Công nhân chờ thưởng Tết

Tết Nguyên đán 2024 đã cận kề, thế nhưng, với người lao động là công nhân đang làm việc tại nhiều công ty, doanh nghiệp thì còn mang nhiều lắng lo, mong chờ thưởng Tết. Bởi ai cũng biết năm 2023 là một năm đầy thách thức khi số lượng đơn hàng tại các doanh nghiệp giảm mạnh...

7h30 tối, chị Huỳnh An Yên hoàn thành xong công việc ở công ty và trở về nhà trọ nghỉ ngơi. Dù hôm nay phải tăng ca nhưng chị cảm thấy rất vui vì đã mấy tháng trời chị mới được công ty báo làm thêm giờ. Chị là công nhân làm việc tại một công ty sản xuất bao bì, túi nilon ở Đồng Tháp; đây là năm thứ 5 chị gắn bó với nơi này. Biết Tết đã cận kề, chị cùng các đồng nghiệp mong chờ được tăng ca để kiếm thêm thu nhập trang trải dịp Tết nhưng chờ mãi mới được một ngày làm thêm giờ, trong khi các năm trước, từ đầu tháng 11, các đơn hàng đã tấp nập về công ty.

Chị An Yên trải lòng: Chiều nay mà nghe nói tăng ca là tự nhiên thấy nó phấn khởi là tại vì lâu lắm rồi làm không có tăng ca. Cũng mong là từ đây sắp tới có nhiều đơn hàng đến bất ngờ như vậy đi để cho mình mình tăng ca. Mình vất vả một chút nhưng mà tiền lương của mình nó cộng thêm để cho cuối năm mình có cái sự rộng rãi hơn.

Với chị An Yên, năm 2023 là một năm rất khó khăn. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong điều kiện bị cắt giảm đơn hàng, công ty của chị buộc lòng phải ngưng hợp đồng với nhiều nhân sự, cùng với đó, công nhân làm việc cũng thay phiên nhau nghỉ. Phải đến khoảng đầu tháng 12 này, các công nhân mới được đi làm đầy đủ các ngày trong tuần.

Chị cho biết thêm: Lúc trước thì đông nhưng mà thời gian sau này bớt người lại thì còn khoảng chừng 17- 18 người trở lại thôi hà. Hôm nay là 14 15 tây, bắt đầu mới có được đơn hàng mà cũng lai rai hà, cũng không có nhiều nữa. Năm trước thì đầu tháng 11 mình là bắt đầu có đơn hàng nhiều rồi. Công việc làm năm nay thì hầu như là nghỉ nhiều hơn mọi năm mà lại cũng không có tăng ca nữa.

Tăng ca kiếm thêm thu nhập, đó cũng là mong ước của chị Huỳnh Thị Bé Bảy, 41 tuổi, quê Đồng Tháp, hiện đang làm công nhân tại một công ty dệt ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ba năm bôn ba nơi xứ người, chị và ông xã đều là công nhân, anh chị lao động chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm chỉ mong lo được cho con ăn học đến nơi đến chốn. Thế nhưng từ sau đợt dịch COVID- 19 đến nay, công việc không mấy thuận lợi.

Chị Bé Bảy tâm tư: Bé nhà tôi học lớp 6. Tiền trường, tiền học thêm rồi tiền xe đưa rước, tiền ăn… Nói chung là có tăng ca thì nó đỡ, còn nếu không có tăng ca thì sẽ không đủ.

Hiểu tình hình thực tế và sẵn sang chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua gia đoạn khó khăn, cả chị An Yên và chị Bé Bảy đều cố gắng hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất. Hai chị cũng không dám mơ điều gì xa xôi, to tác. Tuy nhiên sau một năm lao động ệt mài, 2 chị và rất nhiều các các anh chị em công nhân khác cũng mong nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời từ công ty. Tiền thưởng dù không nhiều nhưng cũng giúp họ yên tâm đón Tết.

 

Công nhân lo không có thưởng tết năm nay (ảnh nh hoạ: dantri.vn)

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhìn lại năm 2023 thật sự là một năm đầy thách thức với các doanh nghiệp dù hoạt động ở quy mô hay lĩnh vực nào. Tại Tiền Giang, theo thông tin từ Liên đoàn lao động Tỉnh, năm 2023, tình hình lao động tại một số Doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Cụ thể, có 28 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, hơn 8.200 công nhân bị giảm giờ, ngày làm việc, 235 người lao động phải nghỉ việc không lương, gần 2.000 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động và có gần 2.400 trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Trước thực trạng trên, Liên đoàn lao động Tỉnh cũng đã có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành, san sẻ cùng người lao động. Theo đó, đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó nắm bắt được tình hình sử dụng lao động, cũng như các khoản thu nhập, lương, thưởng tết cho người lao động để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ông Hoàng Khắc Tinh- Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang cho biết: Bên cạnh việc tuyên truyền cho người lao động an tâm lao động, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giới thiệu tìm việc làm mới cho 3.110 lao động, đã có 1.600 lao động có được việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, công đoàn các khu, cụm Công nghiệp trên địa bàn Tỉnh cũng đã huy động mọi nguồn lực để chăm lo tết cho đoàn và người lao động. Cụ thể là rà soát lại danh sách đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ theo chính sách của Liên đoàn lao động tỉnh và của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Nói về các chính sách hỗ trợ, ông Đặng Văn Chiến- Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Tỉnh chia sẻ:

Băng: Đến thời điểm này, chúng tôi tổng hợp được 605 đoàn viên đủ điều kiện được nhận hỗ trợ, chăm lo thăm hỏi đúng theo quy định. Ngoài ra, thực hiện các chủ trương của Tổng Liên đoàn, và phân bổ của tỉnh, thì chúng tôi cũng triển khai cho các công đoàn cơ sở rà soát các đối tượng là đoàn viên để tham gia chương trình “Chợ tết công đoàn” thông qua sàn giao dịch điện tử thương mại. Cái này có tổng cộng là 506 đoàn viên tham gia.

Về phía các đơn vị sử dụng lao động, đến thời điểm này, các doanh nghiệp cơ bản đã có các phương án thưởng Tết cụ thể. Nhìn chung, sau 1 năm nhiều thách thức, gam màu ảm đạm bao trùm phần lớn bức tranh thưởng Tết, tuy nhiên, đâu đó vẫn có những màu sáng nổi bật. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức thưởng Tết được ghi nhận cao nhất năm nay là hơn 2 tỷ đồng/người, còn mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.

“Khi thưởng Tết là sự sẻ chia và thấu cảm”

Tết là để trở về, là dịp sum vầy đoàn tụ nên dù ở phương trời nào, dù làm bất kỳ công việc gì thì trong tâm khảm của phần lớn người dân Việt Nam, Tết luôn có một ý nghĩa rất riêng. Và Tết cổ truyền càng trở nên đặc biệt hơn, vui hơn khi kinh tế được đảm bảo, khi túi tiền cho phép chúng ta sắm sửa, chuẩn bị quà cáp cho gia đình sau một năm ệt mài, bôn ba.

Có dịp trò chuyện lắng nghe những phút trải lòng của các anh chị công nhân mới hiểu họ trăn trở như thế nào mỗi năm Tết đến xuân về. Lao động để có thu nhập nuôi sống bản thân, dành dụm để phát triển sự nghiệp, đó là việc rất bình thường và là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Thế nhưng với một số hoàn cảnh công nhân đặc biệt, khi họ phải tha hương gánh vác gia đình với cha mẹ già, con nhỏ, anh chị em không may mang bệnh tật… thì từng ngày công lao động với họ là rất quan trọng.

Thế nhưng, năm qua, không nằm ngoài bức tranh “kinh tế buồn”, họ phải chấp nhận những khó khăn trong công việc, phải giảm ngày làm, giờ làm, giảm lương để chia sẻ cùng doanh nghiệp. Với nhiều người, thời điểm này còn được đi làm đã là điều may mắn dù có khi ngày làm, ngày nghỉ.

Năm hết, Tết sắp đến, nói là chờ tiền thưởng nhưng họ cũng chẳng dám đòi hỏi hay mong cầu xa xôi, chỉ mong có được thêm một khoảng nho nhỏ giúp trang trải chi phí gia đình, đón Tết thêm vui vẻ, đỡ phần lắng lo. Hơn hết, dù ít dù nhiều thì phần thưởng Tết còn giúp họ cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo của công ty, là sự ghi nhận cho quá trình gắn bó, đồng hành, giúp công ty vượt qua khó khăn duy trì hoạt động.

Vậy nên, có lẽ sẽ có chút chạnh lòng và một thoáng buồn nơi khóe mắt khi lỡ có người thân hay bà con lối xóm hỏi thăm “năm nay thưởng Tết khá không?” mà câu trả lời là “không có”…

Tin chắc rằng các công ty, doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động đều nắm bắt được tâm lý này nên thời gian qua, dù đối mặt với không ít thách thức nhưng nhiều nơi vẫn nỗ lực đảm bảo thưởng Tết cho công nhân dù là 1 tháng lương, nửa tháng lương hay có khi là những phần quà bánh, nhu yếu phẩm.

Không thể so sánh một cách khập khiễng rằng nơi thưởng tiền tỷ, nơi lại vài trăm nhưng rõ ràng khi được quan tâm, được chia sẻ chân thành, người nhận sẽ vẫn vui vẻ và cảm thấy ấm lòng. Ở góc độ quản lý, việc quan tâm, động viên kịp thời còn là cách để giữ chân người lao động, giúp họ an tâm cống hiến và có niềm tin về một năm mới nhiều thắng lợi.