Cơ hội từ ngày hội Tôm

Cà Mau là tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Những năm qua, địa phương luôn chú trọng tận dụng lợi thế này để xây dựng các vùng nuôi tôm. Tuy con tôm Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang đối mặt với nhiều thách thức.

Festival Tôm 2023 được tổ chức là nhằm tìm hướng đi bền vững cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ cho ngành tôm ở Cà Mau...

Phát biểu tại lễ khai mạc Festival Tôm 2023 tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá: Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu đến trên 100 quốc gia. Riêng Cà Mau đã đóng góp hơn 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm, chiếm 28% của cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong 03 năm gần đây.

Khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Lễ khai mạc Festival Tôm 2023 đã cho thấy triển vọng tươi sáng và còn đầy tiềm năng khai thác của ngành tôm Cà Mau. Tại ngày hội, hàng nghìn sản phẩm liên quan đến chuỗi ngành tôm được trưng bày. Nhiều chủng loại tôm được nuôi dưỡng từ mầm đất và nước, được đánh bắt từ vùng biển Cà Mau được trưng bày, giới thiệu như một sự khẳng định vị thế, thương hiệu, chất lượng tôm Cà Mau.

Anh Mai Tiến Sĩ – người dân Cà Mau cho biết: Trọng lượng từ 400 – 500gr/con là size lớn nhất, loại này được đánh bắt từ vùng biển phía Nam, sau đó cho chúng sinh sản để cung cấp con giống, mỗi lần chúng sinh sản từ khoảng 1,5 triệu con/lần. Nếu mình bán cho những công ty chuyên sản xuất con giống thì giá của nó là 4 triệu/con.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam 3,6 tỷ USD thì Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD.

Đất Mũi Cà Mau được mệnh danh là “vựa tôm” của cả nước vì có ngư trường rộng lớn (trên 80.000km2) và một vùng đất ngập mặn ven biển màu mỡ để nuôi tôm. Với tổng diện tích 260.000 hecta, hằng năm, sản lượng thu hoạch ở khoảng 250.000 tấn. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam 3,6 tỷ USD thì Cà Mau đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD.

Trong nhiều phương pháp nuôi, như: quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh…thì hình thức nuôi sinh thái dưới tán rừng ( tôm – rừng) và luân canh tôm – lúa là thế mạnh riêng có của Cà Mau. Bên cạnh một số chủng loại như: tôm đất, tôm bạc và tôm thẻ chân trắng thì tôm sú đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu mặt hàng tôm với đặc trưng vỏ dày sáng bóng, nhiều thịt, ngọt đậm và dai. Đi lên từ thế mạnh, các địa phương chuyên canh tôm như: Ngọc Hiển, Thới Bình, Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân tập trung toàn lực cho ngành tôm từ chính sách cho vay đến tập huấn kỹ thuật nuôi hiệu quả.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết: Để nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt năng suất và chất lượng, huyện đã chỉ đạo xây dựng sổ tay hướng dẫn cho người dân thực hiện quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn. Huyện đã tiến hành hướng dẫn, tập huấn cho hầu hết hộ dân nuôi tôm trên địa bàn. Cơ quan chức năng cũng thực hiện các mô hình điểm trên địa bàn tất cả các xã, thị trấn và mang lại hiệu quả rất là cao. Có những mô hình, người dân xổ con nước thu vài chục triệu, một đêm thu được cả trăm kg tôm sú.

Mặc dù đạt danh tiếng nhất định, chiếm đến 40% diện tích nuôi tôm của cả nước, dẫn đầu sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhưng nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi; môi trường nuôi tôm ngày càng ô nhiễm; đất đai bị bạc màu; tổ chức sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá cả còn bấp bênh.

Tỷ lệ các sản phẩm có giá trị gia tăng còn thấp. Xuất khẩu vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác. Khâu con giống và vật tư là then chốt nhưng Cà Mau lại vấp phải thách thức chính từ khâu đầu vào nên quá trình canh tác của nông dân trở nên khó khăn.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Quy hoạch phát triển ngành tôm còn nhiều bất cập, hạ tầng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng. Dịch vụ cung ứng đầu vào, chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, thuốc và các chế phẩm dành cho nuôi trồng thủy sản không ổn định.

Festival Tôm 2023 ngoài quảng bá thương hiệu thì sự kiện tập họp các chuyên gia đầu ngành tôm nhận diện khó khăn nhằm tìm hướng đi bền vững cũng như thu hút đầu tư mạnh mẽ cho ngành tôm Cà Mau. Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1,65 tỷ USD; đưa thuỷ sản Cà Mau trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, trong đó, giữ vị trí mũi nhọn, chủ lực chính là con tôm.

Để thực hiện những định hướng trên, Cà Mau giữ ổn định diện tích nuôi tôm đến năm 2025 khoảng 280.000 hecta, sản lượng đạt khoảng 320.000 tấn. Xây dựng các mô hình dồn điền, đổi thửa tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hình thành các tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025 có 70% nông hộ nuôi tôm tham gia HTX, đến năm 2030 có 80% hộ nuôi tôm tham gia HTX.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm. Xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Cà Mau và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau cũng đang tranh thủ sự giúp đỡ từ các tổ chức phi Chính phủ thông qua các chương trình, dự án và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách… để góp phần hoàn thành kế hoạch ngành hàng tôm tỉnh Cà Mau thời gian tới.

Canh tác tôm – lúa là thế mạnh riêng có của Cà Mau

Quả thật, con tôm đã giúp nhiều bà con Cà Mau “đổi đời”, nhờ con tôm mà diện mạo nông thôn đổi khác, đời sống người dân trở nên khá giả hơn. Cà Mau đã lựa chọn và khẳng định việc phát triển các mô hình nuôi tôm làm “ngọn cờ đầu” trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Trải qua nhiều gian đoạn thăng trầm, nghề tôm đang đối mặt với thách thức mới và đòi hỏi sự đoàn kết từ các cấp đến nông dân để vượt qua khó khăn chung nhằm giữ vững thương hiệu “Tôm Cà Mau là tinh hoa trong các tinh hoa sản vật Việt”.

Để trở thành “vương quốc” tôm, nghề nuôi tôm ở Cà Mau đã trải qua một hành trình đầy khó khăn mới đạt được diện tích 260.000 hecta tôm nuôi. Từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi trên 160.000 hecta đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm.

Sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông - ngư nghiệp sang ngư - nông nghiệp là sự chuyển đổi đúng hướng, kịp thời, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Con tôm đã cùng người nông dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên làm giàu. Trong từng giai đoạn, con tôm và người nông dân có những bước thăng trầm khác nhau.

So với các tỉnh trong khu vực và cả nước, Cà Mau đã tạo được nét riêng độc đáo là vùng trọng điểm về nuôi tôm sinh thái, được khách hàng của nhiều nước trên thế giới quan tâm, ưa chuộng. Cà Mau đang nỗ lực nắm bắt cơ hội để tiếp tục đột phá từ ngành tôm, nhưng trước nhiều khó khăn, đòi hỏi địa phương phải kiên nhẫn và sáng tạo hơn. Để phát triển bền vững chuỗi liên kết ngành tôm Cà Mau, Bộ - ngành và chuyên gia đã gợi ý cho Cà Mau.

Trước tiên, Chính quyền các cấp là cơ quan đóng vai trò tổ chức và điều phối giữa các thành phần. Cơ quan này sẽ thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, câu lạc bộ, nhóm sản xuất của nông dân. Có chiến lược quy hoạch các vùng nguyên liệu có tiềm năng đáp ứng được nhu cầu của công ty/doanh nghiệp. Có chính sách hay huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân và công ty trong sản xuất và tiêu thụ.

Đối với Doanh nghiệp đầu tư cho ngành tôm Cà Mau phải có chiến lược dài hạn, lấy chữ tín làm đầu. Có cơ chế thu hút sự tham gia của các bên, có cơ chế chia sẻ lợi ích kinh tế cho các bên tham gia. Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hợp tác với nông dân để bảo đảm nguồn cung ứng bền vững. Xây dựng khu vùng nuôi có chứng nhận quốc tế riêng của các công ty.

Còn Nhà khoa học thì tham gia xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến bảo đảm chất lượng như VietGAP, ASC, EU hay các tiêu chuẩn Organic. Chuyển giao công nghệ sản xuất tôm giống sạch bệnh.

Riêng Hộ nuôi tôm thì cần phải thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và phải tuân thủ triệt để theo quy trình sản xuất đã được đưa ra bởi nhà khoa học hay ràng buộc của doanh nghiệp. Nông dân cần năng động liên kết lại với nhau để thành lập các hợp tác xã, nhóm nông dân nuôi tôm để tăng khả năng cạnh tranh và thuận tiện khi tham gia liên kết cũng như tiếp nhận và thụ hưởng những chính sách từ nhà nước và tổ chức khác.

Bên cạnh đó, nông dân cũng cần giữ chữ tín và tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp, không tự ý phá vỡ khi giá cả biến động, như thế mối liên kết này mới thực sự đem lại hiệu quả thiết thực.

Đất Mũi hào sảng từ hàng trăm năm qua mang theo con tôm làm sản vật quà tặng quý báu. Con tôm Đất Mũi của Tổ quốc ta hòa quyện vị ngọt của đất, vị mặn của biển và chịu trải qua hành trình gian khổ để đứng ở vị trí “tinh hoa”. Tin rằng, với sự đoàn kết, người dân Cà Mau sẽ chinh phục được nhiều thành tựu hơn nữa trong nghề nuôi tôm – sinh kế truyền thống của cư dân Cà Mau.