Để ngăn ngừa tình trạng này, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với một số ngân hàng để cung cấp thông tin, kỹ năng nhận diện và phòng tránh lừa đảo cho người dân, thông qua các tổ dân phố.
Dù chưa bị rơi vào bẫy của tội phạm công nghệ cao, song ông Dương Văn Hệ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chứng kiến một số trường hợp đã bị lừa tiền thông qua hình thức giả danh người thân. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh của con để lừa người mẹ chuyển tiền, và người mẹ đã mắc bẫy:
"Gần nhà tôi thôi, con ở Mỹ, mẹ ở Việt Nam, họ đã gọi điện cho nhìn hình ảnh của con, nhưng hình ảnh đấy không nét, họ bảo chuyển cho 60 triệu để sửa nhà thì sau đó cũng chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo đấy".
Không ít trường hợp người dân cũng bị các đối tượng lừa đảo, gọi điện dụ dỗ:
"Lúc thì gọi vay tiền, có đầu tư làm gì không? Rồi chung vốn làm ăn này,…các con cháu cảnh báo biết là cũng dập máy luôn đấy".
"Ví dụ xưng danh tên hẳn hoi là ở trên công an quận, mời bác làm lại nâng cấp tài khoản định danh, VNeID".
Để ngăn chặn tình trạng, ngày 19/7, Công an quận Hoàn Kiếm đã tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền đến hàng trăm tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn, thông qua đó cung cấp thông tin, kỹ năng nhận diện và phòng tránh lừa đảo cho người dân.
Tại Hội nghị, đại uý Nguyễn Mạnh Cường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, có 8 thủ đoạn chính mà đối tượng lừa đảo thực hiện như: Tuyển việc làm online, làm nhiệm vụ để hưởng hoa hồng cao; Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn mở thẻ tín dụng, vay tiền online; Chiếm đoạt tiền thông qua việc mua bán hàng trên mạng xã hội; Giả danh cơ quan tư pháp, giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án; Thông báo được tặng quà, yêu cầu chuyển tiền... Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chia làm 3 giai đoạn:
"Giai đoạn thứ nhất, tiếp cận, làm quen với người bị hại. Thứ hai, các đối tượng đưa ra thông tin sai sự thật, khiến người bị hại tin tưởng, cung cấp thông tin, dẫn dắt người bị hại thực hiện theo yêu cầu. Thứ ba sau khi người bị hại chuyển tiền đến tài khoản do các đối tượng đưa ra hoặc mất quyền kiểm soát điện thoại các đối tượng sẽ thực hiện chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng không chính chủ và chiếm đoạt tài sản".
Thống kê của Công an quận Hoàn Kiếm cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận 83 đơn trình báo tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, giảm 61 vụ, tương đương 42,36% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 29,2 tỷ đồng.
Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, để giảm thiểu tình trạng này, lực lượng công an phối hợp với các ngân hàng để ngăn chặn:
"Từ trước đến nay triển khai 2 chuyên đề, kế hoạch. Thứ nhất, công an quận phối hợp với các ngân hàng để tổ chức tuyên truyền, phát hiện và ngăn chặn việc người dân đến ngân hàng rút tiền để chuyển tuyền cho đối tượng. Thứ hai, tổ chức tuyên truyền, mời người dân ra ra khu công cộng, trực tiếp cảnh sát khu vực tuyên truyền vận động người dân biết phương thức thủ đoạn lừa đảo để người dân biết và tự phòng ngừa".
Theo bà Nguyễn Cẩm Vân, đại diện Ngân hàng BIDV, chi nhánh phường Cửa Đông, tháng 6 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Công an phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm ngăn chặn thành công một vụ người dân định chuyển số tiền 410 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo.
Tuy vậy, số vụ ngăn chặn được chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số vụ lừa đảo. Bởi vậy, bà Nguyễn Cẩm Vân cho rằng, sự cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quyết định để không rơi vào bẫy lừa đảo:
"Dù có cảnh báo đến đâu, tuyên truyền đến đâu thì bản thân mỗi các ông, các bà các cụ và các khách hàng phải tự bảo vệ tài sản của mình. Bởi vì, may ngày hôm đó bọn cháu hỗ trợ kịp, thế còn trường hợp khác mà không có hỗ trợ của bọn cháu hoặc là không ra quầy ngân hàng, chuyển online, chuyển tiền ở nhà thì chắc chắn là chúng cháu không thể hỗ trợ được. Một điều mấu chốt quan trọng nhất là cái mật khẩu OTP của mình các bác không được phép cung cấp cho bất cứ ai".
Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận diện và phòng tránh lừa đảo công nghệ cao; phối hợp với các ngân hàng thường xuyên cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm cho các khách hàng.
Đặc biệt, việc tuyên truyền đến các phường và các Tổ trưởng tổ dân phố cần tiếp tục được chú trọng. Bởi tổ dân phố là cánh tay nối dài của các cấp chính quyền, cũng là tổ chức đoàn thể gần dân nhất, qua đó sẽ trực tiếp tuyên truyền đến từng nhà, từng người dân, góp phần nâng cao cảnh giác, không để rơi vào bẫy của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.