hội cho ĐBSCL cất cánh, vươn lên không những bằng một số tỉnh, thành trong cả nước mà có thể một số tỉnh, thành ĐBSCL sẽ vượt hơn sự phát triển một số tỉnh, thành khác trong cả nước.

Lễ khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1

Việc khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 vào giữa tháng 6 vừa qua, đã mở ra bước ngoặt lớn trong phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL. Tất cả trên tinh thần chung sức đồng lòng, vượt nắng thắng mưa để hoàn thành dự án.

Đại tá Vũ Phúc Hậu, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết: Với khối lượng công việc và các điều khoản trong hợp đồng, thì nhà thầu chúng tôi tổ chức lực lượng, đội ngũ cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, đủ về nguồn nhân lực để thực hiện dự án. Thứ 2 huy động máy móc, trang thiết bị phù hợp, hiện đại để triển khai dự án. Ngoài ra, lập kế hoạch, xây dựng kế hoạch nguồn lực tài chính để đáp ứng cho dự án. Chúng tôi sẽ thực hiện các bước cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư…

Vùng ĐBSCL đã và đang được đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang và khi hoàn thiện các cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

Ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Vùng ĐBSCL là vùng duy nhất trong Nghị quyết đề ra mục tiêu đến 2030 chúng ta phải phấn đấu hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường cao tốc của khu vực vùng, tức là 3 tuyến trục ngang và 3 tuyến trục dọc sẽ được đầu tư trong giai đoạn đến 2030. Có thể nói đây là tiền đề rất là quan trọng để chúng ta làm động lực để kêu gọi đầu tư cung như có tiếng nói với Trung ương để bố trí nguồn vốn để làm sao hoàn thiện được hệ thống cao tốc của ĐBSCL trong thời gian sắp tới.

Không chỉ có đầu tư cho các tuyến đường cao tốc mà đường sắt cũng đã được tính đến để đưa vùng ĐBSCL cất cánh. Dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 175 km với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng, tốc độ tối đa 200 km/h, dự kiến khởi công trước năm 2030. Dự án do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư. Điểm đầu tại ga An Bình, phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ ở hướng Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Dự án đi qua địa phận 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Về tiến độ, dự án hiện nay đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các địa phương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Sau đó, trình cấp thẩm quyền quyết định trong năm 2024 và hoàn thiện, trình Thủ tướng, Quốc hội trong năm 2025.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Đường đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Bộ chủ trì và đến giờ này nghiên cứu cũng gần đạt tiền khả thi rồi, tuy nhiên các nội dung khác chúng ta phải tập trung nghiên cứu, phải mời tư vấn, thậm chí tư vấn quốc tế và chi phí này cũng lớn, hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng, cái phần này thành phố Hồ Chí Minh sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí, mời tư vấn và sau khi có kết quả sẽ bàn bạc với các tỉnh, thành.

Ngoài các tuyến đường giao thông bộ trọng yếu mà hệ thống giao thông thủy cũng cần được tính đến, để phát huy được lợi thế vốn có với chi phí bỏ ra thấp. PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: Vùng này, bây giờ hạ tầng là động lực. Mà hạ tầng không chỉ có đường cao tốc. Hạ tầng kết nối của ĐBSCL cần phải tính đến đường sông, kênh rạch. Cái đấy hay cực kỳ mà đỡ phải lấy đất lên đắp, giữ được đất mà lại có đường giao thông, làm du lịch nữa. Tư duy về động lực là hạ tầng kết nối cũng phải có những thay đổi chứ không phải là hì hục cuốc đất đi làm đường cao tốc. Còn đường sắt, đường hàng không cũng phải tính. Cái này là động lực mới, không chỉ tính như một động lực mà tính xử lý cấu trúc của động lực như thế nào cho hiệu quả nhất.

PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cảnh báo phát triển hạ tầng ở Việt Nam hiện nay cần rất nhiều vật liệu xây dựng. Việc này, dẫn tới vấn đề đánh đổi bằng các con sông khiến nhiều con sông bị sạt lở và vùng ĐBSCL chịu gánh nặng ghê gớm. Do đó, không chỉ bàn về việc xây dựng mà cũng phải tính tới sự đánh đổi, làm được như vậy thì ĐBSCL mới phát triển bền vững như mong muốn.

Một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL từ nhiều thập niên qua, đó là hạ tầng giao thông. Trở ngại này khiến ĐBSCL gặp khó thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Hạn chế hạ tầng cũng kéo theo chi phí logistics cho hàng hóa, nông sản của vùng tăng cao, kém cạnh tranh so với các vùng khác trong cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực kinh tế lớn nhất cả nước. Tuy vậy, lâu nay "Giao thông" đang là điểm nghẽn của vùng ĐBSCL từ nhiều năm qua. Do vậy, việc Chính phủ quan tâm, đầu tư; các bộ, ngành địa phương tập trung đẩy nhanh triển khai sẽ sớm giải quyết bài toán này. Bằng chứng là hiện nay, hàng loạt dự án giao thông kết nối vùng quan trọng đã và đang được triển khai xây dựng. Tất cả như một đại công trình với tầm vóc mới, hòa nhịp vào sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới.

Thực tế có thể thấy, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã bố trí khoảng 480.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với trước đây. Phải nói rằng, việc đầu tư này là rất đúng thời điểm, tạo cú hích cho đồng bằng bứt phá. Đáng chú ý, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã chỉ rõ là Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.Với sự đầu tư tổng lực cho đồng bằng đã nh chứng cho sự quyết tâm mạnh mẽ và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.

Chỉ trong tương lai gần, những mảnh ghép hệ thống hạ tầng giao thông Vùng ĐBSCL sẽ được hoàn thiện mang tới diện mạo tươi mới, tăng năng lực vận tải tạo sức hút mới và đột phá trong thu hút đầu tư. 

Tuy nhiên, để tiếp tục khơi thông điểm nghẽn, hạ tầng giao thông ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới để tăng tính liên kết giữa không gian kinh tế Vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ và TP.HCM. Tới đây, khi loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc, cầu, cảng biển, đường sắt… được hoàn thành đầu tư sẽ tạo sự đồng bộ và mang lại cơ hội phát triển đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Sức cạnh tranh của nông sản được cải thiện, chi phí sản xuất, vận tải được kéo giảm, lực hút đầu tư tăng lên sẽ giúp ĐBSCL cất cánh và đạt bước đột phá trong giai đoạn tới.