“Cú hích” giúp khơi thông nhà ở xã hội (Phần 2)

Dù ghi nhận những điểm mới trong Nghị định 100/2024, có hiệu lực từ 1.8.2024 vừa được Chính phủ ban hành, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để thông suốt cho việc triển khai nhà ở xã hội thì cần thêm nhiều điều kiện khác.

Ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng giám đốc G-Home, chuyên gia về nhà ở xã hội cho rằng, việc nới rộng một số điều kiện trong Nghị định 100/2024 giúp tháo gỡ vướng mắc gây khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội, hỗ trợ người thu nhập thấp đến gần hơn với nhà ở xã hội:

"Nghị định 100 được ra ngay lập tức, và Thông tư 05 hướng dẫn nhà ở xã hội cũng được ra ngay lập tức, tức là mọi thứ đều có. Tôi hy vọng đây là cú huých lớn đối phân khúc nhà ở xã hội, giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Còn nếu như cũ thì tôi cũng rất quan ngại liệu chúng ta có đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở hay không?"

Ảnh: VGP

Còn theo luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết, với những nội dung tại Luật nhà ở và NĐ 100/2024 mới có hiệu lực, có thể nói chưa bao giờ phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đưa ra nhiều cơ chế, ưu đãi và hỗ trợ như hiện nay.

Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Thành Tài để thông suốt cho việc phát triển nhà ở xã hội thì cần nhiều yếu tố khác: "Theo quan điểm của tôi, cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện để thi hành các điều kiện mới. Tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn ; đồng thời để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu chính sách, tránh lợi dụng các chính sách tiêu cực cần công khai nh bạch việc mua bán nhà ở xã hội, giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng mua, thuê, thuê mua. Để có quỹ đất phát triển nhà ở xh thì cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước."

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc khó nhất hiện nay đối với việc triển khai nhà ở xã hội là quỹ đất:  "Nghị định 100 chỉ giải quyết một phần thôi, hiện khó nhất để làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Chúng ta cần đẩy mạnh việc quy hoạch về quỹ nhà ở xã hội làm sao mà quỹ đất đủ lớn, đủ lớn đê xây dựng tiện ích hạ tầng đảm bảo chất lượng cuộc sống lâu dài. Quan trọng nhất là chúng ta chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ Nhà nước đứng ra thu hồi để có quỹ đất sạch."

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính nêu quan điểm: "Việc triển khai nhà ở xã hội còn cần sự hoàn thiện của nhiều cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư xây dựng, cũng như trong hoạt động mua bán và các hoạt động tín dụng. Do đó, cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc khởi công, thực hiện các thủ tục hành chính…"

Ảnh: QĐND

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5/8, trả lời báo chí liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, Thứ tưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 561 nghìn căn. Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng cho biết:

"Năm 2024 phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ. Với 8 dự án quy mô 3100 căn hộ đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2024, còn gần 100 nghìn căn hộ phải hoàn thành trong năm 2024. Bộ Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án đã khởi công đúng tiến độ vào năm 2024. Cũng là áp lực tiến độ rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, bộ, ban, ngành, địa phương."

Liên quan đến gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, hiện mới giải ngân được 1 nghìn 344 tỉ đồng, trong đó là 49 tỉ đồng cho người mua nhà ở xã hội:

"Thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ, đã triển khai Chương trình gói tín dụng khoảng 120.000 tỉ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình Nghị quyết điều chỉnh một số nội dung, điều chỉnh gói 120.000 tỉ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua nhà từ 3% - 5%."

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia cho vay nguồn vốn chương trình hỗ trợ 120.000 tỉ và nới room tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn, giảm lãi suất cho vay nguồn hỗ trợ 120.000 tỉ.

Thời hạn cho vay là từ 10 đến 15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3% đến 5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.