"Cú bắt tay” cho nông sản miền Tây

Mới đây, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025.

Hợp tác phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương vùng ĐBSCL là truyền thống đã có từ lâu và được củng cố, phát triển mạnh hơn trong thời gian gần đây. TP. Hồ Chí Minh với lợi thế phát triển mạnh trên hầu hết các lĩnh vực, là động lực phát triển và đầu tàu kinh tế cho các tỉnh phía Nam và cả nước. Mối hợp tác trong thời kỳ mới được kỳ vọng sẽ tạo sức bật đột phá để ĐBSCL tận dụng thế mạnh phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Với lợi thế là tỉnh có sản lượng nông sản lớn, đặc biệt là nhiều loại trái cây giá trị kinh tế cao như sầu riêng, thanh long, bưởi... dự kiến đến cuối năm 2023 Tiền Giang có khoảng 82,6 ngàn ha cây ăn trái, với sản lượng đạt khoảng 1,75 triệu tấn. Thời gian qua, Tiền Giang đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng thông qua việc đầu tư, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ trái cây.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: Tiền Giang là tỉnh mà phải nói rằng, trái cây và hoa màu rất dồi dào, nguồn thực phẩm cho sinh hoạt và đời sống nhân dân của thành phố Hồ Chí Minh. Qua khảo sát nhiều năm liền, thấy rằng đối với các chợ đầu mối lượng hoa màu của Tiền Giang ngày càng nâng lên. Tổng hợp vài năm gần đây, gần như lượng cây trái, hoa màu vào chợ nông sản của TP. Hồ Chí Minh là chợ Bình Điền chiếm 30%, sản lượng khu vực này nó cũng là thành quả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Không chỉ tại Tiền Giang mà các địa phương khác ở ĐBSCL cũng đang tập trung vào nâng cao chất lượng nông sản, không chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu mà còn đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, đặc biệt là liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối.

Các đại biểu dự hội nghị triển khai Kế hoạch hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vừa được công bố tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Nhật Minh -MekongFM)

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail – Chuỗi siêu thị Go!, BigC, Tops Market, cho biết, đối với mảng bán lẻ thực phẩm  thì Tập đoàn có hơn 70 cửa hàng siêu thị, đại siêu thị hiện diện khắp cả nước. Riêng ĐBSCL đến nay có 4 trung tâm thương mại tại địa phương: Đối với Central Retail Việt Nam là Tập đoàn FDI. Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành với thành phố và phát triển cùng với địa phương và sẽ mở rộng, cố gắng đẩy nhanh thật nhiều việc phát triển cơ sở tại địa phương, nhất là không chỉ đem đến nhiều cơ hội giao thương cho hàng hóa, phát triển, quảng bá mà còn nâng cao đời sống, chất lượng dịch và giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương nhiều hơn.

Bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra, cho biết: Satra cam kết đồng hành với chương trình hợp tác, phát triển kinh tế xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Hiện nay, Satra đang đẩy mạnh chiến lược kênh bán lẻ, thực hiện việc mở rộng thêm hệ thông phân phối và hệ thống bán lẻ tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tại thành phố Cần Thơ.

Bà Phạm Thi Vân cho biết: Chúng tôi sẽ liên kết các trung tâm phân phối để đưa hàng hóa từ Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL về thành phố Hồ Chí Minh. Với tiềm năng dồi dào và thế mạnh của chợ đầu mối Bình Điền. Ngoài việc cung ứng cho hệ thống bán lẻ Satra, chúng tôi cam kết đồng hành với các tỉnh ĐBSCL về hàng nông sản, thủy hải sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân có thể kết nối thương mại một cách thiết thực, hiệu quả để người tiêu dùng hưởng lợi từ nguồn sản phẩm từ ền Tây. Chúng tôi mong muốn thông chương trình tìm kiếm được nguồn hàng, nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển không chỉ riêng thành phố mà cho cả hoạt động hợp tác với vùng ĐBSCL. Ngày 21/7, UBND TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025.

Theo kế hoạch thỏa thuận hợp tác, trong năm nay, TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng. Trong đó có các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đầu tư, kết nối doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương. Từ đó, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá, TP. Hồ Chí Minh là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò một trung tâm lớn, trọng điểm phía Nam và cả nước: Đối với thành phố Cần Thơ, xác định việc hợp tác, phát triển thành phố Hồ Chí Minh là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo điều kiện để tiếp cận được sự hỗ trợ từ thành phố Hồ Chí Minh để tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển cũng như mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư và giữa các địa phương. Phát triển các chuỗi thương mại, dịch vụ, logistics hiện đại, kết nối phát triển công nghiệp, giữa các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL vào các kênh phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang triển khai dự án kêu gọi đầu tư chợ đầu mối Bình Điền trở thành chợ đầu mối lớn của quốc gia và tầm quốc tế. Ông Mãi cho rằng việc hình thành trung tâm logistics ở TP. Cần Thơ và các trung tâm đầu mối ở một số địa phương vùng ĐBSCL theo quy hoạch tỉnh là rất cần thiết. Các trung tâm này sẽ kết hợp với chợ đầu mối Bình Điền hình thành mạng lưới kết nối giao thương.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nhấn mạnh: Thành phố sẽ thành lập trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL. Tôi cho rằng kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư là việc phải làm ngay và mang lại hiệu quả thiết thực giúp kết nối các doanh nghiệp giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Rất mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào ĐBSCL và ĐBSCL đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh. Ở đây chúng tôi thấy từ thành phố về ĐBSCL có rất nhiều tìm năng từ bán lẻ, bán buôn, giao thông, cảng, logistics.

Việc công bố Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương. Đồng thời mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ những nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Những cái bắt tay thật chặt giữa các địa phương đã góp phần gắn kết, mở rộng đầu ra cho nông sản ền Tây vươn cao, vươn xa, phục vụ nhu cầu khách hàng cả nước.