Có nồng độ cồn trong hơi thở khi lái xe nhưng do ăn trái cây, xử lý thế nào?

Trước những ý kiến băn khoăn của người dân về việc khi ăn một số loại trái cây như sầu riêng, nho... khiến hơi thở có nồng độ cồn, đại diện Vụ Pháp chế khẳng định sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về mặt khoa học để lực lượng chức năng xử lý phù hợp.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Luật phòng chống tác hại của rượu bia tại Việt Nam lần đầu tiên ra đời nhưng đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao vì có những quy định mạnh mẽ. Trong đó cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.

 "Người điểu khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm Luật phòng chống tác hại của rượu bia". Đó là một trong những điểm mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2020 được đề cập tại Hội nghị triển khai Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức sáng qua (16/10) tại Hà Nội.

Luật phòng chống tác hại của rượu bia tại Việt Nam lần đầu tiên ra đời nhưng đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao vì có những quy định mạnh mẽ. Trong đó cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi sử dụng một số loại trái cây, trong cơ thể vẫn có nồng độ cồn nhất định, dù rất nhỏ. Với những trường hợp này sẽ xử lý như thế nào?

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng dễ có nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể. Tuy nhiên, đây là một thực tế. Sau này, trong quá trình thông tin, giáo dục, truyền thông thực hiện luật, chúng tôi sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng biết để với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt. Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho cả người dân và lực lượng chức năng để có thể xử lý các tình huống cho phù hợp.”

Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, Luật phòng chống tác hại của rượu bia là căn cứ cao nhất để các cơ quan chức năng thực hiện. Trong giai đoạn trình lập hồ sơ xử phạt vi phạm, ngoài việc đo nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe, nếu thấy cần thiết, cảnh sát giao thông còn tiến hành xét nghiệm máu để đảm bảo tính chính xác.

Ủng hộ các quy định mạnh mẽ trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia và các giải pháp của Bộ Y tế, nhưng ông Nguyễn Sĩ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng nêu ra những tình huống khó khăn trong quá trình đưa luật vào cuộc sống:

“Bây giờ trong đám cưới, cuộc vui, nhất là ở nông thôn. Ăn uống là thường có rượu bia. Sau khi uống rượu bia thì về nhà bằng cách nào, phương tiện công cộng ở nông thôn thì chưa có, chỉ có thể đi xe ôm thôi nhưng cũng không dễ. Mà Luật quy định, khi đã uống rượu bia thì không được lái xe. Tôi nêu ra một ví dụ như vậy để chứng nh rằng việc thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia gặp rất nhiều khó khăn. Phải có những biện pháp nâng cao sự tự giác của người dân, chứ trông chờ vào việc xử phạt thì rất khó khăn.”

Hiện Bộ Y tế cũng đang trong quá trình xin ý kiến về việc mở rộng danh sách những nơi cấm bán và sử dụng rượu bia như công viên, nhà chờ xe buýt, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc để quy định trong Nghị định thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia.