Cuối năm thiếu tiền trọ, rủ nhau đi cướp

Những tháng cuối năm, Công an TP Hà Nội ghi nhận hàng chục vụ trộm cắp và cướp giật đường phố. Đây cũng là thời điểm các đối tượng thường lợi dụng sự bận rộn, sơ hở của người dân để gây án với nhiều phương thức, thủ đoạn phức tạp; nhiều vụ việc có hành vi một cách manh động, liều lĩnh.

Ngày 19/11 vừa qua, lợi dụng đêm tối và đoạn đường vắng vẻ tại khu vực đường mới hướng về Cầu Noi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hai đối tượng đã chặn xe của người đi đường, dùng dao nhọn khống chế, cướp đi xe máy và điện thoại; hai đối tượng còn ngang nhiên yêu cầu bị hại mở ví lấy đi đăng ký xe để dễ bề tiêu thụ.

Đối tượng trong vụ việc này khai nhận do thiếu tiền nên rủ nhau đi cướp tài sản của người đi đường: “Tiền trọ sắp đến, chuẩn bị hết tiền để chi tiêu thì anh Lâm mới rủ đi làm vụ cướp về để anh em chi tiêu và đóng tiền trọ. Khi thấy đối tượng em mới hỏi anh Lâm là “thằng này được không”, xong anh Lâm kêu cứ đi theo đi, khi nào đi lên em húc vào xe nó thì anh Lâm xuống anh giơ dao ra dọa nó”.

Công an thực nghiệm hiện trường vụ cướp. Ảnh: Vietnamnet

Túng thiếu, không có tiền tiêu xài là nguyên nhân khiến các hành vi phạm tội có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm với những diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động của tội phạm cướp giật tài sản. Qua công tác điều tra các vụ án cướp tài sản, lực lượng chức năng thông tin, đa số các đối tượng gây án đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ công cụ, phương tiện gây án và có sự bàn bạc, lên kế hoạch, phân công rõ trách nhiệm giữa các đối tượng trong quá trình hoạt động phạm tội.

Cùng với đó, tội phạm còn lợi dụng những sơ hở của người dân để tiếp cận và thực hiện hành vi phạm tội như đợi sẵn tại các đoạn đường vắng hay thường xuyên theo dõi những nơi có hoạt động giao, nhận tài sản lớn như ngân hàng, hiệu vàng, cây rút tiền để khi nạn nhân đến chỗ vắng sẽ thực hiện hành vi cướp tài sản…

Trung úy Đinh Tiến Dũng, Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận Bắc Từ Liêm khuyến cao người dân cần nêu cao hơn nữa ý thức cảnh giác: “Thời điểm cuối năm mà dân gian hay gọi là “tháng củ mật”, cơ quan công an cảnh báo người dân vào đêm tối không nên đi một mình, nên chọn các cung đường có đèn chiếu sáng và nhiều người qua lại, không nên đi đường tắt, đường tối rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ cướp”.

Cuối năm cũng là thời điểm tội phạm trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dân như không khóa cửa cổng, cửa ra vào nhà, cửa ban công, cửa sổ, cửa tum... để đột nhập vào nhà để trộm cắp tài sản có giá trị. Khi bị phát hiện, bắt giữ, đối tượng chống trả quyết liệt để bỏ trốn. Nhiều vụ việc, các đối tượng đã gây thương vong cho chủ nhà.

Đối tượng Nguyễn Văn Đông mới đây đột nhập vào một cửa hàng thiết bị điện tử lấy đi nhiều tài sản có giá trị ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Khi bị bắt, đối tượng khai nhận: “Đi bộ lang thang qua đấy thì tôi thấy ngôi nhà ở tầng 4 mở cửa, tôi nảy sinh ý định trộm cắp thì tôi trèo lên tầng 3 nhà bên cạnh rồi tôi trèo lên tầng 4 của nhà tôi trộm cắp. Rồi tôi vào lục đồ để trộm cắp tài sản."

Thiếu tá Phan Anh Tú, Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết thêm về thủ đoạn phạm tội của các đối tượng: “Đối tượng hay đi vào ban đêm. Chúng quan sát những nhà không lắp các thiết bị camera và cửa trên tầng tum không đóng để lẻn vào đột nhập trộm cắp tài sản."

Thời điểm cuối năm 2023, nền kinh tế đối mặt với những khó khăn, nhiều người không có việc làm, thu nhập ổn định, do vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, nhất là tội phạm trộm, cướp tài sản.

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm an toàn tài sản của người dân, TS Mạc Thu Hương, Khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, lực lượng chức năng đã và đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa với hoạt động của tội phạm:

“Tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm trộm cho người dân; tuyên truyền về sơ hở, thiếu xót mà các đối tượng thường lợi dụng để hoạt động trộm cắp tài sản cũng như tuyên truyền khoảng thời gian mà có nhiều sơ hở nhất để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Lực lượng công an cũng tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác như tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, điều tra cơ bản nắm tình hình."

Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị nên gắn camera để thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát, đề cao cảnh giác với những người lạ mặt xuất hiện tại khu vực dân cư. Trường hợp không may xảy ra mất cắp, mọi người cần bình tĩnh và trình báo ngay để cơ quan Công an kịp thời có biện pháp xử lý và truy bắt thủ phạm.