Cú “lột xác” ngoại mục của trái cây ĐBSCL

Với 370.000 hecta cây ăn trái, ĐBSCL đóng góp 60% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước và năm 2024 này kim ngạch xuất khẩu rau-củ-quả cán mốc 7 tỷ USD. Điểm cộng cho vùng là việc xúc tiến thương mại thành công, đưa những lô hàng trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia.

Từ 3.000 đồng/kg bỗng tăng giá gấp 10 lần, lên 30.000 đồng/kg, xoài tượng da xanh Cần Thơ bắt đầu thoát mác “ao làng” từ đầu năm 2024 khi địa phương phối hợp với doanh nghiệp đưa lô xoài đầu tiên xuất khẩu đi Úc. Cũng từ đó, trái xoài được “nâng niu” chứ không còn nỗi lo giải cứu như mọi năm.

Trong nhưng ngày giáp Tết, đến vườn xoài của HTX Nông nghiệp Lộc Hưng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) đã thấy mấy trái xoài non được bọc kỹ bằng túi giấy. Thay vì phun thuốc trừ sâu để bảo vệ xoài thì nông dân chọn bao trái từ khi còn nhỏ để trái đẹp da, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX Lộc Hưng vừa đi làm vừa kể, trước đây trái xoài thường xuyên rơi vào thế phải giải cứu bởi chúng lệ thuộc vào cơ chế thị trường nội địa. Không ai nghĩ một này loại trái này vươn xa ra tận nước ngoài. Khi Doanh nghiệp đến bàn bạc việc hợp tác để trồng xoài xuất khẩu, nông dân quyết chí đổi thay cách làm, “thắng thì ăn cả”, kết quả ngoài mong đợi là xoài được xuất đi “ngon lành”, mang về lợi nhuận cao gấp mấy lần so với trước đây.

“Thời gian qua cây ăn trái gặp khó khăn đầu ra, giá từ 20.000 cũng có mà cũng có thời điểm giá còn 8.000 đồng/kg. Cũng nhờ địa phương phối hợp với công ty T&T, họ đến đây tập huấn cách bảo quản để đưa hàng xuất khẩu, chúng tôi mừng lắm. Xuất khẩu là giá cả nó tăng lên từ 30%- 40 % so với nội địa”, ông Phan Văn Tây cho biết.

Xoài tượng da xanh được thu hoạch để xuất khẩu

Cú quay đầu lột xác của trái xoài tượng được đánh giá là “ngoạn mục” vì từ một loại trái hằng năm phải cứu, nay lại có giá trị trong ngành xuất khẩu. Mà nhất là Úc rất yêu thích loại trái này. Ngoài Cần Thơ có hơn 2.000 hecta trồng xoài thì Đồng Tháp và An Giang cũng là 2 địa phương xuất khẩu xoài hàng đầu ĐBSCL. Các lô xoài tượng xuất đi trong năm 2024 đã đưa vùng trồng xoài của các địa phương này nở rộ.

Tiêu chuẩn của một trái xoài xuất khẩu là đẹp, đều, không vết trầy xước và đạt kích cỡ quy định từ 600gr/trái - 1kg/trái, trái xoài phải được cấp mã vùng trồng. Đồng hành với nhà nông, doanh nghiệp xuất khẩu đã hỗ trợ trong kỹ thuật thu hoạch để trái xoài đến tay bạn bè quốc tế dài ngày mà vẫn tươi ngon.

Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Vina T&T cho biết: “Trong quá trình vận chuyển trong nhà vườn ra nơi tập kết thì xoài dễ va đập, dính mủ… khi đó xuất khẩu sẽ bị thối. Chúng tôi đến với bà con để tuyên tuyền những cách thức tiêu chí để xuất khẩu, những việc đó chúng tôi vẫn thường làm cho các vùng trồng”.

ú sữa được tiêu thụ ở nước ngoài giảm được lượng hàng tồn kho vào thời điểm chính vụ, nhà vườn tránh được tình trạng bị ép giá.

Trái vú sữa cũng không nằm ngoài quy luật thị trường, trước đây chỉ tiêu thụ ở trong nước nên giá bán không ổn định, có thời điểm còn bị ép giá. Từ khi có mã số vùng trồng, liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp xuất khẩu thì Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới xuất khẩu vú sữa. Vú sữa được tiêu thụ ở nước ngoài giảm được lượng hàng tồn kho vào thời điểm chính vụ, nhà vườn tránh được tình trạng bị ép giá. Từ khi được xuất khẩu, thương lái tìm mua vú sữa cũng phải cân nhắc với giá công ty thu mua để trả cho nhà vườn.

Ông Sử Bảo Quốc – nhà vườn ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đang sở hữu 20 tấn trái được bao tiêu xuất khẩu hồ hỡi kể: Trước đây vô vụ là tôi bán giá cao lắm là 15.000 đồng/kg. Bây giờ tham gia HTX xuất khẩu, bán vú sữa giá cao hơn, đầu vụ là người ta tới mua 40.000 đồng/kg”. Làm vườn thấy hăng hái hơn, năm nay nghe nói xuất khẩu đến 500 tấn lận đó.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng ĐBSCL có diện tích hơn 370.000 ha cây ăn trái, đóng góp lớn vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Hiện nay mặt hàng rau quả đã thâm nhập vào nhiều thị trường, điển hình như sầu riêng (tươi, đông lạnh), dừa tươi vào thị trường Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua tăng trưởng liên tục.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Các địa phương có những chương trình để tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa.

Từ đó sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu, từ những cái thương hiệu của vùng nguyên liệu của địa phương nó sẽ hình thành lên một thương hiệu quốc gia và có khi mà hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì chúng ta không sợ và không có người mua, không có thị trường”.

Hiện nay trong tổng số các hiệp định thương mại tự do đã ký kết có điều khoản rau quả phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu, điều này này nói lên chất lượng rau quả sẽ quyết định đến xuất khẩu. Vì vậy, ngành hàng rau quả đã tập trung xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn để vào các thị trường khó tính.